Một quốc gia “Ăn bằng đũa & nói tiếng Pháp”
Nhưng riêng với quan hệ Việt – Pháp, thời gian không chỉ là 40 năm mà có một hệ lụy lịch sử dài lâu hơn nhiều. Không nói đến cam kết giữa chúa Nguyễn Ánh (sau này trở thành Gia Long, vị vua khai lập triều Nguyễn) ký với triều đình Versailles bản thỏa ước 1878, thì cuộc nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng của liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858) có thể là sự kiện đầu tiên, tiếp đó là cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Nam kỳ (Cochinchine) đã dẫn đến những bản hòa ước ký kết giữa nước Pháp của Hoàng đế Npoleon III với Đại Nam của vua Tự Đức liên quan đến sự hình thành thuộc địa ở Nam kỳ.
Tiếp đó là sự thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Trung kỳ (Annam) và Bắc kỳ (Tonkin). Đến cuối thế kỷ XIX một xứ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise), theo chế độ Liên bang bao gồm thêm lãnh thổ của Lào và Campuchia đã hình thành để xác lập chủ quyền của nước Pháp đối với thuộc địa ở vùng đất Viễn Đông này.
Như thế, quan hệ Việt – Pháp đã có gần một thế kỷ chinh phục của chủ nghĩa thực dân để biến Việt Nam thành thuộc địa của nước Pháp trong trào lưu thực dân hóa mạnh mẽ của nhiều đế quốc phương Tây trên các vùng đất xa xôi ở châu Á,châu Phi và Nam Mỹ. Đương nhiên như một hệ quả tất yếu là sự hình thành các phong trào giải phóng chống lại chế độ thực dân của các xứ thuộc địa bị đô hộ lẫn một bộ phận cấp tiến ngay ở chính quốc. Và chính nước Pháp, quê của cuộc cách mạng Tư sản 1789 đã tạo nên một cảm hứng sâu sắc đối với các tầng lớp trí thức, thấm nhuần tinh thần dân tộc và tri thức Tây phương đã tìm đến nước Pháp như cuộc hành hương tìm đến những thần tượng của nền Dân chủ với các tên tuổi của Jean Jacques Rousseau, Montesquieu… và lý tưởng “Tự do – Bình đẳng – Bắc ái”.
Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc (sau này là Hồ Chí Minh) cũng sang Pháp từ cái sức hút đó. Riêng Hồ Chí Minh còn dấn thân sâu hơn vào phong trào cánh tả của nước Pháp để tham gia vào sự thành lập Đảng Cộng sản của chính quốc trước khi trở thành lãnh tụ cộng sản ở nước mình. Như thế công cuộc giải phóng thực dân không chỉ có từ phía những dân tộc bị đô hộ nổi dậy chống chế độ thuộc địa dành độc lập mà còn có những đồng minh ngay trong lòng người Pháp. Hoàn thành quá trình phi thực dân hóa bằng cuộc đấu tranh giải phóng của mình gắn với hai cái mốc lịch sử là cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) và Điện Biên Phù cùng với Hội nghị Geneve (1954), lịch sử Việt Nam vẫn trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân và các lực lượng dân chủ, chống thực dân của Pháp.
Còn có một thực tế khác là, ngay sau khi giành được nền độc lập cho quốc gia mình bằng một cuộc vận động của toàn dân trong bối cảnh thắng lợi của Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít, nước Việt Nam độc lập mà đại diện là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập những quan hệ nhà nước với Cộng hòa Pháp bằng những Hiệp định được ký kết ngày 6-3-1946 quy định mối quan hệ quá độ, cũng như thỏa ước với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet (14-9-1946) nhằm cứu vãn sự tan vỡ của những giải pháp thương lượng hòa bình để điều hòa mối quan hệ giữa một nước Việt Nam vừa giành được độc lập với một nước Pháp vấn chưa hoàn toàn dứt bỏ di sản của chủ nghĩa thực dân.
Cũng không thể không nhắc đến cuộc viếng thăm chính thức và sự có mặt của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên lễ đài ngày Quốc khánh Pháp 14-7-1946 cũng như hơn ba tháng lưu lại nước Pháp, một hành xử hy hữu trong lịch sử ngoại giao thế giới, để tìm kiếm cơ hội hòa bình.
Cho đến lúc hòa bình không thể cứu vãn được vì nhiều lý do từ cả hai phía, thì cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bùng nổ(12-1946) rồi cùng với Chiến tranh Triều Tiên, trở thành những xung đột tiêu biểu của thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cuối cùng cuộc chiến tranh hao tiền tốn xương máu Việt – Pháp cũng kết thúc sau khi quân đội Pháp thất trận tại Điên Biên Phủ, Hiệp định Geneve thực hiện cuộc đình chiến ở Đông Dương được ký kết và nước Pháp chấm dứt sự có mặt của mình ở miền Bắc Việt Nam (1955) để rồi rút lui hoàn toàn liền sau đó(1956).
