Một học sinh giỏi đam mê sáng tạo
Em Hòa cho biết, vào những dịp cuối tuần, được cha đưa về ngoại chơi (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), khi đi ngang các nhà máy xay xát, nhìn các băng tải chuyển lúa, gạo từ ghe lên nhà máy và ngược lại em rất thích thú. Thêm vào đó, gần nhà em có một số trang trại nuôi gà quy mô lớn nhưng không đảm bảo môi trường, gây mùi hôi khó chịu. Liên tưởng về hình ảnh băng tải vận chuyển lúa gạo, em nảy sinh ý tưởng thiết kế mô hình “Trang trại nuôi gà công nghệ mới đảm bảo an toàn sinh học”. Trong đó, hệ thống băng tải được sử dụng để thu gom chất thải, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh; đồng thời, tiết giảm đáng kể chi phí nhân công để vệ sinh chuồng trại. Phân gà được băng tải đưa vào hầm chứa để tạo ra khí biogas làm nhiên liệu cho máy phát điện vận hành cung cấp điện sử dụng cho cả trang trại như: hệ thống môtơ bơm nước, đèn chiếu sáng, lò ấp trứng… Xác phân gà sau đó được tận dụng để bón cho cây trồng rất tốt (do đã được làm hoai). Mô hình này đoạt giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (TTNNĐ) tỉnh Tiền Giang lần thứ VI và đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo TTNNĐ toàn quốc lần thứ IX (năm 2013). Sau khi đoạt giải toàn quốc, Công ty Biotex (TP. Hà Nội) cho biết sẽ nghiên cứu nếu có thể chuyển từ mô hình thành thực tế, công ty sẽ đề nghị được mua ý tưởng sáng tạo của em.
Trong năm 2014, em Hòa tiếp tục có ý tưởng sử dụng năng lượng hỗn hợp khí cháy của giàn khoan dầu hỏa để đun nước biển thành nước tinh khiết và muối sinh học. Ý tưởng này được hình thành khi em được học bộ môn địa lý lớp 8 và qua xem chương trình thời sự trên Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có đưa hình ảnh về dàn khoan dầu khí trên biển, trong đó, có đường xả khí cháy lên bầu trời khi áp lực trên đường ống tăng đột ngột. Sau khi trình bày ý tưởng và được thầy cô trong trường ủng hộ, em bắt tay vào nghiên cứu và tiến hành xây dựng mô hình với sự tư vấn của thầy cô cùng sự trợ giúp đắc lực của cha em.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành), cha em Hòa cho biết, mặc dù khá bận rộn với việc chăm sóc vườn sapô, nhưng thấy Hòa quá đam mê với mô hình sáng tạo trên nên anh cũng tranh thủ đi tìm các vật dụng phế phải từ các vựa ve chai như: trái bóng nhựa, môtơ mini, ốc, vít, ống nhựa… để giúp em xây dựng mô hình. Ngoài ra, việc thiết kế, xây dựng mô hình đòi hỏi phải am hiểu kiến thức nhiều môn học (lý, hóa, sinh, giáo dục công dân…), nên em phải tranh thủ sự hướng dẫn, tư vấn của các thầy cô để nắm vững nguyên lý hoạt động cũng như đặc điểm, tính chất của vật chất, vật thể như: hiện tượng ngưng tụ hơi nước, các phương pháp tách muối ra khỏi dung dịch nước biển, nguyên lý hoạt động của máy phát điện…
Sau 2 tháng miệt mài nghiên cứu, với sự giúp sức của cha cùng thầy cô, em Hòa đã hoàn thành mô hình sáng tạo của mình. Mô hình có nguyên lý hoạt động như sau: hỗn hợp khí cháy thoát ra từ đường ống dẫn dầu được tận dụng để đun nồi chưng cất nước biển. Khi chưng cất, nước bốc hơi được dẫn qua đường ống có đường kính giảm dần nhằm tăng áp lực đẩy cánh quạt tua-bin để kéo máy phát điện quay (máy phát điện vận hành cung cấp điện cho môtơ bơm nước biển vào bồn). Hơi nước trên đường ống sau đó được dẫn qua bồn nước lạnh (bao quanh) để ngưng tụ thành nước và tiếp tục được đưa qua bồn lọc thành nước ngọt để dự trữ, sử dụng.
Đối với nồi chưng cất nước biển, sau thời gian cô cạn, kiểm tra nồng độ đạt mức cho phép (có đồng hồ theo dõi), dung dịch muối được xả qua bồn lọc, sau đó chuyển qua nồi sấy để tạo ra muối sinh học (không sử dụng hóa chất, tẩy trắng…). Để đảm bảo an toàn, phía trên nồi chưng cất nước biển được lắp một đồng hồ đo áp suất và van tự động (xả hơi thoát ra khi áp lực tăng cao)…
Theo ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo TTNNĐ tỉnh Tiền Giang lần thứ VII, mô hình dự thi của em Hòa rất nhiều khả năng sẽ lọt vào vòng chung khảo xếp hạng và có thể sẽ được xét chọn tham dự Cuộc thi sáng tạo TTNNĐ toàn quốc lần thứ X (năm 2014).
Cô Bùi Thị Nguyệt Thu, tổng phụ trách đội Trường THCS Phú Thạnh nhận xét: Là một học sinh giỏi của trường, em Hòa cũng rất đam mê nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Nếu được định hướng tốt cũng như có sự hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên của người lớn (thầy cô, cha mẹ…), đặc biệt là những người am hiểu về lĩnh vực khoa học và công nghệ, hy vọng rằng em Hòa có thể nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều mô hình thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.