Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 11/10/2007 00:47 (GMT+7)

Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện qua những trang viết và con người nhà văn Vũ Ngọc Phan

I. Cuộc đời nhà văn

Vũ Ngọc Phan sinh ngày 8 tháng 9 năm 1902 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Quê mẹ ông ở làng Đông Ngạc, tức làng Vẽ, nay thuộc huyện Từ Liêm,Hà Nội. Dòng họông vốn là dân tỉnh Bắc Ninh, sau có một nhánh chuyển ra Hà Nội, đến đời Vũ Ngọc Phan là năm đời.

Vũ Ngọc Phan xuất thân trong một gia đình Nho học. Ông nội đỗ Cử nhân, từng làm Tuần phủ Ninh Bình, rồi Đốc học tỉnh Bắc Ninh, học trò rất đông, trong đó có nhiều người đỗ đại khoa. Ông ngoại đỗ Tú tài. Bà ngoại làm nghề buôn sơn bán cho người Trung Quốc, có hai cái nhà lớn ở phố Hàng Gai và phố Hàng Bồ. Bà nội vốn là một cô gái xinh đẹp bán sách Hán Nôm ở phố Hàng Gai, con cụ Tú (tức đỗ tú tài - N.X.K) phố Hàng Quạt; sau khi lấy chồng thì làm nghề nhuộm và sau thì chỉ chuyên bán vải lụa ở phố Hàng Đào. Bác ruột đỗ Cử nhân; cha đỗ Tú tài, dạy chữ Hán và là một vị Huấn đạo mẫu mực. Thuở nhỏ, Vũ Ngọc Phan theo cha đến Hưng Yên và theo học chữ Hán. Từ năm 1920 đến năm 1927, ông chuyển sang học chữ Pháp tại Hà Nội. Đỗ Tú tài Tây ở tuổi 27, ông có thể đi làm trong bộ máy công chức lúc đó (làm tham tá ở phủ Toàn quyền chẳng hạn). Nhưng với năng khiếu văn học nảy sinh từ sớm, với tư tưởng tự do không thích gò mình vào cuộc sống công chức, ông đã chọn nghề dạy học tư và nghề viết báo, viết văn và dịch sách. Không chỉ cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí, ông còn là chủ bút tờ tuần báo Hà Nội tân văn và chủ trương lập Nhà xuất bản Hà Nội. Ngoài hàng trăm bài báo, ông đã dịch, phóng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết từ tiếng Anh và tiếng Pháp; ông còn viết, biên soạn các cuốn sách: Nhìn sang láng giềng(1941, tập bút kí), Thi sĩ Trung Nam(1942, viết về 25 nhà thơ thời kì cận đại ở Trung Bộ và Nam Bộ), Con đường mới của thanh niên(1944, sách nghiên cứu xã hội, giáo dục), Chuyện Hà Nội(1944, tập bút kí). Từ năm 1938 đến năm 1942, Vũ Ngọc Phan viết xong bản thảo bộ sách Nhà văn hiện đại. Từ cuối năm 1942 cho đến tháng 10 năm 1945, bộ sách này đã được xuất bản. Nó gồm bốn tập, năm quyển (tập 4 chia làm 2 quyển), dày 1500 trang, bao quát một thời kì văn học sôi động, phong phú, phát triển mạnh từ đầu thế kỉ XX đến năm 1942. Trong bộ sách, Vũ Ngọc Phan viết về 79 tác giả ở đủ các thể loại: thơ trữ tình, thơ trào phúng, tiểu thuyết, phóng sự, nghiên cứu phê bình văn học, tuỳ bút,... Ông phân tích, định giá và “hướng dẫn người ham chuộng văn chương” thưởng thức tác phẩm.

Vũ Ngọc Phan là người cầm bút có tinh thần dân tộc cho nên thật là dễ hiểu, trước ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945), ông đã tham gia và làm Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá Bắc Bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, Vũ Ngọc Phan là Uỷ viên báo Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội Văn hoá cứu quốc. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ông là Uỷ viên thường trực Đoàn Văn hoá kháng chiến Liên khu bốn; đến cuối năm 1953, ông được mời ra Việt Bắc làm Uỷ viên Ban Văn Sử Địa, một Ban khoa học của Đảng, trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1959, khi Viện Văn học được thành lập, ông về công tác tại đây. Năm 1966, tại Đại hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lần thứ nhất, Vũ Ngọc Phan được bầu làm Tổng Thư kí, phụ trách cơ quan Hội.

Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, Vũ Ngọc Phan nổi tiếng với việc nghiên cứu, phê bình văn học viết, thì sau năm 1945, ông đã có nhiều thành tựu trong việc sưu tầm, nghiên cứu truyện cổ và thơ ca dân gian. Với cương vị là Tổ trưởng Tổ Văn học dân gian của Viện Văn học, Vũ Ngọc Phan cùng các bạn đồng nghiệp sưu tầm và chỉnh lí, biên soạn truyện cổ dân gian. Từ năm 1963 đến năm 1967, bốn tập sách được in, hai tập đầu tên là Truyện cổ dân gian Việt Nam, hai tập sau tên là Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt Nam. Được biết đến nhiều hơn cả là công trình sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu về tục ngữ, ca dao, dân ca của Vũ Ngọc Phan. Đây là công trình chiếm kỉ lục về số lần xuất bản: chỉ tính từ năm 1956 đến năm 2000, được xuất bản 12 lần. Trong sáu lần in đầu, sách có tên gọi Tục ngữ và dân ca Việt Nam . Trong những lần in sau, tên sách là Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam . Chỉ tính trong tám lần xuất bản đầu, sách đã được in 17 vạn bản. Đây là công trình công phu, nội dung phong phú. Cuốn sách gồm nhiều phần, trong mỗi phần có nhiều mục, mỗi mục có khi là một bài tiểu luận, có khi gồm cả bài tiểu luận và một số trang tuyển chọn tác phẩm ca dao, tục ngữ. Như vậy trong công trình này, Vũ Ngọc Phan vừa có đóng góp về mặt sưu tầm, biên soạn, vừa trực tiếp nghiên cứu tục ngữ, ca dao, dân ca.

