Một nhà khoa học gốc Việt là chuyên gia cao cấp của Úc
Ông là nhà khoa học gốc Việt đầu tiên được nhận chức danh cao quí này.
Để được bổ nhiệm chức danh trên, các ứng cử viên phải hoàn tất một đơn xin đề bạt cho ủy hội. Ủy hội sẽ thành lập hội đồng xét duyệt mỗi năm và duyệt đơn.
Tiêu chí duyệt đơn không cứng nhắc theo một tiêu chuẩn nào vì thường chỉ nhắm vào 5% số ứng cử viên cho mỗi năm (trung bình con số nộp đơn hằng năm là 2.000), tập trung chủ yếu vào các tiêu chí sau: Thứ nhất là năng suất nghiên cứu khoa học, thông qua con số nghiên cứu khoa học được công bố ở phạm vi quốc tế.
Thứ hai là khả năng lãnh đạo nhóm nghiên cứu, thông qua trích ngang về nguồn tài trợ đã thu về cho các dự án.
Thứ ba là uy tín của nhà khoa học trên trường quốc tế, thông qua đóng góp và vai trò trong các hoạt động khoa học chuyên ngành ở tầm quốc tế, bao gồm mức độ ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học đã tiến hành, các hoạt động như được mời thuyết trình, dự các hội thảo cấp cao, chủ tọa hội thảo, thỉnh giảng, mời bình duyệt và đề cử vào ban biên tập của các tập san chuyên ngành quốc tế và các giải thưởng quốc tế.
Tiếp theo là vai trò hướng dẫn các nhà khoa học trẻ, huấn luyện nghiên cứu sinh... Bên cạnh đó, một trong những điểm quan trọng không kém là khả năng cống hiến cũng như năng suất công việc trong tương lai của ứng cử viên đó.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp của chính phủ là một chức danh mơ ước của các nhà nghiên cứu y khoa ở Úc.
Những con số đáng nể
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn không còn xa lạ với nhiều đồng nghiệp Việt Nam do những đóng góp của ông đối với quê hương trong những năm qua. Ở Úc, suốt 15 năm gắn bó với dự án nghiên cứu bệnh loãng xương, ông là chủ nhiệm đề án Nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng và di truyền của bệnh loãng xương - dự án nghiên cứu bệnh này có thời gian theo dõi đối tượng dài nhất trên thế giới (đã 18 năm).
Trong suốt thời gian đó, ông đã đóng góp cho ngành loãng xương thế giới trên dưới 150 bài báo khoa học, có những bài được đăng trên các chuyên san y học uy tín hàng đầu thế giới như Nature, JAMA, The Lancet.
Trong số các nghiên cứu đó có 50 nghiên cứu được trích dẫn trên 50 lần, có những nghiên cứu của ông được đồng nghiệp quốc tế trích dẫn trên 200 lần. Đó là những con số đáng kính nể.
Nhiều số liệu nghiên cứu do ông công bố đã được Tổ chức Y tế thế giới sử dụng để làm tiêu chí nghiên cứu bệnh lý loãng xương. Ông cũng đã được mời làm giáo sư ở Đại học Wright State, Ohio, Mỹ (1998 - 2000) và giáo sư thỉnh giảng ở các trường đại học khác ở Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Thái Lan và nhiều nơi khác.
Ông còn là thành viên hội đồng biên tập của các tập san đầu ngành về bệnh lý xương và chất khoáng của thế giới và đồng tác giả trong các sách giáo khoa kinh điển về loãng xương.
Ông đã đào tạo được một số nhà khoa học trẻ đoạt nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng. Với sự nghiệp đóng góp cho khoa học, ông hoàn toàn xứng đáng được đề bạt chức danh này (bắt đầu từ năm 2008).
Ông là một trong những người châu Á hiếm hoi được đề bạt và trong giới y khoa ông cũng là người Việt đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Úc nhận được vinh dự này.
Đối với Việt Nam, đóng góp đầu tiên và có ý nghĩa của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn phải kể đến là việc xuất bản cuốn sách về chất độc da cam ( Chất độc da cam, Dioxin và Hệ quả, Nhà xuất bản Trẻ, 2004), trong đó ông đã tập hợp các dữ kiện thành bằng chứng khoa học cụ thể về những tác hại của chất độc da cam lên sức khỏe con người.
Cuốn sách ra đời đúng vào dịp các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam chuẩn bị thủ tục để kiện các công ty hóa chất ở Mỹ và đã gây một tiếng vang sâu rộng.
Cuốn sách này sau đó được các đồng nghiệp quốc tế dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh. Liên tục trong những năm sau đó, GS Tuấn đã cho xuất bản thêm 5 đầu sách y khoa nữa, các sách của ông đều thuộc loại bán chạy ở Việt Nam .
Ngoài ra, GS Tuấn còn là cố vấn tích cực của Hội Loãng xương TP.HCM, cố vấn cho nhiều công trình nghiên cứu về bệnh lý này trong nước.
Nguồn: tienphong.vn 22/10/2007