Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong quá trình khôi phục và phát triển làng nghề ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ
Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có nhiều tiềm năng về phát triền làng nghề. Với hàng chục làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa cổ truyền và bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương như gốm Thanh Hà, lụa Mã Châu (Quảng Nam); đá Non Nước, nước mắm Nam Ô (thành phố Đà Nẵng); đường phổi, kẹo gương (Quảng Ngãi); rượu Bàu Đá (Bình Định)... Ngoài bề dày truyền thống, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ còn có nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú như hải sản cho công nghiệp chế biến, mây, tre, cói, xơ dừa làm nguyên liệu cho nghề đan lát, đất làm đồ gốm, đá cho sản xuất vật liệu xây dựng . . . Đặc biệt, đây là khu vực có tiềm năng lớn về phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Vì vậy, nâng cao vai trò quản lý của nhà nước nhằm khôi phục và phát triển làng nghề nói chung, làng nghề ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ nói riêng, đồng thời khai thác tốt những lợi thế của vùng là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền ở đây đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề. Nhờ đó, làng nghề trong khu vực đã có bước phát triển nhất định, thu hút được một lượng lớn lao động ở nông thôn, góp phần chuyển dịch một bộ phận lao động thuần nông sang lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thu nhập của cư dân trong làng nghề ngày càng ổn định; nhiều làng nghề đã xác lập được vị trí vững chắc trên thị trường; áp dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, đưa kỹ thuật hiện đại phù hợp với từng công đoạn sản xuất để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đạt được những kết quả như trên là do thời gian qua các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã có những biện pháp khôi phục và phát triển các làng nghề như tiến hành quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển ngành nghề thủ công, tổ chức hội chợ hay festival sản phẩm nghề, ban hành một số chính sách hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống... Để tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các cơ sở kinh doanh, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở tất cả các huyện. Ưu tiên cho một số làng nghề được thuê đất ở những vị trí thuận lợi với giá ưu đãi. Ngoài ra, tỉnh còn tích cực đầu tư kết cấu hạ tầng cho nhiều làng nghề truyền thống như xây dựng hệ thống điện, nâng cấp hệ thống đường giao thông. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 4397/QĐ-UB/2004 phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô. Thành phố đã dành 3 ha đất để xây dựng nhà, xưởng sản xuất đảm bảo cho các cơ sở chế biến của làng nghề có mặt bằng sản xuất, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thành phố còn đầu tư hơn 13 tỷ đồng để xây dụng kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện đánh bắt, nuôi trồng, dạy nghề, quảng bá, tiếp thị. Chính quyền các cấp ở tỉnh Bình Định đã có những nỗ lực lớn trong việc quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (được hình thành và phát triển từ các làng nghề) đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như: cụm công nghiệp gò Đá Trắng với diện tích 16,9 ha; cụm công nghiệp Thanh Liêm, diện tích 5,46 ha; cụm công nghiệp Nhơn Hòa diện tích 11 ha, cụm công nghiệp thị trấn Bình Định, cụm công nghiệp Tân Đức, có diện tích 32 ha . Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung đầu lư 15 cụm, điểm công nghiệp - làng nghề với diện tích lên đến 171 ha, trong đó một số cụm được quy hoạch phát triển một số ngành nghề nhất định như cụm công nghiệp La Hà 12,8ha dành cho các làng nghề sản xuất bao bì, giày da, may mặc, sản phẩm gỗ...; cụm công nghiệp Bình Nguyên 20ha dành cho các nghề sản xuất các sản phẩm từ kim loại hàng thủ công mỹ nghệ, sửa chữa cơ khí; cụm công nghiệp đông thị trấn Châu Ô 10ha dành cho các nghề thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, đan lát, dệt. Việc hình thành các cụm, điểm công nghiệp chẳng những tạo điều kiện về mặt bằng cho các làng nghề hoạt động, mà còn tạo thuận lợi về giao thông, thông tin liên lạc, xử lý chất thải giúp cho các làng nghề phát triển bền vững. Song song với việc hình thành các điểm, cụm công nghiệp, các địa phương ở duyên hải Nam Trung bộ đã có những hướng đi mới trong khôi phục và phát triển làng nghề. Ngành du lịch đã phối hợp với các làng nghề xây dựng tour du lịch đến thăm một số làng nghề truyền thống, làm cho hoạt động của các làng nghề ngày một sôi động hơn như điểm du lịch làng nghề đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng (Quảng Nam), hay việc tổ chức lễ hội Quan thế âm vào dịp Tết Nguyên đán ở khu vực núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng). Việc phát triển loại hình du lịch tâm linh ở khu vực này mỗi năm đã thu hút khoảng 320 nghìn khách du lịch trong và ngoài nước, tạo điều kiện rất thuận lợi cho làng đá mỹ nghệ Non Nước phát triển.