Ngoài ra ông còn là soạn giả, tác giả các cuốn sách: Truyện cổ Việt Nam(1955), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 1 (đồng tác giả, 1957), Ca dao Việt Namtrước Cách mạng(đồng soạn giả, 1963), Tấm lòng hậu phương(sưu tầm ca dao mới, 1968), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam . Tập I: Văn học dân gian(đồng soạn giả, 1972), Qua những trang văn(tập tiểu luận, phê bình văn học, 1976), Những năm tháng ấy(hồi kí, 1987).

Ngày 25 tháng 12 năm 1925, tại Hà Nội, Vũ Ngọc Phan kết hôn với nhà thơ Lê Hằng Phương. Bà là người Quảng Nam, xuất thân trong một gia đình nhà Nho thanh bạch. Hai ông bà sinh được mười người con. Có ba người qua đời lúc còn nhỏ. Bảy người còn lại sau này đều trưởng thành: có một người là sĩ quan quân đội; có hai người được phong chức danh giáo sư (trong đó có một người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, năm 1996); có một người là họa sĩ, phó giáo sư; một người là giảng viên văn học ở đại học; một người là kiến trúc sư; một người là kĩ sư cơ khí. Khi đã cao tuổi, Vũ Ngọc Phan từng nói với một người con rằng: “Cha sẽ không thể sống mãi, vì thế sau này các con phải biết thương yêu nhau, cha mẹ không có tài sản gì để lại cho các con, nhưng nếu các con biết khiêm tốn học tập và lấy công việc chuyên môn của mình để phục vụ đất nước, trở thành những người có chuyên môn giỏi thì đó sẽ là tài sản quý nhất mà cha mẹ để lại”. (1)Vậy là các con ông đã thực hiện được điều tâm niệm của ông.

Ông bà có người con trai Vũ Hoài Tuân và người con rể Võ Tề là liệt sĩ.

Ngày 2 tháng 2 năm 1983, nhà thơ Hằng Phương mất tại Hà Nội. Ngày 14 tháng 6 năm 1987, nhà văn Vũ Ngọc Phan mất tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội. Ngày nay trên sườn đồi Thanh Tước (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), hai ngôi mộ của hai ông bà “nằm cạnh nhau, hướng về phía tây, về cõi vĩnh hằng của bầu trời. Nơi ấy ngàn năm rực sáng những buổi hoàng hôn đẹp tuyệt vời” mà họ “đã từng lặng ngắm, khi bên nhau qua những năm tháng trên cuộc đời này”. (2)

Năm 1996, Vũ Ngọc Phan được Chủ tịch Nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm Truyện cổ Việt NamTục ngữ ca dao dân ca Việt Nam.

Hiện nay, ở Hà Nội có một đường phố mang tên Vũ Ngọc Phan.

II. Nét thanh lịch của người Hà Nội được phản ánh trong những trang viết của Vũ Ngọc Phan

1. Có hai lời ca dao sau:

+         Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An.

+        Chẳng thanh cũng thể hoa mai

Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh.

Ở đây, người Tràng An hay người Thượng Kinh tức là người Thăng Long - Hà Nội. Vũ Ngọc Phan giải thích: “ Lịchlịch sựở đây có nhiều nghĩa: đẹp, thanh tú lại có nghĩa là lịch thiệp, nhã nhặn, từ tốn, lễ độ; lại còn có nghĩa nữa là lịch lãm, lịch duyệt, khôn ngoan”. (3)

2 .Sự thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua những sinh hoạt văn hoá. Những sinh hoạt ấy diễn ra từ những năm đầu của thập kỉ thứ tư của thế kỉ XX trở về trước. Phần lớn những sinh hoạt văn hoá đó được Vũ Ngọc Phan trực tiếp quan sát, ghi nhận từ thuở ông còn niên thiếu cho đến lúc trưởng thành. Cũng có những câu chuyện, những sự việc thuộc về quá khứ xa xưa, ông không được chứng kiến mà chỉ biết qua sách vở, qua lời kể của bà nội, bà ngoại,...…

3 .Người Hà Nội thanh lịch trước hết là người hiếu học, trọng đạo lí. Chúng ta hãy nghe Vũ Ngọc Phan kể: “Hà Nội xưa còn nổi tiếng là có những trường mà thầy dạy là các vị danh nho như trường học ông Phương Đình (tức Nguyễn Siêu), trường học của ông cử Kim Cổ (tức Ngô Văn Dạng), trường học ông nghè Đông Tác... Những trường ấy, đương thời, người ta gọi là trường “đại tập”: những ngày bình văn, nhiều nho sĩ xứ Bắc, xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nghệ đều về dự. Trong số học trò các trường ấy, có nhiều người đỗ tiến sĩ, làm quan to nhưng khi đến nhà thầy, vẫn trụt giầy ngoài thềm. Do trọng đạo lí nên có thời thủ đô Hà Nội đã gây được học phong sĩ khí, làm cho các nơi ngưỡng mộ”. (4)

Cho đến những năm trước Cách mạng tháng Tám, Hà Nội vẫn là nơi tập trung tinh hoa của trí thức. Trong bút kí Người Hà Nội(xuất bản lần đầu vào tháng ba năm 1944), Vũ Ngọc Phan viết như sau: “Những người ở Huế, ở Sài Gòn ra chơi Hà Nội đều thán phục Hà Nội về những cửa hàng sách (...)”.

