Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 30/03/2005 21:52 (GMT+7)

Một tiến sĩ người Việt với nhiều hoài bão

Vũ Minh Khương (thứ 2 từ trái sang) tại lễ tốt nghiệp

Vũ Minh Khương (thứ 2 từ trái sang)
tại lễ tốt nghiệp Mang tên gọi "Phân tích những ảnh hưởng của công nghệ thông tin tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu", đề tài luận án tiến sĩ của anh đã "sục" vào một lĩnh vực kinh tế học còn khá mới mẻ của thế giới. Mặc dù vậy, luận án của Khương đã nhận được nhiều lời ngợi khen của các giáo sư Harvard nổi tiếng.

"Luận án của Khương rất ấn tượng cả về quy mô và đóng góp mới", nhà kinh tế lừng danh thế giới, GS. Dale Jorgenson nhận xét.

Còn GS. Dwight Perkins thì cho rằng, "đó là nghiên cứu một cách hệ thống nhất về chủ đề này và sẽ rất hữu ích trong việc định hướng chính sách trong các ngành này ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam".

Có trong tay bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (QTKD) tại trường QTKD Harvard (Harvard Business School), bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ tại ĐH Harvard, được khắc tên vào bảng treo ở nơi trang trọng của trường Kennedy về thành tích giảng dạy, được Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức nghiên cứu tổ chức mời đến trình bày kết quả nghiên cứu tại các seminar, Vũ Minh Khương có lẽ đứng trong số những người mở đầu cho thành quả xuất sắc ở đẳng cấp quốc tế mà các sinh viên Việt Nam đạt được kể từ thời đổi mới.

29 tuổi, làm hồi sinh một xí nghiệp bên bờ vực phá sản

Tháng 12/1988, lần đầu tiên ở Hải Phòng, người ta chứng kiến một cuộc thi hi hữu: thi tuyển Giám đốc (GĐ) cho Xí nghiệp (XN) hoá chất Sông Cấm. Có một người đã nhận được hơn 90% số phiếu bầu và nhậm chức GĐ trong sự hân hoan của công nhân, đó là Vũ Minh Khương, một thanh niên trẻ ở tuổi 29.

Sau này, ông Đoàn Duy Thành, nguyên Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kể lại: "Ngày đó, ai cũng sợ không dám nhận trách nhiệm lãnh đạo Sông Cấm vì xí nghiệp này làm ăn thua lỗ kéo dài, đơn từ kiện tụng chồng chất”.

Ông Đoàn Duy Thành vẫn chưa quên lá thư tâm huyết của một người con đất Cảng nơi phương xa bày tỏ những suy nghĩ đồng điệu với ông về công cuộc đổi mới, về hướng đi của thành phố. (Phải nói thêm là lúc đó, Hải Phòng nổi lên như một điểm sáng trong cả nước với những cải cách táo bạo của ông Bí thư Thành uỷ như khoán chui, đào sông lấn biển, ngói hoá nông thôn... Song không phải lúc nào những đổi mới “mạnh tay” của ông Thành cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ - NV).

Ông Bí thư đã cho đăng báo lá thư và đáp lại trân trọng. Bất ngờ hơn, sau đó, ông lại nhận được lá thư thứ hai với một đề nghị táo bạo: xin làm GĐ một XN quốc doanh trên bờ phá sản để thử nghiệm khả năng xoay chuyển. Khi đó, Vũ Minh Khương đang có một cuộc sống ổn định tại TP. Hồ Chí Minh với một công việc là mơ ước của nhiều người: chuyên gia phân tích lập trình cho máy tính IBM/360/40, cán bộ cốt cán của Trung tâm Điện toán, Công ty Điện lực II. Công việc mà 3 năm trước, anh lính phục viên Khương đã phải gõ cửa tới hàng chục trung tâm máy tính, trải qua bao cuộc gặp thất bại mới tìm được.

Gạt ngoài tai những lời khuyên can, từ giã vợ con, anh hăm hở “vác ba lô con cóc” quay về thành phố Cảng quê hương sau nhiều tháng trắc trở trong xin chuyển công tác. Không ít người cho anh “gàn”: làm gì có chuyện một người đã có gia đình và công việc thuận lợi ở một thành phố lớn nhất nước lại xin đi.

