Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 27/11/2014 16:10 (GMT+7)

Một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm Hồ Tây

Kiểm soát dòng chảy ra vào của hồ

Ở góc độ môi trường, một thủy vực có lịch sử hình thành từ lâu đời như Hồ Tây thì nguồn dinh dưỡng ngoại lai sẽ là nguồn dinh dưỡng chủ yếu, quyết định mức dinh dưỡng và chất lượng môi trường nước của thủy vực. Kiểm soát được dòng chảy ra vào của hồ sẽ giải quyết được vấn đề hạn chế nguồn dinh dưỡng bên ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo chất lượng nước cũng như hệ sinh thái bên trong hồ.

Theo ông Lê Hùng Anh – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, kiểm soát dòng chảy ra vào cũng bao gồm cả kiểm soát dao động của mực nước. Và dao động mực nước là yếu tố quyết định của thủy học, đặc biệt là đối với hồ nông như Hồ Tây, những hồ nông thường rất nhạy cảm với mực nước thay đổi nhanh. Bởi vậy, dao động mực nước có một tác động to lớn tới hệ sinh thái, hoạt động chức năng và quản lý hồ nước nông.

Theo ông Hùng Anh, muốn kiểm soát được dòng nước chảy vào hồ, trước tiên cần nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cấp, thoát nước cho Hồ Tây. Cần thu gom tất cả các nguồn nước thải từ những cơ sở sản xuất, khu dân cư đang thải trực tiếp vào Hồ Tây và dẫn ra khu vực khác hoặc đưa về nhà máy xử lý nước thải trước khi đưa nước trở lại hồ.

Thứ hai là cần thực hiện nguyên tắc nước thải không được xả trực tiếp xuống hồ nếu chưa qua xử lý. Hiện nay, nguyên nhân chính là do các nhà hàng nổi trên hồ thường xả nước thải trực tiếp xuống hồ. Điển hình là tại các nhà nổi gần đường Thụy Khuê, nước ở đây bốc lên mùi hôi thối quanh năm, nền đáy chỉ có rác thải hữu cơ, động vật đáy chỉ có giun ít tơ và ấu trùng muỗi lắc. Nếu không quản lý được việc bảo vệ môi trường hồ của các nhà hàng này thì nên đóng cửa tất cả các nhà hàng đó.

Một điểm nữa, đó là các biện pháp cải tạo ô nhiễm cho Hồ Tây như trông cây thủy sinh, xử lý bùn… chỉ là các giải pháp thứ yếu, chỉ có thể đảm bảo được chất lượng nước tức thời. Giải pháp chính là ngăn chặn tất cả các nguồn nước thải xả trực tiếp xuống hồ. Nếu làm được điều đó thì không cần đến sự can thiệp của con người, chất lượng nước Hồ Tây sẽ được cải thiện đáng kể do khả năng tự làm sạch của các hồ lớn là rất cao.

Xử lý ô nhiễm nước bằng các phương pháp điều khiển sinh học

Theo ông Hùng Anh thì có rất nhiều biện pháp điều khiển sinh học đã được áp dụng thành công trong phục hồi các hồ ô nhiễm ở vùng ôn đới.

Trước tiên là kiểm soát mật độ tảo độc hại, đó là kiểm soát cách điều khiển hay biến đổi sinh khối và độ phong phú của chúng. Để kiểm soát lâu dài sinh khối của tảo cần giảm mạnh dinh dưỡng của cột nước, trong đó kiểm soát phospho là chủ yếu bởi vì phospho là nguồn dinh dưỡng giới hạn của tảo.

Một trong những phương pháp điều khiển sinh học để hạn chế mật độ của tảo là tăng cường tính đa dạng cũng như mật độ các loài động vật nổi kích thước lớn ăn thực vật. Các loài động vật nổi lớn ăn lọc có tác dụng hạn chế sự phát triển bùng phát của thực vật nổi.

Các nhà hàng, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm (ảnh internet)
Các nhà hàng, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm (ảnh internet)

Ngoài ra, còn có thể trông cây thủy sinh. Cây thủy sinh có ba dạng: loại nổi hoàn toàn trên mặt nước như bèo tây, bèo tấm, bèo ván, bèo hoa dâu, bèo ong, rau muống bè..; loại nửa nổi nửa chìm hay bán ngập như sen, súng..; và loại ngập hoàn toàn trong nước như rong đuôi chó, rong tóc tiên, rong ráp…Tuy nhiên, cũng cần lựa chọn một cách cẩn trọng bởi vì thực vật thủy sinh thường phát triển nhanh nên nếu không kiểm soát được sẽ gây tác động người làm ảnh hưởng đến sinh thái và cảnh quan của hồ. Mặt khác, rễ của một số cây thủy sinh tiết ra các chất khác nhau và việc nghiên cứu để xác định các chất tiết ra là chất gì và ảnh hưởng của chúng ra sao hiện vẫn chưa có đánh giá về mặt khoa học, ông Hùng Anh cho biết.