“Người ta khen: Hà Nội là một nơi mà một người thiếu niên ham mến quốc văn rất dễ học, dễ khảo cứu, dễ tìm tòi, cho nên từ xưa đến nay, Hà Nội đã sản xuất được nhiều văn sĩ hơn những nơi đô thị khác trên đất Việt Nam. Người ta đặt hi vọng vào Hà Nội nhiều quá. Mà điều ấy cũng không lấy gì làm lạ khi người ta nhớ lại rằng nếu ở nước Nam có cái thành phố nào cổ nhất vẫn còn tươi sáng dưới ánh mặt trời thì Hà Nội phải là người anh cả”. (5)

5 .Người Hà Nội thanh lịch trong cách ứng xử, nói năng. Trong những năm đầu của thập kỉ thứ tám thế kỉ XX, Vũ Ngọc Phan nhớ lại: “Theo tục xưa, trong gia đình Việt Nam , không riêng gì Hà Nội, ngồi vào mâm cơm, người lớn chưa cầm đũa, trẻ con chưa được ăn. Trước khi ăn, trẻ con phải mời ông bà, cha mẹ và các anh, các chị rồi mới cầm đũa. Dân Hà Nội xưa cũng có người đẹp, người xấu, người trang nhã, người thô tục như các nơi khác thời bấy giờ. Nhưng người ta nhận thấy rằng, trong sự tiếp xúc giữa con người với con người, ít khi người Hà Nội xưa có những thói thô bạo, tục tằn”. (6)

“Người Hà Nội xưa được quý mến như thế, nên ngay khi đem bán rau, đậu cho người Hà Nội, cô gái kẻ Láng cũng muốn sắm sửa quang gánh cho trang trọng và “mượn người lịch sự” gánh đi:

Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền

Mượn người lịch sự gánh lên Kinh Kỳ. (7)

6.Người Hà Nội thanh lịch cũng là người khéo tay hay nghề. Nhà văn Vũ Ngọc Phan cho biết: “Hà Nội xưa là nơi có nhiều người khéo tay, giỏi nhiều nghề như dệt, thêu, khảm, đan lát, chạm trổ, v.v... Nhiều tay thợ khéo đã tập trung ở một số phường Hà Nội như thợ kim hoàn, làm các đồ nữ trang ở phố Hàng Bạc, thợ thêu rồng phượng, hoa điểu trên sa tanh màu vàng, màu đỏ, trên áo gối, trên đệm, trên các bức trướng ở Hàng Trống (vào thời 1920 trở lại đây, chỉ còn dăm nhà bán trống); ở phố này còn có những cửa hàng bán “đăng ten”. Người ta đã có câu: Khéo tay, hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”. (8)

Không phải chỉ có những người thợ Hà Nội mới khéo tay, những cô gái của nhiều gia đình khác cũng có những đôi tay tài khéo. Hồi còn nhỏ tuổi, Vũ Ngọc Phan đã từng chứng kiến cảnh “đêm trung thu, có cái thú thanh lịch của trai gái Hà Nội là đi xem cỗ. Người bày cỗ bao giờ cũng là cô gái khéo tay và duyên dáng, còn người đi xem cỗ phần đông là con trai. Có những cô gái sửa soạn cỗ tháng tám rất công phu, bánh mứt và hoa do chính các cô làm ra, chứ không phải mua ở các hiệu. Các cô gọt đu đủ và nhuộm thành những bông hoa trà màu hồng đào, màu đỏ thẫm, gắn lên cây trà trông như hoa thật, họ cắt bí thành chữ, xếp thành câu đối hoặc thơ và làm thành một thứ mứt thơm ngon. Gà mổ moi, luộc chín, buộc gập mỏ vào cổ và dính bông làm râu, tô vẽ mặt mày thành ông Lã Vọng ngồi câu, mề gà gọt thành cái giỏ, trái tim gà bổ thành con cá và miếng tiết luộc là cái nón”. (9)Người cô họ của tác giả “vừa đẹp, vừa khéo tay, cô đánh phấn, bôi môi son, kẻ lông mày trang điểm rất kĩ, ăn mặc rất sang, đi ra, đi vào, trả lời những câu hỏi của khách vào xem về những thứ bánh mứt cầu kì, làm cho các chàng trai Hà Nội hồi bấy giờ ngắm cô nhiều hơn là xem cỗ. Ở Hàng Gai, có cỗ tháng tám nhà bà án Sơn cũng to lắm. Cỗ mà được coi là to, chỉ khéo không thôi không đủ, phải có người đẹp làm ra cỗ mới được hàng phố đến xem đông. Nhân có cỗ tháng tám, nhiều cô được những chàng trai tuấn tú chú ý, chắp mối lương duyên, nên vợ, nên chồng”. (10)

7.Người Hà Nội thanh lịch cũng là những người có văn hoá ẩm thực cao.