Còn anh chỉ lý giải một cách giản dị cho hành động nhiều người cho rằng "phi thực tế" ấy. Tuổi thơ anh lớn lên ở Hải Phòng, cha mẹ anh vẫn còn ở đó. Thời trai trẻ, anh vẫn ước mơ thành phố quê hương mình sẽ vươn lên tầm vóc quốc tế, trong đó có sự góp sức của anh. "Tôi rạo rực lắm khi đọc những bài trên báo Sài Gòn Giải phóng trân trọng nỗ lực đổi mới và cải cách của nhân dân Hải Phòng dưới sự lãnh đạo của ông Đoàn Duy Thành".

Khương tiếp nhận Sông Cấm trong một tình thế gần như tuyệt vọng: tiền gửi không còn, ngân hàng khoá tài khoản vì XN không có khả năng trả nợ, hầu hết công nhân phải tạm nghỉ việc trong khi cuộc sống vô cùng khó khăn. Những ngày gian nan ấy vẫn còn sống động trong ký ức của anh.

Điều kỳ diệu đã đến khi cuối năm 1989, Sông Cấm vượt qua giai đoạn suy sụp và đi vào phát triển nhanh chóng.

Cho đến giờ, nhiều công nhân của Sông Cấm (nay là một doanh nghiệp (DN) tư nhân) vẫn không thể quên niềm vui bất ngờ khi họ nhận được nhẫn vàng và xe đạp mini, một tài sản lớn khối người ao ước từ tay lãnh đạo XN. Với những người đã quen lo "chạy ăn từng bữa", lúc nào cũng thấp thỏm nỗi lo thất nghiệp và "chết đói" trong những năm đất nước còn chập chững bước ra từ thời kỳ bao cấp thì đó quả là một sự kiện đáng nhớ.

Thực ra, đấy không phải lần đầu anh tiếp nhận Sông Cấm từ hai bàn tay trắng. Hai năm trước, anh đã nhận trách nhiệm PGĐ Sông Cấm trong một tình thế hiểm nghèo không kém.

Con đường trở thành một TS. Harvard xuất sắc...

Khi hoạt động của XN Hoá chất Sông cấm đã trở nên sống động và phát triển nhanh chóng với sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể cán bộ, công nhân viên, Vũ Minh Khương quyết định tìm kiếm con đường đi học ở nước ngoài. "Tôi muốn đến được một quốc gia phồn vinh và dốc lòng học hỏi để có được một tầm hiểu biết sâu rộng cho sự nghiệp tương lai".

Những năm đầu thời kỳ đổi mới, tiếng Anh là một cái gì đó lạ lẫm chứ chưa trở nên "thời thượng" như bây giờ, ông GĐ Khương dù "bù đầu" với công việc quản lý DN nhưng vẫn cố gắng học thứ ngoại ngữ này với một nỗ lực đặc biệt. Anh “cày nát” các băng cassette dạy tiếng Anh trên các chặng đường công tác từ Hải phòng đi Hà nội và các địa phương. Với vốn tiếng Anh còn ít ỏi, anh tận dụng mọi cơ hội làm việc với các doanh nhân nước ngoài để thực hành, học hỏi. Sự chuẩn bị tích cực cùng cơ hội đã tạo nên may mắn. Năm 1992, anh được tiếp nhận vào trường QTKD Harvard và lên đường sang Mỹ học tập. Tại ĐH Hardvard, anh đã nhanh chóng chinh phục được các giáo sư và bạn học. Giáo sư Carl Sloan nhận xét: “Tôi kinh ngạc thấy một sinh viên từ một nước đang phát triển có được khả năng phân tích sâu sắc như vậy”. Chính sự đánh giá cao của các giáo sư ở trường QTKD Harvard trong giai đoạn này đã giúp Vũ Minh Khương trở lại trường một cách thuận lợi để theo đuổi học vị tiến sĩ.

Lấy xong bằng Thạc sĩ, anh về nước với "khao khát đóng góp kiến thức của mình cho sự nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt với TP. Hải Phòng".

"Tôi mong muốn sớm có cơ hội trở thành lãnh đạo xuất sắc của Hải Phòng, góp phần đưa thành phố lên tầm vóc quốc tế và trở thành động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp hiện đại hoá đất nước. Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt là các thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội có thể có được bộ máy quản lý chất lượng cao như Singapore nếu chúng ta hết sức tìm kiếm và trọng dụng cán bộ ưu tú từ mọi nguồn. Và đó sẽ là khâu then chốt để Việt Nam cất cánh, một khi môi trường kinh tế vĩ mô đã khá thuận lợi".

