Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 06/09/2006 00:37 (GMT+7)

Một vị tướng Công an - nhà khoa học, người thầy

Thiếu tướng Công an, GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc vừa ra đi ở tuổi 74 tại Hà Nội. Trong quá trình làm báo, tôi có may mắn vài lần được gặp, trò chuyện cùng ông. Nhiều người đã biết đến ông, là nhà khoa học đa tài với ba bằng kỹ sư: Khí tượng thủy văn, Đóng tàu và Viễn thông; hai bằng tiến sĩ Toán học và Khí tượng động lực học. Nhưng chắc hẳn còn ít người biết, ông vốn là một điệp báo đơn tuyến với bí danh Ziệp Sơn, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng cung cấp những thông tin rất quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Một phương trình đặc biệt

Một lần ngồi trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Xuân Tiến, nhà ở phố Lò Đúc (Hà Nội), ông mang ra cho tôi tập bản thảo đánh máy vỏn vẹn có mấy trang và bảo: “Cậu về đọc đi, thú vị lắm! Tôi chưa từng thấy ai diễn tả việc định hướng phát triển của đất nước lại bằng phương trình toán học như vậy”.

Đấy là công trình nghiên cứu một nhánh của đề tài cấp Nhà nước mang mã số KX.06, mà lại có tiêu đề độc đáo, nửa khoa học tự nhiên, nửa khoa học xã hội: Khoa học công nghệ với các giá trị văn hóa. Tác giả là Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc. Sự tài tình là ở chỗ, từ một công thức thuần túy vật lý trong Thuyết tương đối của nhà bác học Đức A. Einstein, tác giả đã vận dụng vào hoàn cảnh nước ta để giải một bài toán chính trị - xã hội phức tạp, khó khái quát, là muốn thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, từ một nước chậm phát triển thành nước phát triển phải lấy xuất phát điểm từ đâu? Xin trích một đoạn thú vị trong đề tài mà tin chắc là với những ai ngoại đạo về toán - lý như tôi vẫn có thể hiểu:

…Lượng biến thành chất theo kiểu E = mc2 (Công thức Einstein)
Kiến thức = Khối lượng dữ kiện X  (Tốc độ xử lý)2
Tri thức = Khối lượng kiến thức X  (Tốc độ mô phỏng)2
Quyết thức = Khối lượng kiến thức X  (Tốc độ mô phỏng - Dự báo - Lựa chọn)2.

Ông cha ta xưa kia đã nói "biết thì sống", cũng là đề cao vai trò của "Quyết thức" trong những trường hợp sống còn. Thế giới sau chiến tranh Vùng Vịnh và ASEAN đã làm con người Việt Nam XHCN thấy phải biết sống, học tập, lao động và chiến đấu, biết đánh, biết thắng, như Bác Hồ đã dạy.

Vấn đề dân trí đây là vấn đề hết sức lớn lao, cho nên nhắc ở đây chỉ để ghi nhớ và trân trọng, dù là ngoài sức người viết dòng này. Sức dân, lòng dân, ý dân và trí dân là nền tảng và động lực của sự nghiệp cách mạng Việt Nam , từ giải phóng dân tộc đến xã hội chủ nghĩa. Và dân trí phải được chú ý ngay từ bây giờ, từ những công dân tí hon bước vào mẫu giáo, cũng như với các thanh niên đang cầm súng, vì thật nguy hiểm nếu trong "tay có súng mà không có trí"…

Sau khi đọc kỹ công trình của Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, tôi viết một bài báo nhỏ Từ "Kiến thức" đến "Quyết thức", đăng trên Báo Quân đội nhân dân cuối tuần. Một hôm, tôi nhận được điện thoại từ Giáo sư Ngọc ở phố Lê Hồng Phong. Lúc đó ông đang là Phó ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, ông nói là đã đọc bài báo của tôi. Thế là từ đó, tôi được làm quen với ông.

Một con người đặc biệt

Dáng ông bé nhỏ, song đi lại rất nhanh nhẹn. Trong các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học, tôi thường thấy ông mặc trang phục Công an, đầu đội mũ mềm, áo cộc tay màu cỏ úa, tôi còn gặp có hôm ông đi dạo với bà xã cũng vận bộ đồ ấy có quân hàm quân hiệu chỉnh tề. Thế rồi đến một lần, ông kể với tôi về gia đình mình (ông vốn tiết kiệm lời và kín đáo, nên với tôi sự "tiết lộ" này là hi hữu), câu chuyện như sau:

Quê ông làng Phượng Tú, xã Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Tây) thời thuộc Pháp là một vùng thuần nông nghèo đói. Cha ông thoát ly hoạt động cách mạng khi ông còn rất nhỏ. Lần ấy, không hiểu sao cha lại cùng cậu con 6-7 tuổi đi tắt ngang cánh đồng làng và bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch. Thế là cả hai cha con đều bị bắt về bốt Phú Xuyên. Rồi địch phát hiện cha ông là đầu mối quan trọng trong một đường dây bí mật của Việt Minh.

Đã hơn 60 năm trôi qua, mà ông vẫn nhớ như in trong đầu buổi chia tay cuối cùng với người cha hôm ấy. Cha xanh xao, gầy yếu, vừa trải qua các cuộc tra tấn, chỉ có đôi mắt cha vẫn sáng rực một niềm tin. Cha bảo, chúng không thể moi được gì, thể nào cũng xử bắn cha. Cậu bé Ngọc thì tỏ ra sợ hãi, cha xoa đầu bảo chẳng việc gì phải sợ. Và sau đó lời cha dặn, không phải là câu như thường tình "Hãy trả thù cho cha", mà là "Con cố học và giúp người khác học. Dân mình khổ đừng trách ai, chỉ nên tự trách mình còn thiếu tri thức".