Hà Nội có món quà nổi tiếng là cốm Vòng. “Thứ nếp non ở làng Vòng mà người ta gặt về, đem rang, đem giã và sàng sẩy kĩ gọi là cốm bán ở Hà Nội trong mùa thu, là một thứ ăn đặc biệt, cung cấp riêng cho Hà Nội. Cốm Vòng đầu nia hay cốm giót, vừa dẻo, vừa ngọt, vừa thơm. Mà hễ cứ có cốm là có chuối tiêu trứng cuốc để ăn cùng, gây một hương vị đặc biệt, làm cho nhiều người nghiện, coi đó là món quà sáng ngon lành trong những ngày thu mát mẻ. Những người thích của ngọt thường đem xào cốm với đường, vẩy ít nước hoa nhài, trộn thêm ít dừa thái nhỏ rồi đổ vào đĩa để ăn tráng miệng sau bữa cơm. Giản dị hơn, người ta trộn ngay cốm sống với đường bột trắng và đậu nắm, rồi gói lại, đặt dưới bàn nén, chỉ sau vài ba giờ đem cốm ra ăn, cốm đậu đường quyện chặt với nhau, ăn vừa ngọt, vừa dẻo, vừa bùi, lại hơi dai dai, ăn xong uống chén nước trà mạn ướp sen thì cảm thấy các vị ngọt thơm đọng lại rất lâu trong cổ họng. Chè cốm cũng là một thứ tráng miệng rất thanh và mát sau bữa cơm trưa. Nhiều nhà sấy cốm cho khô rồi bỏ vào vò, đến mùa hạ, trong những lúc tiết trời oi ả, đem ra nấu chè với bột sắn dây, để cho thật nguội mới ăn, mát lạnh đến chân răng, chẳng khác nào ăn “kem” mà lại được nếm cái hương vị trái mùa, có tác dụng hạ nhiệt”. (11)“Bánh cốm mà làm khéo, xưa chỉ có bánh cốm Hàng Than và bánh cốm Hàng Bạc, hai nhà làm bánh cốm có tiếng từ lâu, cũng như người ta nói bánh đậu bà Chê (Hàng Bạc) và bánh đậu Hải Dương vậy. Chỉ nhắc đến tên là người ta đủ tin cậy và cho là ngon rồi”. (12)

Ngoài bánh cốm, người Hà Nội còn dùng bánh bò, bánh quế, bánh bẻ, bánh củ cải, bánh thạch (những thứ bánh đặc biệt) và bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh, bánh rán Cầu Khâu (những thứ bánh bình dân, người giàu, người nghèo đều đã ăn qua).

Vũ Ngọc Phan cho biết: “Còn một thứ mà mùa rét cũng như mùa nóng, dân Hà Nội tiêu thụ rất nhiều là bún. Bún thì không đâu ngon bằng bún Đông Mác, sợi vừa nhỏ vừa dẻo, lại săn sợi, không bết. Chỉ một thứ bún mà sản ra rất nhiều món ăn ngon lành, lại rất rẻ, nếu đem so với các món ăn Tàu hay Tây. Nào bún ốc, bún sườn, bún riêu, bún bò, bún thang, bún chả, v.v...”. (13)

Có khi người Hà Nội ăn chả cá với bún ở nhà hàng Lã Vọng. Bình dân hơn, có lúc họ thưởng thức “bún cá bán rong cũng ngon tuyệt”. Hãy nghe Vũ Ngọc Phan kể lại: “Ba xu hoặc năm xu một mẹt. Cái mẹt đường kính chỉ 25cm, lớn hơn cái đĩa tây trên lót mấy chiếc lá dong, người ta đặt lên mấy lá bún nhỏ sợi, trắng muốt, mấy lá rau sống, diếp tây và thơm mùi, một cái chén xinh xẻo, nhỉnh hơn cái chén đong rượu nếp một tí, trong có nước mắm chanh đường, ớt, pha rất khéo và chả miếng hoặc chả băm tuỳ theo sở thích người ăn. Hàng bún chả đỗ đâu là thơm nức ở đó, cô hàng bán chả quạt chả trên than hồng đựng trong cái hộp sắt tây, chả cháy xèo xèo, khói bay nghi ngút... Có ba xu hoặc năm xu là đã được ăn bún chả thơm ngon, nhà làm thì tốn hơn và kềnh càng lắm”. (14)

Nhà văn nhận ra rằng, người Hà Nội không chỉ biết chọn những thức ăn ngon, mà còn biết dùng phối hợp giữa chúng. Cá rô Đầm Sét ăn với nước mắm Vạn Vân thì ngon tuyệt. Thịt quay mua ở phố Hàng Buồm được ăn cùng với dưa vùng Tây Hồ. Dưa Tây Hồ quấn tròn lại từng lá, thả trong nước dưa trong vắt hơi chua chua, đựng trong cái nồi đất sâu, gánh đi bán rong. Người ta nói “thịt sơn son dưa cuộn tròn” là vì thế. “Mấy ông ở làng Vẽ (Đông Ngạc) thích ăn những món cầu kì, thường nói: Thịt mỡ ăn cặp với cà, lá mơ tam thể ăn với thịt gà chấm tương”. (15)

Vũ Ngọc Phan cũng viết khá chi tiết về việc người Hà Nội xưa chuẩn bị và làm các món ăn trong những ngày Tết Nguyên đán.