Ông Hùng Anh chia sẻ, trong số những loài cây thủy sinh, chúng tôi đề xuất trồng thử nghiệm một số cây như sen hoa các màu, hoa súng, rong đuôi chó, rong tóc tiên, rong ráp. Cụ thể là sẽ trông khoảng 5 ha sen, súng ở những nơi ven hồ có nước và nền đáy phù hợp. Một diện tích nhỏ hơn, bao gồm khoảng 1 ha sẽ trồng rong các loại ở những vùng nước nông và nền đáy thích hợp, các cửa cống có nước thải đổ vào hồ. Các cây thủy sinh này được trồng trong các làn nhựa, ghép thành bè mảng bằng khung nhôm không rỉ. Số cây này sẽ được chăm sóc, bảo vệ, theo dõi, kiểm soát sự sinh trưởng, phát triển cũng như đánh giá khả năng cải tạo môi trường nước.

Xử lý ô nhiễm bằng vi sinh vật

Phần lời mùi hôi xuất phát từ đáy hồ là do khí H 2S. Khí H 2S có mùi trứng thối và cực kỳ độc, hình thành từ các chất hữu cơ chứa lưu huỳnh lắng tụ do vi sinh vật phân hủy trong điều kiện yếm khí. Nồng độ H 2S cao nhất ở lớp bùn đáy. Tác hại của H 2S là gây thiếu hụt oxy trầm trọng, tác động rất xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của các động vật thủy sinh.

Các vi sinh vật từ chế phẩm vi sinh này sẽ sử dụng sulfate cũng như các loài vi khuẩn khác sử dụng nitrate trong quá trình hô hấp yếm khí của chúng. Dưới tác động của các quá trình phân hủy của vi sinh vật, các chất gây ô nhiễm sẽ bị phân hủy, mùi hôi thối được giảm đáng kể và cải thiện điều kiện môi trường sống cho các loài thủy sinh trong hồ.

Cải tạo nâng cao chất lượng bùn

Ông Hùng Anh cho biết, những hồ nông thường kém nhạy cảm với việc giảm nguồn dinh dưỡng bên ngoài bởi vì các mối tương tác đáy – khơi có xu hướng duy trì mức dinh dưỡng cao. Trái ngược với sự phân tầng ở hồ nước sâu, các chất dinh dưỡng được giải phóng từ nền đáy của hồ nước nông ảnh hưởng đến toàn bộ cột nước. Đối với các nước nông, chất dinh dưỡng có thể được tạo ra rất nhiều từ các xáo trộn sinh học, khuấy động của gió, những tác động của bong bóng khí, độ pH cao do quang hợp mạnh. Do đó, giảm nguồn dinh dưỡng bên ngoài là cần thiết nhưng không đủ để phục hồi những hồ nông như Hồ Tây. Mặt khác, lớp bùn ở Hồ Tây hiện rất dày, trung bình là 1m, có nơi lên tới 2m và nhiều khu vực tích tụ một lượng lớn rác thải. Vì vậy việc xử lý nền đáy cho Hồ Tây là thực sự cần thiết.

Ý thức của người dân là nhân tố để tạo nên ô nhiễm Hồ tây (ảnh internet)
Ý thức của người dân là nhân tố để tạo nên ô nhiễm Hồ tây (ảnh internet)

Công việc nạo vét bùn đáy hồ có khía cạnh tích cực là gia tăng độ sâu của hồ làm tăng khả năng tự làm sạch nước hồ, nhưng nếu nạo vét hết bùn đáy lại làm mất đi nguồn sinh vật đáy là tác nhân phân hủy hữu cơ trong quá trình khoáng hóa, cân bằng môi trường và sinh thái lớp trầm tích, khối nước trong hệ sinh thái hồ. Hơn nữa, đối với những hồ lớn như Hồ Tây, chi phí cho việc nạo vét bùn sẽ rất lớn. Do đó, tiến hành biện pháp nạo vét bùn ở Hồ Tây sẽ khả thi khi kinh phí cho phép, có thể tiến hành nạo vét từng phần và với một diện tích nhất định ở những khu vực nền đáy bị ô nhiễm nặng, mực nước thấp như ở các vùng gần cửa cống thải quanh hồ, ông Hùng Anh cho biết.

Từ những giải pháp nêu trên là cơ sở đề nghị các cấp quản lý ở thành phố Hà Nội cần có những phương hướng vận dụng, triển khai nhằm phát huy tối đa các tiềm năng vị thế của Hồ Tây trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội theo xu thế bền vững.

Với điều kiện thực tế, Hồ Tây cũng như hầu hết các hồ ở nội thành Hà Nội nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc. Bởi vậy, với cách tiếp cận hệ sinh thái, vì vai trò của cộng đồng địa phương là một trong các bên liên đới trong việc tham gia quy hoạch sử dụng, quản lý và bảo vệ môi trường hồ là nhân tố quan trọng nhất để duy trì hệ sinh thái hồ phát huy hết chức năng, dịch vụ của mình.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.
Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.