Để tạo thuận lợi cho việc phát triển làng nghề truyền thống, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã tồ chức nhiều lớp học truyền nghề, dạy nghề. Tỉnh Quảng Nam, đã hỗ trợ 1 tỷ đồng kinh phí mở các lớp tập trung đào tạo nghề mây tre trong 3 năm, riêng năm 2007 đã mở được 20 lớp (mỗi lớp từ 20-30 người), khuyến khích và hỗ trợ kinh phí đối với các lớp truyền nghề tại các cơ sở sản xuất. Từ 1997 đến nay, cứ 2 năm lại mở một lớp, mỗi lớp 50-60 người học, mỗi lớp tỉnh hỗ trợ 85 triệu tiền đồ nghề, gỗ . . . , mỗi học viên học được trợ cấp 18kg gạo, học sang năm thứ hai được nhận thêm phụ cấp khi làm ra sản phẩm. Đến cuối năm 2007, toàn thành phố Đà Nẵng đã có 54 cơ sở dạy nghề, trong đó có 25 cơ sở ngoài công lập. Để khuyến khích việc học nghề, thành phố đã có chính sách trợ cấp học phí tùy theo từng bậc học và theo đối tượng học nghề, những đối tượng thuộc diện chính sách như con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình nghèo, gia đình nằm trong diện giải toả được miễn toàn bộ học phí. Với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, cùng với việc áp dụng nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nhiều làng nghề truyền thống đã được phục hồi và phát triển như nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở Non Nước (Đà Nẵng), dệt vải ở Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam), rượu Bàu Đá (Bình Định), Yến sào (Nha Trang),...; một số nghề mới được hình thành và ngày càng mở rộng như nghề làm đèn lồng, nghề thêu, may lấy ngay cho du khách ở thành phố Hội An hay nghề làm bánh tráng, trồng nấm, thêu ren, làm hàng thủ công mỹ nghệ... ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong quá trình khôi phục và phát triển làng nghề ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ còn một số tồn tại: Phần lớn các làng nghề chưa có quy hoạch phát triển; công tác quản lý làng nghề còn nhiều mặt hạn chế; việc thực hiện các chính sách khuyến khích chưa kịp thời, chưa tạo được sự gắn kết giữa các cơ sở sản xuất của làng nghề với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; cơ chế, chính sách của Nhà nước còn thiếu tính hệ thống, chưa đồng bộ, chưa xác định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với các làng nghề nên làng nghề phát triển còn mang tính tự phát, thiếu vốn kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phầm không ổn định.
Để nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương nhằm khôi phục và phát triển làng nghề ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ theo hướng bền vững, hiện đại, gắn liền với bảo tồn văn hóa dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, kiện toàn lại bộ máy quản lý các làng nghề. Hiện nay, ở một số đia phương tình trạng phân công, phân cấp quản lý làng nghề chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc buông lỏng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng đối với một số ngành nghề, làng nghề. Vì vậy ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng của các địa phương cần phân định rõ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành đối với các ngành nghề, làng nghề; một số sở liên quan cũng như từng huyện, thị xã,... cần phân công cán bộ phụ trách công tác phát triển làng nghề để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo ban hành những chính sách mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở làng nghề trong quá trình hoạt động. Cần rà soát và sớm ra quyết định công nhận các làng nghề mới để có định hướng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển các làng nghề đó. Đồng thời, khuyến khích các làng nghề triển khai thành lập các Hội nghề nghiệp, một mặt tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, mặt khác đại diện cho các làng nghề đề xuất kịp thời những vướng mắc với các cơ quan chức năng, qua đó tăng cường sự liên kết, hợp tác với các Hiệp hội nghề ở các đia phương khác.
