Một nông dân mê chế tạo máy
Để làm chiếc máy này, lúc đầu ông Tám tự mua vật liệu về thuê thợ hàn các chi tiết. Tuy niềm say mê cháy bỏng nhưng trình độ chỉ “lớp hai trường làng”, không thạo về cơ khí, vốn liếng lại eo hẹp nên ông đã tìm đủ mọi cách để xoay xở. Nhiều lúc vất vả tưởng chừng như không vượt qua nổi nhưng ông vẫn kiên trì lắp ráp, thử nghiệm, cứ thế làm đi làm lại trên 10 lần chiếc máy mới vận hành theo ý muốn.
Với tính năng đặc biệt nhằm phục vụ hữu hiệu cho công việc đồng áng, chiếc máy vét bùn đầu tiên của ông Tám đã đoạt giải III “Hội thi sáng tạo kỹ thuật” năm 2011 do Liên đoàn lao động TP. Cần Thơ tổ chức. Hôm gặp chúng tôi, ông xúc động nhớ lại: “Mặc dù sức khỏe yếu kém nhưng tôi đã đem hết tâm huyết để khai sinh ra nó. Lúc đầu tôi làm lén lút không cho ai biết, kể cả bạn bè và thợ hàn tôi cũng giấu kín, sợ người ta chê “tôi khùng”. Đến khi thử nghiệm thành công, ai nhìn thấy cũng trầm trồ khen ngợi làm tôi hãnh diện và vô cùng hạnh phúc”.
Chiếc máy vét bùn của ông Tám có hộp số, động cơ, quan trọng nhất là giàn khoan hút bùn với 2 hai vòi phun bùn hai bên dài 1,3 m. Ưu điểm của chiếc máy này là không quá cồng kềnh, dễ điều khiển lại tiết kiệm được nhiên liệu, có thể hoạt động trên mọi địa hình, chi phí rẻ. Tùy theo loại đất, máy có thể hoạt động với công suất 150 m3/giờ; 300 m3/giờ và 450 m3/giờ, cao gấp 10 lần so với lao động thủ công. Từ khi có máy vét bùn, nhiều người mua chạy gia công với giá 1.000 đồng/m3, thu nhập bình quân mỗi năm trên 50 triệu đồng.
Hiện nay, ông Tám đã trang bị được máy hàn, máy cưa, máy mài để tự làm giàn khoan tại nhà, không cần phải mướn thợ. Kể từ khi chiếc máy đầu tiên ra đời đến nay ông đã bán được 42 chiếc cho hầu hết các tỉnh ở ĐBSCL với giá dao động từ 25 - 30 triệu đồng/chiếc.