Có một sự kiện mang nhiều ý nghĩa, cùng lúc với sự ra đi của quân đội viễn chinh Pháp khỏi miền Bắc Việt Nam là sự trở lại của các nhà ngoại giao Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Jean Sainteny, người đã từng theo dõi những hoạt động của các nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc tại thành phố Tours (1920), cũng là nhà thương lượng thay mặt nước Pháp ngay sau khi nhà cách mạng ấy đã trở thành nguyên thủ của nước Việt Nam độc lập(1945), rồi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp (1946)… nay trở tại Hà Nội với tư cách là Tổng đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp.
Trong hồi ức của mình, nhà ngoại giao này đã thuật lại phút đầu tiên khi ông gặp vị nguyên thủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nơi làm việc vốn là Phủ Toàn quyền Pháp thời thuộc địa. J.Sainteny rất ngạc nhiên khi thấy người đứng đầu của quốc gia vừa thắng trận đã cởi mở giang rộng tay đón người đại diện cho nước Pháp bằng lời chào thân thiện: Bây giờ là lúc chúng ta hợp tác với nhau…
Từng bước một, quan hệ Việt – Pháp được xây đắp lại dù trong bối cảnh còn băng giá bởi Chiến tranh lạnh và nước Mỹ đang dấn sâu vào cuộc chiến tranh ở miền Nam rồi mở rộng ra miền Bắc bằng các cuộc oanh kích của không quân và hải quân và đã có lần dội bom xuống Cơ quan đại diện của Chính phủ Pháp tại Hà Nội (1972). Và lịch sử quan hệ quốc tế không thể không nhắc tới bài phát biểu quan trọng của Tổng thống De Gaulle tại Thủ đô Phnômpênh của Campuchia vào năm 1996. Vị nuyên thủ của một nước Pháp đóng vai trò hoàn tất công cuộc giải thực dân với sự tác động của sự kiện Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến của nhân dân Algerie đã lên tiếng khuyên nước Mỹ hãy sớm rút ra khỏi vũng lầy chiến tranh ở Việt Nam. Nước Pháp bằng trải nghiệm lịch sử của mình không chỉ thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa trên những thuộc địa cũ của mình mà còn góp phần vào một trật tự thế giới mới không còn những tàn dư của chủ nghĩa thực dân.
Sau khi Mỹ đã rút khỏi cuộc chiến tranh trực tiếp ở Việt Nam bằng việc ký kết bản Hiệp định Paris, địa điểm mà Chính phủ Pháp tạo điều kiện để thúc đẩy cuộc hòa đàm giữa các bên tham chiến ở Việt Nam, năm 1973 nước Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 3 năm sau đó với nước Việt Nam thống nhất. Xin được nhắc lại rằng, những di sản của chủ nghĩa thực dân đã được xóa bỏ một cách triệt để từ cả hai phía cuộc đấu tranh của các dân tộc bị thực dân hóa, mà tiên phong là dân tộc Việt Nam cũng như của chính nước Pháp trong tiến trình đóng góp vào quá trình thúc đẩy xu thế Dân chủ trên phạm vi toàn thế giới…
Vào thời điểm nước Pháp rút khỏi chính trường Việt Nam, trong số những ký kết với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cộng hòa Pháp đã lần lượt bàn giao lại cho phía Việt Nam quản lý một số “di sản của thời thuộc địa”, đó là những cơ sở y tế, khoa học, giáo dục và phúc lợi xã hội ví như các bệnh viện, viện Pasteur, tài sản khoa học của Trường Viễn Đông Bác cổ và Tòa bảo tàng mang tên Louis Finot, các cơ sở của Viện Pasteur, Thư viện và Lưu trữ Đông Dương cũ…
“Thời thuộc địa” một khái niệm lịch sử được ấn định thời gian từ khi nền quân chủ Việt Nam mất chủ quyền và nước Pháp không chỉ tổ chức nền cai trị thuộc địa mà còn đại diện ngoại giao cho nước Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Chế độ thuộc địa về căn bản đã chấm dứt khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945. Với nước Pháp có thể xác nhận thời điểm trao trả “chủ quyền” cho cựu Hoàng Bảo Đại(1948), nhưng về căn bản là nó đã bị giải thể. Nhưng những “di sản thuộc địa” còn được nhận thức như những gì mà nước Việt Nam độc lập được kế thừa như những di sản của quá khứ-thời thuộc địa-để lại.