Thế nhưng, những kỳ vọng của con người thường hay đối mặt với thực tế nghiệt ngã. Lòng nhiệt tình của anh đã không ít lần bị "dội nước lạnh" khi những đề xuất cải cách của anh bị chối từ.

"Khương là con người của hành động, của suy nghĩ và có tâm huyết thực sự". Ông Đoàn Duy Thành nhận xét.

Tâm huyết ấy luôn là nguồn sức mạnh tiềm tàng giúp anh vượt qua bao nản lòng, thất vọng, nuôi cho anh niềm tin khi con đường đi của Khương ở Hải Phòng gặp quá nhiều trắc trở: “Tôi có đề nghị rất nhiều lần với lãnh đạo TP là cho tôi làm GĐ Sở Công nghiệp (lúc này anh là Phó Văn phòng UBND TP. Hải Phòng), là ngành tôi thực sự tâm huyết cho một nỗ lực cải cách, nhưng không được chấp nhận”.

Anh cảm nhận “TP đã trở nên quen với cách nghĩ là có được vị trí lãnh đạo là do qui hoạch và may mắn chứ không phải do chiến công và đóng góp". Sau ba năm nỗ lực công tác ở UBND TP, anh hiểu rằng cách tốt nhất để đóng góp cho đất nước là “trở thành cán bộ khoa học xuất sắc về quản lý kinh tế”. Quyết định ấy đó đưa anh trở lại với Harvard lần thứ hai. Hơn bốn năm trời học tập và làm việc trong một môi trường với những thách thức khắc nghiệt của một trường ĐH đẳng cấp hàng đầu thế giới, không phải ai cũng có thể thích nghi và tồn tại. Nhưng một lần nữa anh đã vượt lên bằng ý chí sắt đá và tinh thần thực sự cầu thị.

“Tôi muốn hiểu biết thật thấu đáo những thách đố, cơ hội và con đường đi mà Việt Nam cần phải nắm bắt để đuổi kịp Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời mong muốn góp phần làm người Việt Nam mình có thể ngẩng cao đầu ở trường ĐH danh tiếng này”.

“Vũ Minh Khương là một trong những học sinh xuất sắc nhất của tôi, một TS đẳng cấp thế giới về kinh tế học phát triển”. Có lẽ giờ anh đã có thể ngẩng cao đầu với lời ngợi khen của một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế giới.

... đến triết lý kỳ lạ về chữ Việt

Tấm bằng TS Harvard, sự thừa nhận của những giáo sư hàng đầu thế giới đang hứa hẹn trước mắt anh những cơ hội đầy hấp dẫn trên đất Mỹ. Anh đã được mời làm GS thỉnh giảng tại một số trường ĐH của Hoa Kỳ.

Nhưng với Vũ Minh Khương, giấc mơ cháy bỏng thời trẻ vẫn luôn khắc khoải khôn nguôi. Và anh đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc trở về để đem những kiến thức đã có phục vụ cho quá trình phát triển của đất nước. Anh coi công việc hiện tại ở đất Mỹ, dù thuận lợi đến mấy, chỉ là một bước trong quá trình chuẩn bị này.

“Trong ba năm tới, tôi dự kiến trở thành một chuyên gia kinh tế xuất sắc ở tầm vóc thế giới, đồng thời tích cực giúp sức vào công cuộc đào tạo và truyền bá kiến thức trong lĩnh vực phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu cho thế hệ trẻ Việt Nam” - Khương khẳng định.

Theo Khương, ý chí và phẩm chất dân tộc là chìa khoá then chốt tạo nên sức bật mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Anh suy tư về dân tộc và cảm nhận chữ "VIệT" có ý nghĩa sâu sắc lắm: V là Vision, có nghĩa là tầm nhìn; I là Integrity, có nghĩa là trung trực; E là Energetic, nghĩa là nghị lực; T là Talent, nghĩa là tài năng.

Khương cho rằng: "Dân tộc Việt Nam ta sẽ làm nên sự nghiệp phát triển thần kỳ trong những thập kỷ tới nếu mỗi người chúng ta, đặc biệt đội ngũ chủ chốt trong ba trụ cột nền tảng của sự nghiệp phát triển: nhà nước, doanh nghiệp, và giáo dục - trí thức, dốc lòng dốc sức rèn luyện và hun đúc phẩm chất VIệT: có tầm nhìn sâu rộng; chính trực; tràn đầy nghị lực, và thực sự tài năng".

Nguồn: Việt Lâm, VietNamNet 11/9/2004

Vũ Minh Khương (giữa)

Vũ Minh Khương (giữa)

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.