Ngành công nghiệp rôbôt tiêu dùng muốn chiếm lĩnh thị trường
Các nhà kinh doanh rôbôt hàng đầu tham gia hội thảo đã nhất trí rằng, chỉ có sự hòa nhập thành công giữa các yếu tố cảm xúc, thực dụng và thương mại mới giúp được các công ty rôbôt ngày nay có thể vượt qua được nhiều thách thức đang phải đối mặt khi họ nhằm vào mục tiêu thị trường tiêu dùng. Các rôbôt công nghiệp đã có mặt ở nhiều nơi từ hàng thập kỷ nay, chúng được sử dụng phổ biến nhất trong các dây chuyền lắp ráp công nghiệp. Nhưng việc chế tạo một rôbôt có thể tương tác và lôi cuốn người tiêu dùng lại là một thách thức riêng và quan trọng.
“Để đưa một rôbôt đến thị trường là con đường thực sự khó khăn”, Caleb Chung, đồng sáng chế ra Furby, một đồ chơi điện tử đã đạt doanh số bán 50 triệu chiếc nói. “Điều sẽ tạo nên một sự phục hưng chính là sự hòa trộn giữa nghệ thuật và khoa học ... có ba thách thức đối với ngành công nghiệp rôbôt là kinh doanh, thiết kế và khoa học”.
Việc đưa một rôbôt đến với thị trường tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng, nó đòi hỏi một sự chú trọng sắc bén đến tính tiện ích, cảm xúc, công nghệ và chế tạo. Cùng lúc các công ty cần đảm bảo rằng họ sẽ không khơi dậy những nỗi sợ hãi ở người tiêu dùng về những tham vọng hung ác của rôbôt. “Đã có quá nhiều nỗi lo sợ rằng rôbôt sẽ chiếm cả thế giới”, Caleb Chung, người đã mất nhiều năm để đưa sáng chế mới nhất của mình - đồ chơi rôbôt khủng long mang tên Pleo ra thị trường phát biểu. “Đó chính là thách thức về văn hóa”.
Việc làm cho các nhà sáng chế cân nhắc các rôbôt từ một triển vọng kinh doanh là một thách thức thị trường khác, theo ý kiến của Colin Angle, Giám đốc và là người đồng sáng lập iRobot Corp. “Điều này đang làm trì hoãn các rôbôt”, ông nói, ám chỉ rằng các nhà phát minh thường chú trọng nhiều hơn đến yếu tố gây kinh ngạc mà không chú ý đến tính hữu dụng của chúng. iRobot, phát hành cổ phiếu từ năm 2005, đã chế tạo nhiều loại rôbôt thiết thực khác nhau để làm các công việc như lau sàn nhà, hút bụi, dọn bể bơi. iRobot còn chế tạo các rôbôt công nghiệp, hiện đang được quân đội Mỹ sử dụng ở Irắc và Afghanistan .
Ngành y tế và ngành chế tạo ô tô là hai lĩnhvực có thị trường đặc biệt hứa hẹn. Theo đánh giá của Phó Giáo sư Sebastian Thrun, người lãnh đạo nhóm thiết kế xe hơi rôbôt “ Stanley ” thuộc trường Đại học Stanford, thì việc triển khai xe hơi rôbôt có triển vọng vô cùng lớn. Trong tương lai, các rôbôt sẽ “đảm nhận các công việc cho phép chúng có thể sống trong các gia đình một cách dễ dàng hơn”. Rôbôt chính là một “giải pháp hiển nhiên” trước thách thức toàn cầu về dân số già hóa.
Tuy nhiên tất cả các đại biểu tham gia hội thảo đều nhất trí rằng, thành công trong lĩnh vực này vẫn còn mang nhiều thách thức và nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tạo ra những rôbôt mang ý nghĩa thực tiễn. “Để một rôbôt có thể thành công, nó cần giải quyết được vấn đề”, Giáo sư Thrun nói. “Các trở ngại sẽ biến mất nhanh chóng, khi rôbôt giúp bạn làm một việc mà theo cách khác bạn sẽ không thể làm được”.
Nguồn: Global Technology Forum, 5/2007, automation.org.vn, 16/05/2007