Một tấm lòng với sự nghiệp giáo dục và khoa học
BA MƯƠI NĂM LÀM VIỆC...
Cô Thu Cúc thảo luận cùng các SV đang làm luận văn tốt nghiệp do cô hướng dẫn. Ảnh: Trọng Nhân |
Là nhà khoa học, cô đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, cấp bộ và hợp tác với nước ngoài, như: Nhật, Bỉ, Pháp, Mỹ và Viện lúa quốc tế IRRI. Nhiều kết quả nghiên cứu của cô đã được phổ biến rộng rãi đến bà con nông dân và đã được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần từng bước đẩy lùi nhiều loại dịch hại trên cây trồng tại vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Một trong những thành tựu nổi bật của cô là công trình nghiên cứu về bệnh “Tiêm đọt sần trên lúa” (Ufra disease). Đây là một loại bệnh do tuyến trùng Ditylenchus angustus gây ra trên lúa, hoành hành tại nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL trong những năm 1976-1985 - cùng với các đồng nghiệp của mình, cô đã góp phần dập tắt.
Ngoài công trình nghiên cứu ấy, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc cũng đã có 45 bài báo khoa học được đăng tải trên nhiều tạp chí, trong đó có 15 bài đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài. Các bài báo khoa học này vừa góp phần hoàn chỉnh các giáo trình về BVTV, vừa phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, đồng thời là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu xây dựng các quy trình phòng trừ dịch hại trên cây trồng theo hướng an toàn sinh thái.
Sinh ra và lớn lên tại TPHCM, cô Thu Cúc tốt nghiệp đại học năm 1967 chuyên ngành Trồng trọt. Tháng 12-1968, cùng với một số người khác, cô giành được học bổng du học ở Pháp, ba năm sau, cô nhận bằng thạc sĩ (D.E.A). Và, ba năm sau nữa, cô lấy tiếp bằng tiến sĩ chuyên ngành Sinh học động vật tại Trường Đại học khoa học Nancy (Pháp), với bằng tối danh dự cùng sự khen thưởng của Hội đồng giám khảo (Mention très honorable avec félicitations du jury) - đề tài luận án là “Nghiên cứu về nhóm côn trùng thiên địch (Carabidae) trên đất trồng trọt tại Lorraine”.
Trong quá trình 30 năm công tác, ngoài các giấy khen, bằng khen về thành tích các năm, các bằng khen của Bộ, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc còn vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2002, được trao tặng nhiều huy chương (HC) như: “HC Vì sự nghiệp giáo dục” (1995), “HC Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn” (2001), “HC Vì giai cấp nông dân Việt Nam” (2003), “HC Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” (1997) và danh hiệu “Giỏi việc nước đảm việc nhà” (1989-1994), “HC Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” (1996), “HC Vì sự nghiệp truyền hình”, v.v... Bên cạnh đó, năm 1987, cô còn được giải thưởng Kovalepskaia về các thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Và, đề tài “ Quy trình sử dụng kiến vàng trong các vườn cây có múi” do cô chủ trì, cũng đoạt giải thưởng Bông Lúa Vàng năm 2003.
TIẾP BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG KHOA HỌC...
TS Trần Thị Thu Thủy, Trưởng Bm BVTV, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, nói với tôi: “Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng theo lời mời của bộ môn, cô sẽ tiếp tục giảng dạy một số môn học cho các lớp đại học và cao học, như: IPM trong bảo vệ thực vật; Côn trùng nông nghiệp và Tuyến trùng nông nghiệp. Ngoài ra, bộ môn còn mời cô “truyền nghề” cho một số cán bộ trẻ để trong tương lai có thể thay cô dạy môn Côn trùng nông nghiệp. Đó là các môn học chính, không kể các môn phụ khác. Và cô vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên đại học và sau đại học (2 luận án tiến sĩ và 3 luận văn thạc sĩ). Vẫn theo TS Thu Thủy, sắp tới, bộ môn sẽ hợp tác với Thụy Điển thực hiện một dự án nhỏ nhằm nghiên cứu về bệnh “Tuyến trùng trên cây trồng”. Thông qua hoạt động của dự án (2005-2007) do cô Cúc làm chủ nhiệm, bộ môn sẽ kết hợp để đào tạo thêm cán bộ trong lĩnh vực này. Mặt khác, cô tiếp tục tham gia chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây có múi tại ViệtNam. Bên cạnh đó, cô sẽ cùng một Giáo sư người nước ngoài hướng dẫn sinh viên ViệtNamtham gia thực hiện đề tài phòng trừ sinh học côn trùng”.
