Một thợ rèn chế tạo thành công máy bóc, thái hành tỏi
Hải Dương là một tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ có truyền thống trồng hành, tỏi xuất khẩu từ nhiều năm nay. Hơn 10 năm trở lại đây, ngoài việc xuất khẩu hành, tỏi nguyên củ, các doanh nghiệp còn xuất hàng nghìn tấn hành, tỏi khô mỗi năm. Chính vì vậy, ở nơi đây đã hình thành thêm nghề mới là nghề thái, sấy hành tỏi ở một số nơi trong tỉnh như: Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách.
Thời gian đầu, người lao động ở những nơi có cơ sở thái, sấy hành tỏi, phải làm bằng lao động thủ công với các công việc cắt lá, cắt rễ, bóc vỏ và thái nên làm việc rất cực nhọc, vất vả nhưng năng suất lao động rất thấp, ngày công của họ chỉ đạt từ 10-15 nghìn đồng.
Sau đó, Công ty TNHH Hoa Mai là doanh nghiệp đầu tiên ở tỉnh Hải Dương mua loại máy thái hành, tỏi ở thành phố Hồ Chí Minh đưa về sử dụng trong tỉnh với giá 4 triệu đồng/chiếc. Loại máy trên ngay từ đầu vận hành đã bộc lộ một số nhược điểm. Do đây là loại máy thái hành, tỏi công suất lớn, có thể thái được 700-800kg hành, tỏi/1 giờ, nên máy đó chỉ có thể sử dụng được ở những cơ sở chế biến lớn. Hơn nữa, với công suất thái lớn như vậy nên lát hành, tỏi thái ra không đều và rất nát (hành, tỏi bị dập và ra nước) làm cho chất lượng long bị giảm đáng kể, dẫn đến việc hành, tỏi sấy không đều, chất lượng kém.
Loại máy đó còn có hạn chế cơ bản là hành tỏi trước khi đưa vào thái phải bóc vỏ, khi bóc chất tinh dầu của hành tỏi rất hăng bắn vào mắt, mũi, gây khó chịu, vất vả cho người lao động và tốn thêm rất nhiều công, dẫn tới giá thành phẩm cao.
Nhận thấy những điều bất cập của loại máy trên, ông Nguyễn Văn Sành, một nông dân làm nghề thợ rèn, văn hóa chưa hết cấp 2 ở xã Nam Trung, huyện Nam Sách, sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi đã chế tạo thành công loại máy bóc, thái hành tỏi phù hợp với qui mô hộ gia đình. Theo kinh nghiệm việc thái, sấy hành tỏi nên theo hộ gia đình vì vừa tận dụng được lao động và chất lượng chế biến tốt hơn so với qui mô tập trung. Máy của ông Sành chế tạo dựa trên nguyên lý làm việc của loại máy đã có trên thị trường, đồng thời cải tiến một số chi tiết. Máy mới có ưu điểm sau là: Tự bóc được vỏ hành, tỏi trước khi thái; Lát hành, tỏi thái ra đều hơn (lát hành tỏi dày hay mỏng phụ thuộc vào việc điều chỉnh bộ phận đĩa thái), không bị dập nát nên không ra nước, dẫn đến chất lượng hành, tỏi sấy tốt hơn; Công suất của máy có thể diều chỉnh theo ý muốn. Công suất trung bình của loại máy dùng trong gia đình đạt từ 100-150kg/giờ.
Việc vận hành loại máy này thuận tiện và đơn giản, chỉ cần hướng dẫn qua một vài thao tác là người lao động có thể sử dụng được. Giờ đây khi thái hành, tỏi người dân chỉ cần cắt lá, rễ hành, tỏi rồi đem rửa sạch, sau đó đổ vào phễu đựng nguyên liệu của máy. Hành, tỏi được đưa từ phễu xuống ống định hướng (ống chuyển nguyên liệu, đường kính khoảng 8cm). Từ ống vận chuyển, hành tỏi được đưa vào đĩa thái có gắn 2 lưỡi dao thái. Đĩa thái được gắn với động cơ qua trục máy, khi máy hoạt động, dao thái làm nhiệm vụ thái hành tỏi. Trên đĩa thái có 2 cửa: 1 cửa cho long hành, tỏi ra và 1 cửa cho vỏ hành, tỏi ra.
Máy làm việc được nhờ một động cơ điện công suất 375W hoặc 750W nối với trục của máy bằng dây cu roa. Khi không thái hành, tỏi động cơ này có thể dùng vào việc khác như bơm nước, nghiền thức ăn cho gia súc…
Do máy vừa bóc vỏ, vừa thái được hành tỏi nên người lao động đỡ vất vả, năng suất lao động tăng 15 lần so với lao động thủ công trước đây, giá trị ngày công cũng tăng nhiều lần.
Giá thành chiếc máy bóc, thái hành tỏi dùng cho qui mô hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Sành là 600 nghìn đồng. Vì sự tiện lợi, phù hợp của máy đối với các hộ gia đình thái, sấy hành tỏi, nên ngay sau khi ông Sành chế tạo thành công loại máy bóc, thái hành tỏi trên, hàng trăm hộ gia đình trong xã và một số vùng lân cận trong tỉnh đã tới đặt mua. Và ngày nay, đến bất kỳ cơ sở thái, sấy hành tỏi nào trong xã Nam Trung, huyện Nam Sách đều nghe thấy người dân ở đó gọi loại máy vừa bóc vỏ, vừa thái được hành tỏi bằng cái tên của chính người chế tạo ra nó “máy ông Sành”.
Việc nghiên cứu, chế tạo thành công loại máy bóc, thái hành tỏi của người thợ rèn Nguyễn Văn Sành đã mang lại lợi ích kinh tế, xã hội to lớn cho nhân dân xã Nam Trung, huyện Nam Sách. Mỗi năm xã xuất khẩu được khoảng 25-30 nghìn tấn hành, tỏi khô sang thị trường Đài Loan, Hồng Kông và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đã tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong xã và các vùng lân cận. Đúng như đánh giá của UBND xã, UBND huyện và bà con nông dân: Ông Sành là người có công lớn trong việc tạo ra làng nghề thái, sấy hành tỏi ở vùng quê thuần nông như xã Nam Trung, huyện Nam Sách.
Chiếc máy bóc hành thái tỏi của ông Nguyễn Văn Sành đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương và giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ VII (2002-2003).