Nghiên cứu vaccine H5N1 cho người
Sau gần hai năm triển khai nghiên cứu vaccine phòng, chống cúm A H5N1 do Viện nghiên cứu sản xuất đã được thử nghiệm thành công trên chuột, gà, thỏ và đặc biệt là khỉ về độ an toàn và công hiệu của vaccine. Sau những thành công trên, nhóm các nhà khoa học đã sẵn sàng cho công đoạn sản xuất và thử nghiệm trên người. Công trình nghiên cứu đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Y tế để xin phép cho thử nghiệm trên người. Nếu việc thử nghiệm vaccine trên người thành công, Việt Nam sẽ chính thức sản xuất vaccine H5N1 để phục vụ cho công tác phòng bệnh. Ðiều này sẽ góp phần ngăn chặn một đại dịch cúm đang có nguy cơ nổ ra.
Chủng virus H5N1 giúp cho việc nghiên cứu sản xuất vaccine được phân lập từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm của một tỉnh phía bắc. Giống virus H5N1 dành cho sản xuất vaccine phân lập được nuôi cấy trên tế bào thận khỉ. Theo nhóm nghiên cứu, việc nuôi cấy trên tế bào thận khỉ giúp chúng ta có nguyên liệu "sạch" hơn theo cách sản xuất nuôi trên trứng gà phôi, góp phần bảo đảm chất lượng của vaccine.
Trong môi trường thích hợp, nuôi cấy tốt, lượng virus giống sẽ được nhân lên nhiều lần và làm thành nguồn "nguyên liệu" sản xuất vaccine. Vaccine này chứa một lượng virus đã được tinh khiết và đã xử lý giảm độc lực. Phương pháp "nuôi cấy tế bào" mà Viện áp dụng được đánh giá là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và là xu thế chung của thế giới hiện nay trong sản xuất vaccine.
TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một trong những thành viên chính của nhóm nghiên cứu vaccine H5N1 cho biết: Ngay sau khi dịch cúm A H5N1 bùng phát trên gia cầm và trên người tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã xác định phải tập trung nghiên cứu để sản xuất vaccine phòng, chống cúm A H5N1 cho người vì đây là một loại virus mới, rất nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Thông thường một quy trình nghiên cứu sản xuất vaccine cho người phải diễn ra trong thời gian năm năm, song trước yêu cầu cấp thiết và những nguyên vật liệu có sẵn, các chị đã rút ngắn được quy trình nghiên cứu, sản xuất này. Khi được phép của Bộ Y tế, công trình sẽ lựa chọn khoảng 20 đến 100 người tình nguyện để thử nghiệm vaccine H5N1.
Nhóm nghiên cứu sẽ chính là những người đầu tiên tham gia thử nghiệm tiêm vaccine đó. Thời gian thử nghiệm vaccine trên người sẽ từ ba đến sáu tháng. Ðối với những người tình nguyện, sau khi tiêm vaccine, sẽ được theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe xem cơ thể có bị sốt hay phản ứng với vaccine không. Máu của những người tình nguyện sẽ được lấy trước và sau khi tiêm để xét nghiệm kiểm tra xem khi vaccine vào cơ thể có tạo ra kháng thể đối với virus H5N1 không. Thông thường sau khi tiêm mũi thứ nhất từ bảy đến 14 ngày, cơ thể sẽ xuất hiện đáp ứng kháng thể. Tiêm tới mũi thứ hai số kháng thể trong cơ thể sẽ tăng lên nếu cơ thể có đáp ứng tốt.
Trong khoảng thời gian này, phản ứng của cơ thể đối với vaccine cũng sẽ theo dõi kỹ càng. Tuy nhiên, hàm lượng kháng thể trong cơ thể giữ được bao lâu thì đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu từ sáu tháng tới một năm. Vì vậy sẽ có những loại vaccine mỗi năm phải tiêm một lần nhưng cũng có loại chỉ cần tiêm một mũi suốt đời. Hiện nay, trên thế giới đã có một số quốc gia như Mỹ, Hungarycũng đã tiến hành thử nghiệm vaccine H5N1 trên người với những thành công bước đầu.
Vaccine phòng, chống cúm A H5N1 cho người mà Việt Nam sản xuất sẽ bảo đảm chất lượng do phải tuân thủ đầy đủ những quy định, quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được thử nghiệm với một quy trình rất chặt chẽ và chịu sự giám sát và quản lý của Bộ Y tế. Tại thời điểm này, các mẫu vaccine của Việt Nam đã được gửi đến WHO để được kiểm định về chất lượng. Hiện nay, theo thông báo của một số cơ quan chức năng, virus H5N1 có độc lực cao dễ biến chủng và đang có những biến chủng nguy hiểm hơn.
Tại Việt Nam, trong số năm mẫu bệnh phẩm được giải mã gien hoàn toàn (bệnh phẩm lấy từ những bệnh nhân mắc bệnh cúm H5N1 và đã tử vong trong năm nay ở các tỉnh) thì có hai mẫu bệnh phẩm trên bệnh nhân ở tỉnh Ðồng Tháp và Bạc Liêu là có sự đột biến gien rất mới. Riêng bệnh nhân ở Ðồng Tháp thì viruscúm vừa có sự đột biến gien, vừa có tình trạng kháng thuốc và có độc tính cao. Các mẫu xét nghiệm đã được gửi sang phòng xét nghiệm của Tổ chức Thú y thế giới tại Australia để nghiên cứu, vì H3..., H4... có khả năng giao thoa với H5N1 và làm tăng độc tính của virus. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng gì tới vaccine phòng, chống virus H5N1 mà Viện đang nghiên cứu bởi vaccine phòng, chống virus H5N1 mà Viện sản xuất có thể đáp ứng được với những đột biến của virus H5N1.
Hiện nay, Công ty vaccine và sinh phẩm sinh học số 1 đã đầu tư lắp đặt xong dây chuyền sản xuất vaccine hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP để sẵn sàng cho việc sản xuất vaccine phòng, chống cúm A H5N1. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cảnh báo về tình trạng nhiều người quá trông chờ vào thuốc và vaccine phòng bệnh. Ðây là điều khá nguy hiểm vì một quy trình lây nhiễm bao giờ cũng có ba khâu, đó là: nguồn lây bệnh, đường truyền bệnh và cơ thể bị cảm thụ. Việc chặn đường của virus vào cơ thể bằng bất cứ giá nào là có thể hạn chế tối đa khả năng nhiễm bệnh. Trong đó, có nhiều cách rất đơn giản để ngăn chặn được sự lây nhiễm của virus đối với cơ thể như: tự nâng cao sức đề kháng của cơ thể; sử dụng găng tay, khẩu trang, kính khi tiếp xúc gia cầm; tăng cường vệ sinh thân thể, luyện tập thể dục thể thao và sử dụng các cây thuốc nam, thuốc dân tộc trong việc phòng, chống cảm cúm.
Nguồn: nhandan.com.vn