Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 02/07/2007 23:03 (GMT+7)

Muồn “nhím” - ông kỹ sư “gàn”

“Tiếng gọi nơi hoang dã”

Núi rừng Tây Bắc kể cũng lạ, có những cái lạnh mùa đông thấu xương, buốt thịt, là sự hoang vu của vùng sơn cước gợi cho con người nỗi buồn man mác và còn đó cái đói nghèo lạc hậu. Nhưng Tây Bắc cũng có nét quyến rũ của riêng mình, đó là những đồi hoa ban trắng rừng mỗi mùa xuân đến, tiếng tù và của những mục đồng gọi trâu mỗi khi chiều về... Đó là nét đẹp riêng chỉ Tây Bắc mới có, để rồi dù đi đâu, làm gì tiếng gọi thiêng liêng từ núi rừng cứ như có ma lực kéo những người con xa xứ về với mình. Hà Muồn, chàng kỹ sư “gàn”, người của núi rừng Tây Bắc đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để rồi cũng trở về với đất mẹ yêu thương.

Năm 1969 huyện Yên Châu, Sơn La chào mừng “sự kiện” lần đầu tiên chàng trai trẻ người dân tộc Thái, Hà Muồn lên đường sang Cu Ba học đại học. Thời điểm đó ở vùng sơn cước này, cái ăn còn chưa đủ no, cái mặc chưa đủ ấm, dân chúng phần lớn vẫn là mù chữ, ấy vậy mà Hà Muồn đã đi học đại học ở nước ngoài. Đó quả là sự kiện, là niềm vinh dự lớn cho cả Sơn La. Năm 1975, Muồn trở về nước với tấm bằng kỹ sư loại ưu chuyên về chăn nuôi của trường Đại học Lahabana (Cu Ba), ngôi trường danh giá bậc nhất ở nước bạn. Dĩ nhiên lúc này Muồn là người được chào đón nhiều nhất với những nơi làm việc tốt nhất, đặc biệt được trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội mời về làm giảng viên. Cũng thời gian này trường Đại học Jame Cook (Úc) mời Hà Muồn đi học với học bổng rất cao. Tưởng như cuộc đời đã sang trang với chàng trai Thái đầy nghị lực này khi mà hàng trăm cơ hội “ngon lành” đã đến với ông. Thật ngạc nhiên là Muồn từ chối tất cả để trở về nơi “chôn rau cắt rốn” Sơn La. Muồn bảo: “Những ngày trên đất khách quê người tôi nhớ quê hương da diết và tự nhủ học xong kiểu gì cũng về phục vụ quê nhà. Khi đã học được nghề chăn nuôi tôi lại càng tin Sơn La mới là mảnh đất phù hợp với mình, chẳng một chút suy nghĩ về nước bỏ qua tất cả mọi lời mời và về đây”.

Về Sơn La, Muồn nhận công tác tại Nông trường Mộc Châu và mãi đến năm 1997 Hà Muồn mới thật sự sống với đúng niềm đam mê của đời mình.

Chuyên gia nhím số 1 Việt Nam

Năm 1997, Sơn La có chủ trương thành lập Trung tâm chăn nuôi (bây giờ gọi là Trung tâm KHSX Lâm nghiệp Tây Bắc). Nghe tin, ông Muồn nhảy cẫng lên như đứa trẻ lên ba được quà. Bao nhiêu ước muốn lâu nay giờ cũng đã trở thành hiện thực, ông đã có đất dụng võ. Ngay khi về Trung tâm, Muồn chọn nhím là con vật chính để nghiên cứu. Theo ông, đó là con vật quý nên phải bảo tồn trước sự săn bắt của con người. Bàn chân Muồn đã đạp gai, trèo đá đến mọi nẻo đường Tây Bắc để đưa những con nhím tội nghiệp về trung tâm nuôi dưỡng. Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng dễ dàng, ít ra Hà Muồn hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Từ năm 1997 đến năm 2002, Trung tâm chăn nuôi của Muồn đã “ngốn” không biết bao nhiêu tiền mà lũ nhím cũng chỉ ăn no ngủ kỹ chẳng biết gì đến sinh sản.

Muồn bắt đầu chịu những lời ve tiếng ong, có người bảo chỉ tốn tiền vô ích, ai lại mang con vật của núi rừng về bắt nó sinh sản. Người khác cho rằng tỉnh đã sai lầm khi đưa tiền cho Muồn làm những việc trời ơi đất hỡi... Thôi thì đủ cả, lòng Muồn như bị cật nứa cắt tứa máu. Nhưng đã trót thì Muồn phải làm bằng được chỉ có điều mọi người không chịu kiên nhẫn. Trong lúc mọi người đều chống lại, không còn cách nào khác, Muồn phải tự đi vay tiền của những người thân, bạn bè tiếp tục nghiên cứu. Tháng này qua tháng khác, Muồn không dám về nhà, không tiếp xúc với bạn bè bởi Muồn sợ những ánh mắt thương hại, những lời trách móc lắm. Ở luôn tại trung tâm nghiên cứu, cô đơn như con nai lạc đàn trong rừng thẳm.

Đến năm 2003, điều Muồn chờ đợi nhất cũng đến, đàn nhím do Muồn nuôi dưỡng cứ thi nhau sinh sản. Chẳng mấy chốc trung tâm đã trở thành trang trại nhím hàng trăm con. Từ đó đến nay trung tâm của Hà Muồn trở thành nơi cung cấp nhím giống không chỉ cho Sơn La mà hầu hết khu vực miền Bắc. Ông cho biết: “Nuôi nhím dễ và nhanh giàu lắm. Tôi tin một thời gian nữa nhím sẽ được nuôi phổ biến như lợn, dân sẽ giàu”.

Thị xã Sơn La giờ đã có hơn 300 hộ nuôi với tổng số đàn nhìm trên 3000 con. Nhiều gia đình thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng như hộ gia đình anh Cao Văn Hà, phường Quyết Thắng, gia đình Đinh Quyết... Hiện tại Hà Muồn đang bắt tay nghiên cứu giống gion và các loài cầy, ông tâm sự: “Có kinh nghiệm từ nhím tôi tin tưởng là sẽ thành công với hai loài vật này”.

Trung tâm của Hà Muồn vinh dự được TS Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn động vật quý hiếm (Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn làm trung tâm mẫu để nhân rộng mô hình nuôi nhím trong cả nước. Nụ cười tươi tắn, giờ đây ông thật hạnh phúc bởi công sức của ông đã và đang mang lại sự đổi đời cho biết bao gia đình.

Nguồn: KH&ĐS chuyên đề, số 6, 23/3/2007, tr 19

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.