Đó là một giá trị đồ sộ gắn với quá trình du nhập nền văn minh của nước Pháp, hiện thân của văn minh phương Tây vào Việt Nam. Có thể nói, sự hiện diện của nước Pháp bắt nguồn từ những mục tiêu thực dân phản động, nhưng khách quan công cuộc khai thác thuộc địa đã mang lại cho nước Việt Nam những thay đổi vô cùng to lớn tạo những tiền đề rất cơ bản để nước Việt Nam truyền thống thoát dân khỏi những di sản đã lỗi thời tồn tại cả thiên niên kỷ chịu ảnh hưởng phương Bắc, để tiếp nhận nhiều thành tựu vê khoa học, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật của phương Tây, tạo tiền đề để một nước Việt Nam độc lập có thể tiếp cận với thế giới hiện đại.
Hệ thống giao thông vận tải phi truyền thống với các phương tiện và phương thức đi lại hoàn toàn mới; những thành tựu kiến trúc và quy hoạch đô thị chưa từng có cùng nền công nghệ mới mẻ; một nền giáo dục hoàn toàn khác trước và có khả năng tiếp cận với thế giới tri thức hiện đại; một cấu trúc xã hội tuy vẫn duy trì những yếu tố của xã hội truyền thống nhưng có cở sở để thay đổi theo xu thế hiện đại và hội nhập với thế giới; một đời sống xã hội nhiều thay đổi bởi những cấu trúc dân cư hiện đại với các nguồn nhân lực thoát ly khỏi nông thôn, tầng lớp thị dân và trí thức tân học cùng với lối sống mới gắn với các trào lưu văn hóa, nghệ thuật phương Tây được quảng bá trên nền tảng ngôn ngữ tiếng Pháp thông dụng trong xã hội thượng lưu cùng với sự phổ biến chữ Quốc ngữ trong dân chúng… Và ngay cả trên phương diện ngoại giao, nước Pháp hoạch định đường biên giới với Trung Hoa với các nước láng giềng cũng như tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo…
Ở trên thượng tầng xã hội, các tư tưởng và học thuyết chính trị của xã hội hiện đại có cơ sở du nhập và được tiếp nhận trong đời sống của các tầng lớp xã hội thuộc địa. Bên cạnh xu hướng Tây hóa và mại bản, thì nhân tố mới mẻ của thời đại trong đó có nền Dân chủ của phương Tây với những nhân tố tích cực của nước Pháp thời Mặt trận Bình dân (1936-1939) làm tăng thêm những năng lực tinh thần mới cho người Việt Nam. Chính những nhà cai trị thực dân Pháp nhận ra rằng “con đường sang Pháp là con đường trở lại chống nước Pháp”. Và không phài tự nhiên mà trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi nhắc đến đoạn trích bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776 cũng không quên nhắc tới cái nguyên lý bất hủ của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp năm 1972 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng”.
Cho dù ngày hôm nay. ở Việt Nam, tiếng Pháp chỉ còn là một ngoại ngữ trong số nhiều ngoại ngữ đang được giảng dạy tại các trường học. Hiện nay, số người học tiếng Pháp đã thua xa số người học Anh ngữ và cả Hoa ngữ…nhưng nước Việt Nam vẫn là một quốc gia có mặt trong cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp (Francophone).
Đến nay mọi người Việt Nam khi thực hiện một hành vi tối quan trọng là ăn, đều dùng đũa, mặc dù đã có nhiều người đã quen dùng đến thìa, nĩa. Nước Việt Nam vẫn xếp mình vào hàng ngũ các “quốc gia ăn bằng đũa”, đặc trưng của các nước ở Đông Á, chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa.
Việt Nam là một quốc gia đã có ngót một thế kỷ là thuộc địa của nước Pháp. Việt Nam cũng lại là một quốc gia có hơn một thiên niên kỷ bị coi là “quận, huyện” của Trung Hoa. Nhu thế ăn bằng đũa và nói tiếng Pháp là hai dấu ấn gắn với những thời kỳ lịch sử đen tối, thời kỳ Việt Nam bị ngoại bang đô hộ. Nhưng ăn bằng đũa và nói tiếng Pháp lại cũng là hai di sản văn hóa của hai khối văn minh Á và Âu mà người Việt Nam đã tiếp nhận trên tiến trình lịch sử của mình.
Đólà một cách tiếp cận khi nhìn nhận về những đóng góp của nước Pháp đối với dân tộc Việt Nam qua những trải nghiệm của mối quan hệ Pháp – Việt trong lịch sử.