Tưởng như vậy đã đủ. Nào ngờ, trong lần gặp mới đây - sau khi cô vừa đi dạy ở Tiền Giang về - qua câu chuyện, tôi biết thêm: Cô và các cộng tác viên đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng Bọ đuôi kìm (Dermaptera) trong phòng trừ sinh học côn trùng gây hại” - kết quả bước đầu cho thấy nhiều triển vọng. Một công việc khác, cô tiếp tục nghiên cứu về con kiến vàng để đưa con kiến vàng trở về các vườn cây có múi vùng ĐBSCL.
Con Kiến vàng (Oecophylla smaragdina) đã được cô cùng các bạn đồng nghiệp đưa vào tài liệu “Kiến vàng và kỹ thuật sử dụng trên cây có múi” để phổ biến cho bà con trồng cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) tại Việt Nam từ năm 2001. Năm 2003, cùng với một chuyên gia người Bỉ (đồng tác giả), cô đã biên soạn tài liệu “Kiến là bạn” - bằng tiếng Anh, được xuất bản bởi CABI tại nước Anh. Quyển sách này chỉ gồm 65 trang, nhưng đây là một trong những quyển sách chuyên môn thể hiện nhiều tâm huyết của cô - một nhà khoa học về BVTV. Tài liệu này đã đượcIndonesiaxin phép dịch sang tiếngIndonesia, và đã được dịch sang tiếng Việt để phổ biến rộng rãi trong nước. Ngoài quyển này, cô còn viết: “Côn trùng và Nhện gây hại cây ăn trái vùng ĐBSCL và biện pháp phòng trị”, “Dịch hại trên cam, quýt, chanh, bưởi và IPM”; và tham gia viết trong các quyển sách khác, như: “Cây lúa thế kỷ 20”, “Quản lý sinh thái vườn cây có mui”... Có thể nói, đó là những tư liệu quý giá, không những dùng để học tập, tham khảo, ứng dụng đối với các sinh viên, những cán bộ trẻ trong công tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, mà còn cung cấp trực tiếp nhiều thông tin hữu ích cho bà con nông dân, giúp bà con hiểu rõ hơn về các dịch hại trên cây trồng, cũng như các biện pháp phòng trừ hợp lý...
Giữa tháng 4-2005, Bm BVTV tổ chức lễ tôn vinh và chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc. Trong sắc màu tươi thắm của thật nhiều hoa - những bó hoa được trân trọng trao tay của những người đang hiện diện, những lẵng hoa gói ghém tình cảm của những người ở xa không kịp về - chiếc áo dài lụa màu trắng ngà như làm tôn thêm nét bình dị vốn có của người phụ nữ tài năng ấy. Điều đọng lại trong tôi ở buổi lễ ấy là những lời cảm ơn của cô dành cho nhà trường, cho khoa, bộ môn, và rất nhiều người, trong đó có cả sinh viên... “Xin cảm ơn bộ môn, nơi tôi xem là gia đình và có cảm giác bình an khi đến...” – lời bày tỏ của cô làm tôi nhớ mãi. Bởi tôi vẫn không quên: chồng của cô đã mất từ năm 1988, lúc con gái cô mới 11 tuổi. Đứa con gái ấy – sau khi giành được học bổng đi du học và tốt nghiệp đại học ở Mỹ - hiện nay đã có chồng, vừa làm việc vừa học tiếp lên sau đại học tại Mỹ...
Nguồn: baocantho.com.vn6/6/2005