Một số vấn đề về công nghiệp và môi trường nông thôn Vĩnh Phúc
Thực trạng phát triển công nghiệp và môi trường nông thôn Vĩnh Phúc
Thời gian qua, các khu công nghiệp đã trở thành điểm quan trọng trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, góp phần quan trọng vào việc phân công lao động theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Thu hút đầu tư Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 11.2007, toàn tỉnh đã thu hút được 491 dự án (gồm 361 trong nước, giá trị trên 22 tỷ đồng và 130 dự án nước ngoài, giá trị gần 1, 7 tỷ USD), đứng thứ 7 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 6 tháng đầu năm 2007, mức tăng trưởng công nghiệp của Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước với tỷ lệ 55,7%. Tỉnh đã quy hoạch được 29 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó có một số khu công nghiệp lớn như: Kim Hoa, Khai Quang, Quang Minh, Bình Xuyên, Tiền Phong, Tân Tiến, Hương Canh, Lai Sơn, Xuân Hoà...
Sự tăng trưởng kinh tế đã giúp tỉnh tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho trung ương, nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra áp lực lớn đối với nhiều dạng tài nguyên và đặt môi trường sống đứng trước nhiều thách thức. Một số khu vực của Vĩnh Phúc đang bị ô nhiễm nặng. Khói bụi, chất thải công nghiệp, nhất là hoá chất đã qua sử dụng gây ảnh hưởng xấu tới nhiều nơi, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, môi trường sản xuất và môi trường sống ở nhiều khu dân cư nông thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực trạng môi trường nông thôn Vĩnh Phúc được đánh giá khái quát như sau:
Về nguồn nước:Nhìn chung nước sinh hoạt của người dân nông thôn hiện nay chưa được kiểm soát về chất lượng. Những năm gần đây, chất lượng nước mặt đang có chiều hướng suy giảm. Nồng độ các chất ô nhiễm đều có chiều hướng gia tăng, nhiều chỉ tiêu đã vượt tiêu chuẩn cho phép như: COD, BOD5, NH3, Coliform... Kết quả phân tích cho thấy, nước ngầm cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm: Hàm lượng mangan trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2, 84 đến 5, 78 lần, hàm lượng đồng vượt 1, 16 lần. Nhiều điểm quan trắc, hàm lượng sắt vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, hầu hết các điểm có dấu hiệu nước ngầm bị nước mặt xâm nhập.
Khói bụi nhà máy |
Về chất thải rắn:Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Đối với chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn thì hầu như chưa được tổ chức thu gom mà chủ yếu vẫn đổ thải tự do. Toàn tỉnh hiện có 2 bãi chôn lấp rác. Tuy nhiên, các bãi này chưa được thiết kế và xây dựng đạt tiêu chuẩn quy định, rác thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp thông thường, quy trình xử lý rất đơn giản, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Về ô nhiễm đất:Hoạt động sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường đất (do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...). Nhìn chung môi trường đất đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã thấy xuất hiện nhiều ở trong các mẫu phân tích. Với tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất nông nghiệp như hiện nay thì khó có thể tránh khỏi sự suy thoái tài nguyên đất.
Một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn
Mặc dù được tái lập gần 10 năm nay, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường, mà chưa có quy hoạch môi trường, trong đó có môi trường nông thôn. Xuất phát từ quan điểm, mục tiêu bảo vệ môi trường nông thôn Vĩnh Phúc, căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và định hướng đến 2020, xin đưa ra một số nội dung chủ yếu cần tập trung trong công tác bảo vệ môi trường thời gian tới như sau:
Quy hoạch quản lý, sử dụng nguồn nước
Cần tập trung vào một số biện pháp: Hạn chế đến chấm dứt việc phá rừng làm rẫy cấy lúa nương để phòng chống lũ quét, lũ ống, xói mòn đất và bảo vệ nguồn nước. Khai thác hợp lý và cân đối giữa các nguồn nước: Nước mưa, nước mặt, nước ngầm. Tăng cường sử dụng nước suối, nước ngầm phục vụ sinh hoạt và công nghiệp. Xây dựng quy hoạch tổng thể các lưu vực sông và theo lãnh thổ. Nghiên cứu công nghệ dùng nước thích hợp, kỹ thuật xây dựng công trình giảm tổn thất nước.
Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải
Xử lý nước thải sinh hoạt: Cần tận dụng các ao hồ sẵn có để xử lý nước bằng phương pháp hồ sinh học. Quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Nước thải sinh hoạt phải được xử lý thông qua bể vệ sinh tự hoại, sau đó mới đổ vào nguồn thải chung.
Xử lý nước thải công nghiệp: Tất cả các khu công nghiệp bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng và được quy hoạch trong các dự án xây dựng khi xin phép. Quy hoạch hệ thống xử lý nước thải và rác thải công nghiệp, phân khu chức năng theo mức độ ô nhiễm để kết hợp xử lý nước và rác thải. Nước thải của từng nhà máy đều phải được xử lý theo các quy trình công nghệ phù hợp. Tận dụng nước thải đã qua xử lý để phục vụ nông nghiệp và sử dụng nước hồi quy trong nông nghiệp. Đối với các khu công nghiệp, nước mưa và nước thải phải được bố trí đường thoát riêng.
Quy hoạch, xử lý chất thải rắn
Thu gom và xử lý triệt để các chất thải chăn nuôi quy mô lớn, chất thải y tế phải có lò xử lý. Nơi nào chưa có lò xử lý phải có lực lượng chuyên trách thu gom, vận chuyển riêng các loại chất thải nguy hiểm này để xử lý tập trung. Các chất thải rắn nguy hại bắt buộc phải đăng ký thành phần và nơi phát sinh, phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra. Chất thải công nghiệp cần được phân loại trước khi trung chuyển. Tổ chức phân loại rác tại hộ gia đình. Phân loại riêng các chất thải độc hại, chất thải thông thường, chất thải có thể tái chế… để mang đi chôn lấp, tiêu huỷ hoặc tái chế sử dụng lại. Có các trạm thu gom chất thải nông nghiệp độc hại như chai lọ, bao bì chứa thuốc và hóa chất bảo vệ thực vật. Cần quy hoạch thiết kế và xây dựng các bãi thải và vị trí đổ thải phù hợp. Giám sát và quản lý các bãi chứa thải, kiểm soát mức độ gây ô nhiễm, nguy cơ trượt lở đất và trôi lấp bãi thải. Đẩy mạnh việc áp dụng sản xuất sạch trong nông nghiệp. Có biện pháp phục hồi và tái tạo các khu đất bãi thải…
Quy hoạch hệ thống các khu nghĩa trang, nghĩa địa
Trước khi xây dựng, các cấp phải lưu ý đến quy hoạch nghĩa trang nhằm sử dụng có hiệu quả đất đai và đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tất cả các nghĩa trang đều phải được xây dựng theo quy hoạch chung và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mỗi dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa mới đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế các phương án thoát nước, xử lý nước thải. Không quy hoạch khu nghĩa trang, nghĩa địa mới gần khu vực dân cư.
Quy hoạch hệ thống các điểm quan trắc môi trường
Bao gồm các điểm quan trắc môi trường nước mặt, nước ngầm, môi trường đất, môi trường khu công nghiệp, môi trường đô thị... để đo các chỉ tiêu, phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm và giám sát môi trường.
Vĩnh Phúc là một tỉnh mới được tái lập có tốc độ phát triển công nghiệp cao, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, để giải quyết hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, việc xây dựng quy hoạch môi trường tỉnh, đặc biệt là quy hoạch môi trường nông thôn đến năm 2010, định hướng đến 2020 là rất cần thiết. Việc quy hoạch môi trường nông thôn sẽ đưa ra các định hướng có tính chiến lược, các chương trình hành động ưu tiên để giải quyết tốt nhất các vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo nên môi trường sống trong sạch và không ngừng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.