Về những thức uống của người Hà Nội, nhà văn nhắc đến chè ướp hạt hoa ngâu, chè mạn ướp sen, chè Tàu ướp thuỷ tiên, đến rượu trắng làng Hoàng Mai.

Ngày xưa nước ta có ba đô thành lớn là Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Chỉ riêng có Hà Nội là nhiều người hút thuốc lào. Thuốc lào Bách Tính ở Nam Định tuy ngon nhưng nặng quá nên người ta hay dùng thuốc lào Kiến An và nhất là thuốc lào Vĩnh Bảo (...), không sóc, khói lại thơm”. (16)

8.Nếu như Vũ Ngọc Phan dành khá nhiều trang kể, tả về văn hoá ẩm thực của người Hà Nội xưa, thì đối với trang phục của họ, ông viết ít hơn và ông tập trung miêu tả cách mặc của những ông già, của cô dâu, chú rể và các cô phù dâu trong đám cưới. Nhiều năm tháng đã qua đi, nhiều kiểu quần áo mới đã ra đời và càng ngày người phụ nữ Việt càng cố gắng phô bày vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể. Nhờ có những trang viết - dù ít ỏi - của nhà văn Vũ Ngọc Phan, cái duyên kín đáo của người phụ nữ xưa được bảo lưu và người đọc sẽ hình dung thêm về vẻ đẹp trang phục của một thời đã qua: “Cô dâu chít khăn vành dây bằng nhiễu lam, đeo hoãn (một thứ hoa tai bằng vàng trông như cái thẻ to bằng đầu ngón tay út, có dây vàng dính vào tai), mặc áo lê lựu màu hồng, mặc quần điều, cầm quạt trổ che mặt. Đi bên cô dâu là các cô phù dâu, chít khăn nhiễu tam giang, khăn nhung đen, mặc các thứ áo lộng lẫy, nhưng không mặc áo màu hồng để cho khác với cô dâu. Các cô phù dâu cầm nón ba tầm che cho cô dâu nên tò mò lắm thì cũng chỉ nhìn thấy cái gáy trắng nõn với những sợi tóc loăn xoăn và cái khăn vành dây là cùng. Bên tà áo cô dâu, người ta đã gài nhiều kim để trừ những lời quở quang”. (17)

9.Như vậy, dưới ngòi bút của Vũ Ngọc Phan, người Hà Nội thanh lịch là người hiếu học, ham đọc sách, trọng đạo lí; nói năng, ứng xử lịch sự; khéo tay hay nghề; sành ăn và khéo mặc. Đây chưa phải là tất cả những phương diện thể hiện sự thanh lịch, cũng như trong từng phương diện, chưa phải là nhà văn đã khai thác hết. Điều đó cũng dễ hiểu vì không một cá nhân nào có thể viết đủ, viết hết về Hà Nội thanh lịch. Cùng với những tác giả khác như Thạch Lam, Vũ Bằng,... nhà văn Vũ Ngọc Phan đã có đóng góp riêng trong mảng đề tài này.

Khi viết về những nét thanh lịch của người Hà Nội, Vũ Ngọc Phan chủ yếu khai thác ở tầng lớp từ trung lưu trở lên. Tuy vậy, nhà văn không quên nghĩ đến những người cần lao. Ông đã so sánh đời sống của những người Hà Nội trung lưu với đời sống cơm áo của những người thợ dệt làng La Khê (Hà Đông), với những người nông dân quen nhẫn nhục, luôn luôn phải nhịn ăn, nhịn mặc. Năm 1944, ông đặt câu hỏi: “Dân Hà Nội ăn uống sung sướng và cầu kì như thế; còn dân ở quanh miền Hà Nội, ở gần Hà Nội, có lây được sự sung sướng ấy chút nào không?” (18)Ông nhìn thấy vai trò to lớn của người nông dân: “Không riêng gì Hà Nội mới phải trông vào các vùng quê để sống cho đầy đủ. Hạng dân quê chính là một hạng cung cấp cho tất cả các giai cấp khác trong xã hội những người giúp việc. Giai cấp dân quê đã cung cấp cho nhà nước các viên chức, cho quân đội binh lính, cho kĩ nghệ thợ thuyền, cho mọi nghề buôn bán từ nghề bán rau đến những nghề buôn lớn, những người có tài hoạt động kinh doanh, làm cho sự giao dịch trong nước được đều hoà như máu chạy trong huyết quản.

Ăn quả nhớ kẻ giồng cây. Dân Hà Nội có biết nhớ đến kẻ giồng cây không?” (19)

Không chỉ viết về những nét thanh lịch của người Hà Nội, Vũ Ngọc Phan chủ trương viết về cả những cái dở của người Hà Nội như nói khéo đến mức sáo, thói khoe khoang, sĩ diện, đài các rởm, thói hay đơm đặt,... Báo Hà Nội tân văn ra hằng tuần, do ông làm chủ bút, có mục “Chuyện Hà Nội”. “Mục này chuyên nói về những cái đẹp của Hà Nội, và cả những cái không đẹp của đất cố đô văn vật”. (20)

Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Hà Nội là một nơi vừa tốt vừa xấu, vừa hay vừa dở, nên về đường tâm lí, cái không khí Hà Nội là thứ không khí dễ thở cho nhiều người” (21). “Vả lại Hà Nội không phải là tờ giấy trắng có thể vẽ gì lên cũng được. Hà Nội là một tờ giấy chi chít những chữ, nếu không khéo tay, nó sẽ hoá ra một tờ giấy lộn” (22); bởi vì “Hà Nội chỉ có thể là Hà Nội”. (23)ý nhà văn muốn nói rằng, khi sửa chữa nhà cửa, mở mang đường phố phải chú ý đến bản sắc, đến cái riêng của thành phố Hà Nội. Từ năm 1944, ông đã viết rất đúng: “Còn nếu muốn mở phố tân thời, thì đã có những nơi đất trống quanh Hà Nội như thành phố đang dự định ngày nay”. (24)

III. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện qua chính con người tác giả. Hay nói cách khác, Vũ Ngọc Phan là một người Hà Nội thanh lịch

Sau khi rời ghế nhà trường, Vũ Ngọc Phan không dùng bằng cấp để đi làm công chức với lương cao bổng hậu, mà quyết định chọn nghề viết, chỉ cần “làm sao cho không đến nỗi thiếu thốn trong đời sống” (25)là được. Ông cho rằng, “điều quan trọng mà nhà văn có thể làm được là, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, mình phải gìn giữ và phát huy nền văn hoá ưu tú của dân tộc, trong đó có ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật. Làm việc trên địa hạt của mình, theo khả năng của mình và giữ cho trong trắng thì thể nào cũng thành công và có ích cho Tổ quốc dù đó là phần đóng góp nhỏ bé”. (26)

Từ lúc trẻ, vợ chồng nhà văn Vũ Ngọc Phan đã có nhiều bạn văn chương và rất hiếu khách. Nhà văn Tô Hoài kể lại: “Khách đến nhà anh Phan hầu hết là nhà văn, cũng lắm cung cách, lứa tuổi, kiểu sinh hoạt khác nhau. Nhưng với ai, anh chị cũng vui bạn đến nhà. Anh Nguyễn Công Hoan dạy học ở Lao Cai, ở Móng Cái, ở Thái Bình, thỉnh thoảng về ở chơi cả tuần. Anh Mạnh Phú Tư gặp khó khăn việc vợ con, anh chị giúp đỡ đến nơi đến chốn. Bạt tử như anh Lưu Trọng Lư vẫn là bạn trong nhà”. (27)Đến nhà Vũ Ngọc Phan, “ai là người thế nào, một khi đã vào qua cái vườn xinh xắn, lên thềm nền nếp ngôi nhà, thì dẫu áo quần lôi thôi lếch thếch, cả người bã ra vì rượu, thuốc phiện, vì mấy đêm thức trắng, thì những câu chuyện văn chương thanh lịch ở đây cũng đưa anh vào công việc nghề nghiệp và những ước mơ sạch sẽ trở lại”. (28)

Trong những năm 40 của thế kỉ XX, khi làm chủ bút Hà Nội tân văn, Vũ Ngọc Phan trân trọng cả những người mới viết, chưa có tên tuổi, ứng xử với họ ân cần, tế nhị (29), chu đáo, lịch sự với những tác giả ở địa phương xa xôi. (30)Đây là cách ứng xử khá hiếm lúc đương thời.

Như đã nói ở phần I, Vũ Ngọc Phan viết Nhà văn hiện đạitừ tháng 12 năm 1938 đến tháng giêng năm 1940 thì xong lượt đầu. Nhà văn Bùi Hiển nhận xét về khí tạng của ông trong thời gian này như sau:

“Khí tạng của Vũ Ngọc Phan là một khí tạng cân bằng và lí trí, nên ông tỏ ý không tán thành những cách nhìn con người “sâu cay độc địa quá”. Ở một tác giả mà ông rất yêu mến khen ngợi, ông cũng không quên phê phán những trang viết “hơi đá giọng trào lộng và khinh bạc, nhưng lại rất tầm thường về hành văn và về ý kiến cùng tư tưởng”. Ông cũng tỏ ý không thích khi có một ngòi bút “bao giờ cũng muốn ngả về hoạt kê”, “hay già tay muốn vui cười bất cứ ở đoạn nào”. Ông đề cao những trang viết “chứa chan nhân đạo”; trường hợp chê, ông viết: “còn những cái thật nhân loại thì lại rất hiếm”. “(...) Không ít lần ông so sánh tác giả này với tác giả khác trong một đề tài hoặc thể loại nhất định, để làm nổi rõ thành công của người này và sự chưa thành đạt của người kia. Lời lẽ của ông bình tĩnh khiêm nhường, nên theo tôi nghĩ, nó không gây ấn tượng có ý dìm ai, mà chỉ cốt cùng nhau tìm ra một cách viết đạt hiệu quả hơn”. (31)

Đến những năm 60 của thế kỉ trước, lúc này Vũ Ngọc Phan đã là một tên tuổi lớn trong giới văn học nghệ thuật nhưng ông luôn luôn tôn trọng các đồng nghiệp trẻ tuổi ở Viện Văn học, xem họ như bạn vong niên. Nhà văn rất ít khi nổi nóng, khi gặp những điều không vừa ý, ông biết kiềm chế và ứng xử thật tế nhị. (32)