Hai là,tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các làng nghề. Thực hiện giải pháp này theo các hướng:
Làm tốt công tác quy hoạch phát triển các làng nghề trên địa bàn. Muốn vậy, phải tiến hành rà soát lại các làng nghề, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch cho phát triển làng nghề nói chung và từng làng nghề nói riêng. Để đảm bảo cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, các cơ quan chức năng cần đánh giá đầy đủ các thông tin về vùng nguyên liệu, xu hướng vận động của thị trường, khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học của từng sản phẩm, tình hình cung cầu hay những biến động về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đánh giá những áp lực về cạnh tranh ở thị trường trong nước, nhu cầu gia tăng về sản phầm khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới để có những dự báo, dự đoán kip thời, phù hợp. Trong quy hoạch phát triển các làng nghề, các địa phương cũng cần chú ý việc xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu cho làng nghề, có kế hoạch khai thác và phát triển vùng nguyên liệu một cách khoa học để chủ động đáp ứng nguồn nguyên liệu, tránh tình trạng khai thác bừa bãi, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như thời gian qua. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của các làng nghề. Tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường của các làng nghề. Giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm cho người sản xuất đối với người tiêu dùng, đối với môi trường, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hộ, các doanh nghiệp ở các làng nghề sản xuất, chế biến các sản phẩm dễ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. Quan tâm hơn nữa đến vấn đề lao động trẻ em trong các làng nghề. Các địa phương cần quy định rõ độ tuổi lao động, kể cả lao động bán thời gian ở những nghề nặng nhọc, độc hại, kiên quyết xử phạt những cơ sở sản xuất sử dụng lao động trẻ em trái với các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương.
Ba là, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của các làng nghề. Khẩn trương áp dụng các biện pháp hỗ trợ và tư vấn để nâng cao khả năng tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; tăng vốn hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở làng nghề. Đầu tư phải có quy hoạch, kế hoạch, trước mắt tập trung hỗ trợ đầu tư cho các làng nghề có quy hoạch. Đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, các cơ sở kinh doanh ở các làng nghề theo hướng tạo thuận lợi cho việc sử dụng các quyền về đất đai; thực hiện cho thuê đất dài hạn trên cơ sở quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết ở các địa phương; áp dụng các chính sách ưu đãi trong thuê đất cho tất cả các cơ sở sản xuất ở làng nghề, đặc biệt đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong bối cảnh phần lớn các cơ sở sản xuất làng nghề thiếu vốn để thực hiện sản xuất kinh doanh thì việc đổi mới chính sách tài chính, tín dụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các làng nghề trong việc huy động vốn. Cần có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tín dụng về nông thôn lập nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức ngân hàng, tín dụng hoạt động nhằm hình thành và mở rộng thị trường tín dụng nông thôn. Đối với các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống cần được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay cao nhất theo quy định hiện hành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh ở làng nghề được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp nhất. Thực hiện công bằng, hợp lý chế độ miễn giảm thuế đối với các chủ thể sản xuất trong làng nghề. Trong thời gian tới, xem xét miễn giảm thuế cho các chủ thể kinh doanh ở các làng nghề trong những trường hợp miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu; miễn thuế đối với các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống ở các làng nghề thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; miễn giảm thuế cho các cơ sở sản xuất nguyên liệu và các tổ chức dịch vụ, khai thác, cung ứng vật tư nguyên liệu; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế có liên quan đối với cơ sở tạo ra những mặt hàng mới, tạo lập được những thị trường xuất khẩu mới. Đối với các cơ sở sản xuất và các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề, cần có chính sách hỗ trợ thuế theo tỷ lệ nhất định 50 -100% trong thời hạn từ 5-10 năm. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh thuộc diện ưu tiên, các địa phương cần hỗ trợ các làng nghề mở các lớp truyền nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế hình thành các cơ sở dạy nghề, đưa chương trình dạy một số nghề truyền thống vào giảng dạy ở các trường dạy nghề hoặc các trường phổ thông ở vùng có làng nghề. Quy định tỷ lệ phần trăm nhất định trong nguồn kinh phí đào tạo hằng năm của tỉnh để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề. Có chính sách ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân các làng nghề như trợ cấp thu nhập hàng tháng cho đi tham quan các làng nghề làm ăn giỏi trong nước hoặc nước ngoài, phong tặng nghệ nhân hằng năm bằng các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.