Bao nhiêu năm sau, khi lọt vào hàng ngũ bên kia, rồi hoàn thành nhiệm vụ của một điệp báo, trở thành một Cục trưởng, một vị tướng đến tuổi "thất thập" được nghỉ hưu, câu nói ấy của người cha vẫn cứ văng vẳng bên tai ông. Học sau này là một nhiệm vụ, song với ông, học còn là thứ năng lượng kỳ diệu được người cha kiên cường truyền sang tiếp thêm nghị lực sống. Điều này cũng giải thích vì sao trong vòng 10 năm ở Pháp, ông cứ miệt mài học, đoạt hết bằng này đến bằng khác, ông thầm hiểu, học không phải cho mình mà là cho dân, cho nước.

Nhiệm vụ của điệp viên Ziệp Sơn là luồn sâu, leo cao trong hàng ngũ địch. Cũng như nhiều điệp viên đơn tuyến khác, ông cẩn trọng từng lời nói, cử chỉ và chính do có bằng cấp "đầy mình", đã giúp ông giấu mình tốt nhất. Năm 1953 gia nhập lực lượng An ninh Liên khu IV, hai năm sau ông được tổ chức bố trí sang Pháp. Năm 1966 trở về Sài Gòn, lúc đó ông trở thành một thần tượng, rất được giới sinh viên ngưỡng mộ bởi là nhà khoa học trẻ có kiến thức bách khoa. Nhiều người vẫn bảo, nếu không bận làm… điệp viên, ông đã thành một nhà toán học lớn.

Là Giáo sư Đại học khoa học Sài Gòn, ông là đầu mối thông tin quan trọng của cách mạng trong một giai đoạn khá dài. Có những bí mật giờ mới được hé lộ. Chẳng hạn, trận càn lớn Gian-sơn City của Mỹ - chính quyền Sài Gòn ở Tây Ninh nhằm vào cơ quan đầu não của ta đã được báo trước, nên ta đã chủ động đối phó, tránh được những tổn thất về lực lượng; hoặc sự khẳng định, vào tháng 4/1975, lúc thế quân ta như chẻ tre đang dồn quân đội Sài Gòn vào hang ổ cuối cùng, liệu Mỹ có quay lại để cứu chế độ Sài Gòn? Tất cả những thông tin quan trọng như vậy, đều có vai trò "giải mã" của điệp viên Ziệp Sơn.

Sau ngày nước nhà thống nhất, Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc được giao trọng trách quản lý và phát triển ngành Viễn thông - Tin học Công an. Ông làm Phó Cục trưởng, rồi Cục trưởng thuộc Bộ Công an. Năm 1994, ông được phong hàm Thiếu tướng. Giờ thì ông có điều kiện đi sâu vào chuyên môn và phát huy sở trường của mình. Song có lần ông đã nói với tôi, nghiên cứu khoa học mà cụ thể là toán học muốn có cái mới, cái độc đáo phải ở lứa tuổi trẻ, mà ông thì đã già (lúc đó ông đã gần sáu mươi). Nhưng lời cha dặn "cố học và giúp người khác học" vẫn luôn luôn văng vẳng bên tai, ông đã mang hết khả năng để thực hiện lời di huấn đó. Ông cùng một số nhà khoa học đầu ngành khác, sáng lập Trường Đại học dân lập Thăng Long; ông tham gia Ban lãnh đạo Hội Vô tuyến - điện tử, Hội Tin học Việt Nam, đảm trách công tác đào tạo đội ngũ trẻ.

Những năm gần đây, khi biết trong mình mang trọng bệnh (ung thư gan), ông vẫn quên cái chết ám ảnh, miệt mài nghiên cứu và giảng dạy. Ông có mặt ở khắp mọi nơi trên chiều dài đất nước, nay Hà Nội, mai Huế, Đà Nẵng, TP HCM… Dự hội thảo, lên lớp. Và một thói quen đến với ông không biết có từ lúc nào, là ba bữa ăn dồn một để… tiết kiệm thời gian!

Nhưng dù ông có cố đến mấy, vắt đến kiệt sức, thì ông vẫn phải từ biệt thế giới hiện thực mà ông vô cùng yêu mến để về cõi vĩnh hằng.

Sống thanh bạch, không gia sản, tiền bạc, chẳng có gì đáng để mang đi. Song cái ông để lại thì hết sức cao quý, bổ ích, như câu chuyện ông đã từng kể tôi nghe và một số bạn bè về một loài vi sinh vật có chất Plasmid. Đó là vật chất có đặc tính kỳ diệu, là mang thông tin di truyền cho thế hệ sau để kháng lại những chất có hại, duy trì nòi giống. Chất Plasmid - Nguyễn Đình Ngọc đã được truyền cho những bạn bè đồng nghiệp, học trò cũng mang ý nghĩa "di truyền" ấy. Chống những suy nghĩ, tư tưởng độc hại để đủ bản lĩnh tồn tại, phát triển; dùng những "kiến thức" đã học được, chung sức chung lòng cho "quyết thức" làm giàu mạnh đất nước...

Nguồn: cand.com.vn, 22/08/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.