Lúc trẻ, vợ chồng nhà văn là đôi bạn đồng tâm, đồng chí, thương yêu nhau thắm thiết. Về già, tình cảm ấy vẫn không nhạt phai. Nhà phê bình Thiếu Mai kể lại: “Đến nhà hai bác, bao giờ tôi cũng có cảm giác ấm áp, hạnh phúc, vì hai cụ đối với nhau thiết tha mặn nồng, tương kính như tân. Bác Phan yêu quý và tôn trọng vợ. Bác Hằng Phương tự hào, và lấy niềm vui lớn nhất là sự săn sóc chu đáo đối với chồng và các con, các cháu. Thật tình, tôi thấy hiếm có cặp vợ chồng nào đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, sống đẹp và hạnh phúc từ trẻ cho đến mãn đời như vậy. Sự hoà hợp của hai bác, theo tôi là một yếu tố khá quan trọng góp phần tạo dựng nên sự nghiệp văn chương của cả hai cụ”. (33)

Nhà văn Vũ Ngọc Phan giữ được sự thanh lịch và minh mẫn cho đến cuối đời. Khi là hàng xóm của Vũ Ngọc Phan, vợ chồng nhà văn Bùi Hiển “nói chuyện với nhau, thường khen ông đúng là người Hà Nội: nhã nhặn, lịch sự, nói năng nhẹ nhàng, trang phục bao giờ cũng gọn ghẽ, chững chạc”. (34)Thường chủ nhật ông mới leo hai tầng gác ghé thăm nhà văn Bùi Hiển. Bất chợt thấy chủ nhà đang làm việc, ông ý tứ không ngồi lâu.

Một người cháu kể về Vũ Ngọc Phan như sau: “Ông rất hiền, điềm đạm. Ông rất yêu các cháu. Đối với cháu, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy ông quát to. (...) Ông ngoại tôi sống giản dị, thanh đạm, là người luôn có giờ giấc khoa học. Ông ăn mặc giản dị nhưng lịch sự trang nhã. Khi ra ngoài, ông luôn mặc quần áo là thẳng nếp, quần áo mặc ở nhà của ông cũng luôn được giữ phẳng phiu. (...) Ngoài thời gian viết sách, ông tôi lại đọc sách báo, không mấy khi tôi thấy ông ngồi không. Đọc sách là một thú vui của ông”. (35)

Tuổi trên 80, ông vẫn hồng hào, minh mẫn. Khi một số người ở Hội Nhà văn hỏi nguyên nhân, ông đã cười và trả lời: “Tôi thật chả có “bí quyết” gì, chỉ sống: không rượu, không bia, không thuốc lá. Hàng ngày chăm đọc báo, xem ti-vi, nghe đài theo dõi mọi tin tức chính trị - xã hội để khỏi lạc hậu với thời cuộc. Và nhất là chỉ biết làm việc, không bao giờ thắc mắc gì về chức tước, đãi ngộ”. (36)

Khi ở tuổi 81, Vũ Ngọc Phan đã viết một lá thư với lời lẽ chân thành, khiêm tốn, ý tứ sâu sắc để trả lời một em nhỏ láng giềng khi em hỏi về con người, về lẽ sống. Ông tâm sự rằng ông rất thích câu nói sau của một triết gia Hi Lạp cổ đại: “Không thể sống sung sướng được, nếu không sống cho khôn ngoan, cao quý và đúng đắn... Và không thể sống khôn ngoan, cao quý và đúng đắn được, nếu không sống sung sướng”; rằng “quy luật của cuộc sống là có lúc sướng và cũng có lúc khổ, cũng như có sinh tất có tử. Trong đời mình, sống cho “khôn ngoan, cao quý và đúng đắn” thật là một phương châm tốt đẹp”. (37)

Đức độ, sự thanh lịch của Vũ Ngọc Phan có ảnh hưởng tốt đến con, cháu. Sau khi gặp một người con của Vũ Ngọc Phan (lúc đó người con này đã là cán bộ cao cấp, cả hai ông bà Vũ Ngọc Phan đã qua đời), nhà thơ Bảo Định Giang thấy người này “nói rất từ tốn, khiêm nhường, nhỏ nhẹ giống cha”, “luôn nhắc đến cha cũng như mẹ với tất cả tấm lòng yêu thương và tôn kính” (38). Cách cư xử của người con này với nhà thơ rất lễ phép làm ông “vừa áy náy, vừa xúc động”. Năm 1992, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bảo Định Giang viết: “Trong cuộc sống, thỉnh thoảng, tôi bắt gặp đây đó một vài gương mặt ngổ ngáo, hỗn xược với cha mẹ và cũng hay gặp hạng người thích đem chức tước khoe mẽ với thiên hạ ra điều: ta đây. Vài lần gặp Vũ Tuyên Hoàng, tôi có ý nghĩ: Đúng là con của Vũ Ngọc Phan - một người cha có tài năng và đức độ, chinh phục người bằng trình độ và sự khiêm tốn”. (39)

Qua những điều đã trình bày, nhà văn Vũ Ngọc Phan đúng là một người Hà Nội thanh lịch.

IV - Kết luận

Vũ Ngọc Phan là người Hà Nội. Từ khi mới sinh cho đến lúc tám tuổi, ông ở nhà số 54 phố Hàng Đào. Trong những năm tháng của thời niên thiếu và lúc trưởng thành, ông còn có những dịp sống ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông), phố Phạm Phú Thứ (nay là phố Nguyễn Quang Bích). Làng quê ven đô để lại cho ông nhiều kỉ niệm đẹp là ấp Thái Hà, nơi có ngôi nhà cổ và vườn tược rộng rãi do ông bà nội nhà văn để lại. Sau tám năm ra đi kháng chiến chống Pháp, ông lại trở về Hà Nội sống và làm việc cho đến khi từ giã cõi đời.

