Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Trong nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những trách quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.
Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội là “xây dựng cơ chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo vệ môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo của trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Chính vì thế, nhiều năm qua, Liên hiệp Hội Quảng Trị đã tập hợp nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý, khoa học, công nghệ trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội hơn 70 dự án kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh, các ngành, địa phương. Trong đó, có 5 chương trình dự án lớn của tỉnh; 35 đê án Qui hoạch phát triển ngành, huyện, thị, thành phố; 11 đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã thí điểm; 21 đề án, dự án phát triển lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể.
Qua quá trình triển khai, ý kiến đánh giá, phản hồi của các ngành, cơ quan chủ dự án cho thấy hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội bảo đảm tính khách quan và tính độc lập cao; ý kiến chung của các cấp quản lý của tỉnh đều đánh giá cao tính nghiêm túc, khoa học và tác dụng thiết thực của các báo cáo kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội. Hầu hết các chương trình, đề án, dự án sau khi được tư vấn, phản biện, cơ quan chủ đầu tư tiếp thu, chỉnh sửa nghiêm túc, đảm bảo chất lượng trước khi trình cơ quan thẩm quyền quyết định.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng trở thành hoạt động quan trọng hàng đầu của Liên hiệp hội. Một mặt, hoạt động này đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng việc soạn thảo, xây dựng các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ. Mặt khác, đây cũng là dịp để Liên hiệp hội, các tổ chức hội tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ góp phận phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội, khoa học và công nghệ của địa phương.
Sau một thời gian thời gian hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đội ngũ chuyên gia của Liên hiệp hội ngày càng lớn mạnh, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tư vấn, phản biện các dự án đã và đang triển khai của tỉnh.
Với nhiệt tình, ý thức trách nhiệm, tinh thần khách quan khoa học, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội đã từng bước góp phần xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, các dự án kinh tế -xã hội quan trọng của tỉnh. Kết quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là sự đóng góp thiết thực của Liên hiệp hội đối với tỉnh, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của Liên hiệp hội.
Theo ông Trần Ngọc Lâm – Chủ tịch Liên hiệp Hội Quảng Trị cho biết, hiện nay để phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị, ngoài trách nhiệm tự thân của đội ngũ trí thức, đòi hỏi cần tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan. Tức là xã hội phải tạo cơ chế, chính sách và điều kiện đảm bảo cho trí thức được phát huy vai trò của mình.
Và trước tiên, tỉnh Quảng Trị cần có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, với những chương trình, đề án có tính chiến lược, dài hạn. Nhiều năm qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả một số chính sách khuyến khích, khen thưởng, động viên trí thức nâng cao năng lực nghiên cứu, sáng tạo như: HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về việc quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành các Quy chế Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Giải thưởng Bùi Dục Tài, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên… Tuy nhiên, những chính sách này chỉ mới áp dụng cho từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể, với phạm vi tác động có giới hạn chuyên biệt. Để phát triển trí thức của tỉnh đáp ứng yêu cầu mới đặt ra cần có một chính sách tổng thể, toàn diện, có tầm bao quát và tác động mạnh mẽ cho một vấn đề lớn rộng là vấn đề phát triển đội ngũ trí thức.
Xây dựng và thực hiện cơ chế tôn trọng, tiếp thu các kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong các cấp, các ngành, các cơ quan, kể cả các kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội do trí thức chủ động đề xuất độc lập (chứ không phải theo đặt hàng). Đặc biệt, cơ chế này phải đo lường được, đánh giá được kết quả tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung… vào các đề án và “hiện thực hóa” trong thực tế triển khai các đề án, sau khi các đề án đó đã được tư vấn, phản biện hoặc giám định. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định là một hoạt động vừa mang tính chuyên môn cao, có tính “độc lập” của giới trí thức; vừa mang tính xã hội, cho nên phải có cơ chế tôn trọng, thực hiện, đánh giá kết quả rạch ròi, chống tình trạng thích thì nghe tư vấn, phản biện, giám định, không thích thì thôi, chống “lợi ích nhóm” trong thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tăng cường, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội về cả 2 mặt: kinh phí cho nhà khoa học, chuyên gia và cơ sở vật chất. Ngoài những đề án do các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến hoặc đặt hàng đã có kinh phí bố trí cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đối với các đề án do Liên hiệp Hội, các tổ chức hội chủ động đề xuất tư vấn, phản biện, giám định, cần có nguồn kinh phí đảm để trí thức có điều kiện phát huy tính chủ động sáng tạo trong chuyên môn của mình. Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh.
Vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị được phát huy đầy đủ phải được xem là một trong những cơ sở quan trọng góp phần tạo sự phát triển năng động, đột phá, sáng tạo và bảo đảm bền vững của tỉnh.
Còn đối với Liên hiệp Hội Quảng Trị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì vẫn còn một số khó khăn, ông Lâm cho biết thêm, như sự phối hợp của các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo quy trình. Vì vậy, Liên hiệp Hội còn gặp khó khăn do thiếu tính chủ động.
Nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa được đầy đủ, một số chủ đầu tư xem tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động có tính bắt buộc, việc cung cấp thông tin, tài liệu cho Liên hiệp Hội chưa kịp thời, đầy đủ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Cá biệt một số đề án, dự án sau khi được nhận được báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội, việc tiếp thu, chỉnh sửa đề án, dự án của các chủ đầu tư còn yếu, sơ sài.
Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp Hội thời gian qua chủ yếu đưa vào yêu cầu của tỉnh, của các sở, ngành để tổ chức triển khai. Việc đề xuất tổ chức nghiên cứu phản biện độc lập những chủ đề trọng tâm, bức xúc về kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách của tỉnh còn rất hạn chế.
Đội ngũ chuyên gia tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đa phần dựa vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm đã có, chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội; chưa đảm bảo về chế độ cung cấp thông tin, chế độ thù lao, nghiên cứu khảo sát thực tế, đào tạo bồi dưỡng, hội thảo trao đổi kinh nghiệm,....
Nhân lực cán bộ quản lý, chuyên trách đối với công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội còn kiêm nhiệm nên tính chủ động trong công việc chưa cao.
Vì thế, theo ông Lâm, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp Hội, làm cho các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan thống nhất cao về mục đích, hiệu quả, sự cần thiết cần có tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định;
Xây dựng, dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định mới về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quy định cụ thể hóa Thông tư số 11/2015/TT-BTC, ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.
Tập hợp, xây dựng hệ thống mạng lưới chuyên gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp Hội đảm bảo đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là các chuyên gia đầu đàn có trình độ chuyên môn cao, uy tín về khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng quy chế thông tin, phối hợp giữa các sở, ngành liên quan với Liên hiệp Hội về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; giữa cơ quan chủ đầu tư với Liên hiệp Hội trước, trong và sau khi tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội đền án, dự án.
Nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Xây dựng, ban hành quy trình về tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội, các biểu mẫu phản biện, mẫu báo cáo; Xây dựng kỷ yếu về tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội; Từng bước xây dựng cơ sở thông tin phục vụ cho tư vấn, phản biện và giám định xã hội.