Một nhà khoa học - một người thày tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo đại học
Con đường đạt tới đỉnh điểm vinh quang mà một người thày có thể đạt được ông đã phải đi gần trọn cuộc đời, cống hiến hết mình theo đúng nghĩa của nó trong gần nửa thế kỷ, chỉ gắn với một mái trường, không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”.
Giáo sư Hoàng Trọng Yêm sinh ra trên một miên quê mà thiên nhiên không ban tặng nhiều ưu ái như những vùng quê khác: đó là Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Binh, cái “eo thắt đáy lưng ong” của đất nước ta, con người ở đây luôn được trời đất thử thách lòng dũng cảm với nắng lửa biển Đông và gió Tây khô khát từ Lào vượt dẫy Trường Sơn thổi tới.
Ông là lớp người lớn lên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những năm 1946 đến 1954, quê hương ông chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến. Cùng với “Bình - Trị - Thiên khói lửa”, “gian lao mà anh dũng”, năm 1950 ông rời làng quê lên vùng rừng núi phía Tây Quảng Bình (huyện Tuyên Hoá, khi đó là vùng tự do của ta) để theo học tại trường cấp 2 Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh kháng chiến hết sức khó khăn, gia đình không thể cung cấp cho việc học tập, bằng nghị lực của mình, cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, cậu học trò nhỏ thó ấy đã phải tự lao động cật lực ngoài giờ học để kiếm sống. Ròng rã 4 năm trời đèn sách trong kháng chiến với biết bao thiếu thốn, chàng thanh niên đầy nghị lực ham học hỏi đó đã học xong chương trình cấp 3 của trường Phan Đình Phùng Hà Tĩnh, trường Sư phạm trung cấp Liên khu 4 và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hoá học vào loại ưu, Hoàng Trọng Yêm được điều về làm cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Và kể từ đó, tháng 8 năm 1957, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là nơi duy nhất mà suốt đời ông gắn bó. Từ một cán bộ giảng dạy còn nhiều bỡ ngỡ trên bục giảng của giảng đường đại học, ông đã cùng các đồng nghiệp phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực kèm cặp lẫn nhau, tự làm dụng cụ thí nghiệm, tự biên soạn tài liệu làm giáo trình, đã trưởng thành một cách “rất cơ bản” và “tuần tự”: Chủ nhiệm bộ môn Hoá hữu cơ, Chủ nhiệm Khoa hoá - Thực phẩm rồi Hiệu trưởng nhà trường. Chính dưới mái trường này đã tạo điều kiện cho ông đi học tập, thực tập khoa học, cộng tác viên ở nước ngoài nhiều lần (nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Luận án PTS và TS - nay là TSKH - ở Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô) để trở thành nhà khoa học có tên tuổi, nhà giáo có uy tín được đồng nghiệp đánh giá cao và nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh kính trọng.
Gần nửa thế kỷ liên tục đứng trên bục giảng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một ngôi trường đại học khoa học và công nghệ có uy tín hàng đầu của quốc gia (trừ thời gian đi thực tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài), ông đã dồn hết tâm huyết cho công tác giảng dạy, truyền thụ một cách đầy nhiệt tình, tường tận những kiến thức của môn khoa học ông nghiên cứu cho các lớp sinh viên, góp phần đào tạo nên nhiều kỹ sư khoa học công nghệ và không ít trong số họ noi theo gương ông miệt mài nghiên cứu trở thành những nhà khoa học tài năng hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quản lý. Ngay cả khi ông được bầu làm hiệu trưởng, tuy bận rất nhiều công việc tổ chức, quản lý, song ông vẫn dành thời gian để lên lớp cho sinh viên, nghiên cứu sinh. Giờ đây, đã ở cận kề cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn rất say mê truyền thụ kiến thức, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho những nhà khoa học trẻ và những nghiên cứu sinh với tấm lòng đầy nhiệt huyết như ngày còn trai trẻ.
Ngoài nhiệm vụ trực tiếp lên lớp cho các khoá sinh viên từ 1957 đến nay, ông còn là người hướng dẫn cho 18 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ hoá học và hiện thời đang hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh khác. Tham gia làm chủ tịch hoặc uỷ viên Hội đồng phản biện trong 10 hội đồng bảo vệ Luận án Tiến sỹ khoa học, trên 50 Hội đồng bảo vệ Luận án Tiến sỹ; Cố vấn cho 2 Luận án Tiến sỹ khoa học; Chủ biên 4 quyển sách Hoá học hữu cơ. Ông đã có 21 năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Mặc dù rất bận bịu với công tác đào tạo, GS Hoàng Trọng Yêm vẫn không ngơi công tác nghiên cứu khoa học. Ông là tác giả của hơn 100 bài báo và tham luận khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước, ở các hội nghị trong nước và quốc tế; bốn sáng chế phát minh được Cục sở hữu công nghệ cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả. Trong đó có 6 công trình nghiên cứu được đưa vào sản xuất thử nghiệm và sản xuất hàng hoá (như “Sản xuất Silicagel hạt tròn, Tổng hợp Zeolit từ nguyên liệu cao lanh Việt Nam”, “Tổng hợp Hydroxit Nhôm dạng bemit và g Al 2O 3sử dụng cho quá trình lọc hoá dầu”, “Chiết tách màu vàng từ quả dành dành, quả điều nhuộm, chất màu đỏ từ huyết giác sử dụng làm chất màu trong công nghiệp thực phẩm”, “Bán sản xuất phân bón qua lá”, “Tổng hợp thành công chất đậu quả, chất kích thích ra rễ”, “Sản xuất các chất tẩy rửa”). Ngoài ra ông còn tham gia nhiều công trình khoa học cấp Nhà nước, chủ biên chương trình KC - 06 hoá chất và hoá dầu, tham gia biên soạn một số tài liệu khoa học…
Năm 1988, GS. TSKH Hoàng Trọng Yêm được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm nay ông được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân và nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, đây không chỉ là phần thưởng đối với riêng ông mà nó còn là niềm vinh dự chung của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đặc biệt là của Khoa Công nghệ hoá học, nơi thày giáo Hoàng Trọng Yêm khởi nghiệp, thành công và gắn bó suốt đời.
Ngày lại ngày, chúng ta vẫn bắt gặp một “ông già” đầu tóc bạc phơ đi chiếc xe đạp cà tàng từ khu Nam Thành Công về phố Đại Cồ Việt nơi trường Đại học Bách khoa Hà Nội toạ lạc, một cách cần mẫn, thưa đó là thày Hoàng Trọng Yêm. Niềm đam mê truyền thụ kinh nghiệm và kiến thức cho những nhà khoa học chân chính của tương lai vẫn chưa nguôi ngoai trong ông.
Nguồn: Hoá học & Ứng dụng, số 1 - 2003, tr 6