Bên cạnh nhiều tác phẩm dịch thuật, nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, Vũ Ngọc Phan còn viết bút kí và hồi kí. Hai tác phẩm Chuyện Hà Nội(1944) và Những năm tháng ấy(1987) của nhà văn đã phản ánh khá thành công những nét thanh lịch của người Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong cuộc sống, chúng ta đã từng gặp những điều tương phản. Có người nói rất hay về sự cao thượng, nhưng lại hành xử một cách tầm thường. Có người nói rất thuyết phục về sự liêm khiết nhưng lại là trùm tham nhũng. Có người ra sức ca ngợi sự thanh lịch, hào hoa nhưng lại có cách sống thô bạo.

Ở Vũ Ngọc Phan thì hoàn toàn khác. Với Vũ Ngọc Phan, văn với đời, văn với người là một. Cách ứng xử, cách sống và làm việc của nhà văn từ lúc trẻ tuổi cho đến khi đã ngoại bát tuần đều thể hiện ông là một người Hà Nội thanh lịch.

Qua trường hợp nhà văn Vũ Ngọc Phan, chúng tôi thấy để có thể trở thành người thanh lịch, có hai điều kiện sau rất quan trọng. Thứ nhất, đời sống cơm áo không quá eo hẹp, phải từ mức trung lưu trở lên. Thứ hai, phải có học vấn, phải không ngừng nâng cao sự hiểu biết cho tiến kịp với thời cuộc. Như vậy, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân, ngoài ảnh hưởng tốt của truyền thống gia đình, dòng họ, để người Hà Nội càng ngày càng thanh lịch, nhà nước và thành phố nên chú ý tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, làm sao cho cả nước nói chung và thủ đô nói riêng có nhiều doanh nhân giỏi, không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân, đồng thời cũng cần chú ý đúng mức và có những việc làm có hiệu quả hơn nữa đối với việc giáo dục phổ thông và đào tạo đại học, sau đại học.

Ngày 15 tháng 8 năm 2005

_________________

Chú thích

(1) Vũ Triệu Mân, bài Cha tôi và các con,trong tập sách nhiều tác giả: Kỉ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan 100 năm ngày sinh (1902 - 2002), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002, tr. 254.

(2)Chúng tôi mượn cách diễn đạt của Vũ Tuyên Hoàng, bài Người cha của chúng tôi, trong tập sách nhiều tác giả: Kỉ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan 100 năm ngày sinh (1902 - 2002), sđd, tr. 207.

(3) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 53.

(4)Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 51.

(5)Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, in trong Vũ Ngọc Phan tác phẩm, tập 1, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000, tr. 38.

(6) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 53 - 54.

(7) và (8) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 53.

(9) và (10) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 42.

(11) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 24 - 25.

(12) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 25.

(13) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 26.

(14) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 27.

(15) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 28.

(16) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 29.

(17) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 48 - 49.

(18) Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, sđd, tr. 87.

(19) Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, sđd, tr. 94. Nguyên văn “có lấy được”, chúng tôi sửa là “có lâyđược”.

(20) Nhiều tác giả, Kỉ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan 100 năm ngày sinh (1902 - 2002), sđd, tr. 94.

(21) Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, sđd, tr. 12.

(22) Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, sđd, tr. 13.

(23) Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, sđd, tr. 13.

(24) Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, sđd, tr. 13.

(25) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 151.

(26) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, sđd, tr. 157.

(27) Tô Hoài, bài Anh Phan chị Phan, trong tập sách nhiều tác giả: Nhà văn Vũ Ngọc Phan,Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995, tr. 19.

(28) Tô Hoài, bài Anh Phan chị Phan, sđd, tr. 20.

(29) Tô Hoài, bài Anh Phan chị Phan, sđd, tr. 16 - 17, 21 - 22.

(30) Bùi Hiển, bài Những năm 40 không quên, trong tập sách nhiều tác giả: Nhà văn Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 35.

(31) Bùi Hiển, bài Những năm 40 không quên,sđd, tr. 41.

(32) Thiếu Mai, bài Nhà văn Vũ Ngọc Phan với lớptrẻ, trong tập sách nhiều tác giả: Nhà văn Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 66.

(33) Thiếu Mai, sđd, tr. 66.

(34) Bùi Hiển, sđd, tr. 34.

(35) Võ Hồng Hà, bài Ông bà ngoại tôi,trong tập sách nhiều tác giả: Kỉ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan 100 năm ngày sinh (1902 - 2002), sđd, tr. 263 - 264.

(36) Vũ Phi Hồng, bài Những tháng ngày cha tôi ở khu Trung Tự, trong tập sách nhiều tác giả: Kỉ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan 100 năm ngày sinh (1902 - 2002), sđd, tr. 235 - 236.

(37) Bản chụp bức thư viết tay in ở những trang phụ bản trong tập sách nhiều tác giả: Nhà văn Vũ Ngọc Phan, sđd.

(38) Bảo Định Giang, bài Nhắc chị Hằng Phương và anh Vũ Ngọc Phan qua lần gặp Vũ Tuyên Hoàng, trong tập sách nhiều tác giả: Kỉ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan 100 năm ngày sinh (1902 - 2002), sđd, tr. 173. Nguyên văn: “(...) luôn nhắc cha cũng như mẹ”, có lẽ in thiếu, chúng tôi sửa là: “(...) luôn nhắc đếncha cũng như mẹ”.

(39) Bảo Định Giang, sđd, tr. 173- 174.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.