Một nông dân say mê sáng tạo
Bùi Văn Võ sinh năm 1960, tại xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên). Năm 1979, anh tham gia quân ngũ đóng quân tại Hà Bắc. Năm 1982, sau khi xuất ngũ trở về quê hương anh lập gia đình cùng vợ sản xuất nông nghiệp. Với bản tính linh hoạt, nhanh nhẹn, năm 1992, nắm bắt thấy nhu cầu của bà con về dụng cụ sản xuất, anh quyết định mở lò rèn tại nhà. Từ khi có việc làm ổn định anh luôn tìm tòi, học hỏi để cải tiến các dụng cụ phục vụ sản xuất một cách hiệu quả nhất. Từ thực tế, xã anh và các vùng lân cận trồng nhiều sắn, khoai, nhưng đến vụ phải cắt thủ công rất chậm, nhiều lúc không kịp phơi nắng anh nảy ra ý định làm một chiếc máy để giúp bà con đỡ vất vả. Sau nhiều lần thử nghiệm, niềm vui đến với anh khi sáng kiến đầu tiên được sử dụng hết sức hiệu quả. Chiếc máy cắt sắn do anh làm mỗi giờ có thể cắt từ 2 – 3 tạ sắn, khoai giúp cho bà con tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhân lực. Chiếc máy rất đơn giản, được tận dụng từ các vật liệu như bánh, may ơ xe đạp hỏng nhưng hiệu quả lại cao. Không chỉ trong xã mà các xã lân cận sau khi sản phẩm ra lò đã tìm đến đặt hàng, công việc có những lúc làm không xuể. Chỉ tính trong thời gian 4 năm từ 1995 đến 1999, anh đã sản xuất gần 300 chiếc máy cắt để phục vụ bà con nông dân.
Không dừng lại ở đó, anh nông dân say mê sáng tạo này lại tiếp tục cải tiến các dụng cụ khác, từ liềm, hái, dao cắt đến vật dụng gia đình, cho phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng của bà con. Thấy bà con sau gặt mùa phải dùng liềm để cắt gốc rạ trên ruộng, anh đã nảy sinh ý định chế tạo bàn cắt để tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả công việc. Sau nhiều lần mày mò, thử nghiệm, năm 2002, anh chế tạo thành công chiếc bàn cắt rạ, vừa gọn nhẹ, dễ sử dụng vừa giúp bà con nâng năng suất lao động trong công việc. Bàn cắt rạ của anh có thể tăng hiệu quả gấp 3 – 4 lần so với dùng liềm, hái. Một lần nữa sản phẩm của anh lại được nhiều người dân ưa chuộng, đặt hàng, tính đến thời điểm này anh đã sản xuất và bán ra hơn 150 sản phẩm.
Được sự động viên của nhiều người, anh Võ đã gửi sản phẩm của mình tham gia Hội thi STKT huyện. Đánh giá cao sáng kiến của người nông dân, Ban Tổ chức Hội thi huyện Cẩm Xuyên quyết định trao giải Nhất cho anh, đồng thời lựa chọn sản phẩm này tham gia Hội thi toàn tỉnh và anh được trao giải Nhì, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ban Tổ chức Hội thi toàn tỉnh lần thứ IV (2006 – 2007) đã quyết định lựa chọn sáng kiến của anh cùng 3 đề tài khác tham gia Hội thi toàn quốc lần thứ IX. Khi nhận xét về sáng kiến này ông Lê Công Lương – Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, đã nói: “ Chúng tôi trân trọng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là của những người nông dân. Họ không có điều kiện tốt để nghiên cứu, sáng tạo nhưng sản phẩm của họ thực sự có hiệu quả với đời sống. Có thể sáng kiến của họ chưa phải lớn nhưng sẽ hơn rất nhiều, rất nhiều những đề tài khác sau khi chấm chỉ để trưng bày trong tủ kính, không có tính áp dụng thực tế. Mục đích chính của Hội thi là nhằm phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo trong quần chúng, nhân dân và chúng tôi sẽ thực hiện đúng theo tinh thần này”.