Nâng cao hiệu quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên là hoạt động mang tính xã hội, độc lập khách quan, là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ đóng góp trí tuệ nhằm đánh giá, phân tích các chính sách, chương trình, dự án, đề án… và kiến nghị đến cơ quan thẩm quyền. Chính tầm quan trọng của nó, mà ngày 30/1/2002, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22 về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Và gần đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 14, ngày 14/02/2014 với những nội dung phù hợp với thực tiễn để thay thế Quyết định số 22.
Trong phần phát biểu khai mạc, TS Phạm Văn Tân cho rằng, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuậ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhiệm vụ quan trọng là tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các chính sách phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ và sau nhiệm vụ đó là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, qua đó cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Hơn 20 năm qua, hoạt động này đạt nhiều kết quả, được nhiều cơ quan chức năng đánh giá cao ở cấp TW và địa phương. Bên cạnh đó, Quyết định14 là cơ sở pháp lý quan trọng, làm rõ nội hàm tư vấn, phản biện và giám định xã hội và tạo cơ chế tài chính tốt hơn. Việc của chúng ta là làm thế nào để làm tốt nhiệm vụ này vì hiện tại hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở địa phương, như lực lượng chuyên gia, phương thức, điều kiện thực hiện.
Đến nay, đã có 33 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố tham gia thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội với hàng trăm dự án của địa phương và đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tham mưu, tư vấn, phản biện với tỉnh ủy, ủy ban nhân dân về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển tổng thể kinh tế- xã hội, bảo vệ an ninh và triển khai những dự án lớn của địa phương.
Tại hội thảo, ThS Lê Thanh Tùng, Phó trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp hội Việt Nam, đã nêu một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam; các thành tựu Liên hiệp hội Việt Nam làm được trong thời gian qua, những khó khăn cùng với những đề xuất kiến nghị của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đối với Đảng và nhà nước; đồng thời triển khai, làm rõ một số điểm mới của Quyết định 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các đại biểu đã được nghe 6 tham luận của Liên hiệp hội Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang nhằm trao đổi thông và chia sẻ kinh nghiệm qua đó, giúp các đại biểu, các ngành, các cấp hiểu rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các hội thành viên.