Một nhà giáo có nhiều sáng kiến khoa học
Một người say mê sáng tạo
Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Duy Tiến (sinh năm 1952) lên đường nhập ngũ. Trở về, anh tiếp tục học tại Đại học Tổng hợp (khoa Toán). Ngay từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Duy Tiến đã làm bạn bè nhiều lần phải ngạc nhiên bởi những sáng kiến độc đáo của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1980, anh về nhận công tác tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp Dạy nghề tỉnh Hải Dương. Vào thời gian ấy, Trung tâm có nhiều máy móc mới do UNICEF tài trợ. Như "bắt được vàng", ngoài thời gian giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Duy Tiến lại lao vào say sưa tìm tòi, sáng tạo.
Sáng kiến đầu tiên đáng phải nói đến là chiếc xe máy tự chế vào năm 1981. Với chiếc xe này, thầy Tiến đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn cả số tiền có thể mua một chiếc xe máy mới để mua 1 động cơ xe D4 (của Liên Xô) và 4 bộ khung xe mô tô... Mặc dù sau đó, kế hoạch chế tạo xe máy cho riêng mình bị phá sản, nhưng điều đó không làm thầy Tiến nản chí.
Năm 1984, sáng kiến của ông về "Máy biến thế tự ngẫu" đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu sáng tạo kỹ thuật. Sau đó, sản phẩm này đã được Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đặt mua với số lượng lớn, phục vụ cho việc lắp đặt giá phối tuyến trong mạng thông tin liên lạc.
Thời còn bao cấp, điều kiện kinh tế khó khăn - sống trong gian nhà tập thể của giáo viên vô cùng chật chội, ông nảy ra ý định làm kem nhưng khổ nỗi máy làm kem thời đó "kêu" to quá. Ông bèn nghĩ ra cách đào hố chôn giàn nóng xuống đất và nối dài đường ống vào nhà với giàn lạnh, giảm thiểu độ ồn cho khu tập thể...
Ông tâm sự: "Những sáng kiến của mình đều từ thực tế mà ra, một vài công trình nhờ qua thư đặt hàng...". Có lần, bức xúc vì bị ngộ độc do ăn phải giò chả không đảm bảo vệ sinh, ông đã chế tạo ra máy đo nồng độ hàn the và xác định thịt ôi. Ý tưởng nảy ra khi ông quan sát học sinh của mình đo điện trở của người: Có người điện trở tới 2 triệu ôm, có người chỉ khoảng 500.000 ôm. Điện trở yếu sẽ bị điện giật mạnh hơn. Phương pháp này đã được ông ứng dụng trong việc làm ra sản phẩm sáng tạo của mình: Dùng đồng hồ vạn năng, lắp thêm mạch bán dẫn nâng nguồn điện từ 90 vôn lên xấp xỉ 200 vôn, dòng điện ấy ở tần số cao cho phóng qua 2 điện cực khác nhau cắm vào miếng thịt lợn sẽ cho biết ngay kết quả. Máy đo của ông chỉ cần 3 vạch: Đỏ (thịt tươi), xanh (thịt ôi), đen (thịt đã thối). Kế tiếp, ông tiến hành trên giò để đo nồng độ hàn the và cũng cho kết quả chuẩn xác.
Rồi những lần đi giảng bài cho học viên về điện nông thôn, thấy nhiều nơi có những "thủ thuật" ăn cắp điện năng, ông rất bất bình nên đã tìm hiểu, nghiên cứu, biên soạn thành tập bài giảng "Chống sử dụng điện tiêu cực" và giảng dạy cho các lớp quản lý điện nông thôn để họ biết cách phòng chống.
Trong những công trình của mình thì công trình máy ấp trứng được ông cho là thành công nhất. Ý tưởng này được ông ấp ủ từ những năm 80, khi thấy việc ấp trứng gà, vịt của người nông dân chỉ đạt hiệu quả thấp: Ấp 10 quả có khi chỉ nở 5 đến 6 quả. Qua nhiều lần thiết kế, chế tạo, chạy thử máy ấp trứng, thậm chí ăn, ngủ cũng tại... lò ấp trứng, nhiều lần nếm mùi thất bại, đến năm 2001 quy trình làm việc của máy đã ổn định. Khi đã thành công, ông lại đi sâu nghiên cứu máy ấp trứng với nhiều chủng loại, công suất khác nhau từ nhỏ đến lớn, bán tự động cho đến tự động hoàn toàn, từ chế tạo mới cho đến cải tạo lại các lò ấp thủ công thành tự động 100%. Đến nay, ông đã chế tạo được máy ấp trứng có công suất từ 200 đến 3.000 quả/mẻ, phục vụ hữu hiệu cho bà con nông dân. Chiếc máy ấp trứng này đã được tham dự triển lãm tại tại Hội nghị ngành cơ khí và tự động hóa toàn quốc năm 2002.
Nhiều sáng kiến của ông đã được "bán bản quyền". Thế nhưng, số tiền thu được cũng chỉ đủ chi trả cho việc mua các trang thiết bị nghiên cứu và trang trải cho những lần thất bại. Có những nghiên cứu ấp ủ hàng chục năm trời cũng chưa thành công, công sức, tiền bạc "đổ xuống sông xuống biển" nhưng cũng không làm ông nản chí... Nói chuyện với chúng tôi, ông rất lạc quan: "Có sao đâu, mình đã có một số công trình được nhiều người ứng dụng và cho kết quả cao - đó là một niềm vui vô bờ đối với những người nghiên cứu khoa học".
3 năm - 9 giải thưởng sáng tạo kỹ thuật
Niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo đã giúp thầy giáo Nguyễn Duy Tiến trở thành một trong những người có nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn cao. Nhiều công trình đã được đưa vào thực tế sản xuất theo cách bán bản quyền hoặc đưa vào ứng dụng cho người dân. Trong 3 năm, từ 2001 đến 2003, ông đã có 6 sản phẩm nghiên cứu khoa học thành công, đoạt 9 giải thưởng cao tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và cấp tỉnh (xem phần đóng khung). Ông đã có vinh dự 6 lần là đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, là 1 trong 22 đại biểu được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII vừa qua.
Một điều rất thú vị nữa là, ông không chỉ là con người của những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mà còn là một "nghệ sỹ" với nhiều tài lẻ. Sau những bộn bề công việc, ông thường có thú chơi đàn, sáng tác ca khúc, viết báo, tập văn nghệ. Chính trong những phút thư giãn ấy, ông đã có hàng trăm tác phẩm văn nghệ được đăng tải trên nhiều báo chí trung ương và địa phương, nhiều kịch bản truyền hình đã được phát trên Đài truyền hình Hải Dương...
Những thành công đã đạt được không làm thầy giáo Nguyễn Duy Tiến hài lòng mà ông vẫn tiếp tục say sưa với những ý tưởng, sáng kiến mới. Trong năm 2005 vừa qua, ông đã giành thêm một giải thưởng nữa do UBND tỉnh Hải Dương và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Dương trao (công trình: Mô hình động cơ đốt trong chạy bằng xăng và diezen). Hy vọng trong thời gian sắp tới, những công trình mà ông vẫn đang ấp ủ, thử nghiệm sẽ sớm được hoàn tất, đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống.
Nguồn: Tạp chí Hoạt động Khoa học số 5/2006