Hằng năm giành một tỷ lệ nhất định từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học, từ quỹ khuyến công để đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cho các làng nghề; ưu tiên đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất sản phẩm mới, các đề tài khôi phục kỹ thuật truyền thống, hiện đại hóa công nghệ truyền thống cũng như mở mang nghề mới . . . Sớm hình thành website làng nghề ở các địa phương để giới thiệu những sản phầm độc đáo, sản phẩm mới cho người tiêu dùng ở trong và ngoài nước. Hướng dẫn, hỗ trợ các làng nghề, các cơ sở sản xuất xây dựng, đăng ký và quảng bá thương hiệu. Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề có khối lượng hàng hóa tiêu thụ tương đối lớn chất lượng ổn định, có tiềm năng phát triển, đã tạo được uy tín nhất định đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, các địa phương trong khu vực cần trích ngân sách và sử dụng một phần quỹ khuyến công để tổ chức các hội chợ, triển lãm, festival về sản phẩm của làng nghề để qua đó làm cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và du khách có thêm nhiều thông tin về sản phẩm làng nghề ở địa phương mình.
Năm là, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến công, khuyến nông cho việc phát triển làng nghề. Hiện nay, nguồn vốn này không chỉ dành cho các làng nghề mà còn dùng đề hỗ trợ phát triển các dự án vừa và nhỏ của địa phương. Do đó, các địa phương chỉ nên hỗ trợ các làng nghề trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm. Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền cơ sở và các làng nghề để lựa chọn thứ tự ưu tiên cho phù hợp. Ngoài ra, cần có sự phối hợp sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để đảm bảo việc đầu tư cho các làng nghề đạt hiệu quả cao nhất.
Sáu làtạo mối liên kết giữa các hộ, các cơ sở sản xuất của làng nghề với các thành phần kinh tế khác, cũng như giữa các làng nghề với nhau, kết hợp phát triển làng nghề với phát triển du lịch nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm của các làng nghề. Hiện nay các làng nghề gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí nhiều làng nghề mai một là do sản phẩm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ. Nhằm giảm bớt khó khăn về thị trường tiêu thụ cho các làng nghề, chính quyền các địa phương cần giúp đỡ tạo mối liên kết giữa các hộ với các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp thương mại, các siêu thị, các đại lý bán hàng để hình thành các kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức đặt hàng, thu mua, bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích hình thành các hợp tác xã làm dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của các hộ, các cơ sở các doanh nghiệp trong các làng nghề. Mô hình phát triển du lịch gắn với làng nghề là một hình thức mang lại hiệu quả rất cao ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Thông qua việc hình thành các sản phẩm du lịch - làng nghề, chẳng những ngành du lịch sẽ giữ chân được du khách mà các làng nghề cũng có điều kiện để quảng bá và tiêu thụ sản phầm của mình. Để thực hiện vấn đề này, cần có sự phối hợp giữa các công ty du lịch và các làng nghề để hợp tác đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch - làng nghề độc đáo; đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch chi tiết các làng nghề, có hướng đầu tư để các làng nghề không những đẹp về cảnh quan, giao thông thuận lợi mà còn tạo được môi trường trong lành và để lại ấn tượng tốt cho du khách khi đến thăm.
Bảy là,đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các làng nghề. Đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ sở của làng nghề, nhất là cán bộ quản lý các doanh nghiệp, các hợp tác xã phần lớn trưởng thành từ người lao động, chưa được đào tạo qua các trường lớp về quản lý, quản trị kinh doanh, năng lực quản lý, các kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị doanh nghiệp, marketing, xuất nhập khẩu... còn nhiều hạn chế. Do đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các làng nghề. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, các địa phương nên mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn; đồng thời, có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các trường đại học để xây dựng chương trình, nội dung và thời gian
mở lớp để đảm bảo chất lượng cho các lớp bồi dưỡng.