Một đời dành cho cây lúa
Trên đường ra ruộng thí nghiệm, nếu không nghe thấy những cô cậu sinh viên chào “Thầy ra thăm ruộng ạ”, thì người ta dễ tưởng ông là một “nông dân” chính hiệu. Giữa cái nắng oi ả đầu hè, phe phẩy chiếc mũ cối xanh rêu, ông thổ lộ, “Cây lúa như là cái duyên, cái nghiệp của mình vậy”.
Sinh ra trên mảnh đất trung du Phú Thọ, khi còn nhỏ, nhà ông đã có hẳn một “trang trại” lớn. Có lẽ vì vậy mà ông đã “bén duyên” với nông nghiệp từ đó. Kết thúc những năm theo học về “Di truyền giống” và nghiên cứu lúa mì ở Bulgary, ông được phân công về công tác ở ĐHNN1 và bắt tay ngay vào nghiên cứu về lúa nước. Nhiều người lúc đó gàn ông vì lý do “lúa mì” khác xa “lúa nước”, nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai, “bướng bỉnh” lao vào nghiên cứu, phân tích chọn tạo nhiều giống lúa lai. Đóng góp “khởi nghiệp” quan trọng của ông là cho ra đời giống lúa ĐH60. Đây là giống lúa đầu tiên góp phần hình thành nên vụ hè thu và nhanh chóng được gieo trồng ở Bắc Trung Bộ rồi lan sang cả Nam Trung Bộ thời đó. “Vạn sự khởi đầu nan”, từ đây nhiều kết quả nghiên cứu về lúa tiếp tục được tạo ra trong sự kiên trì của nhà khoa học này. Ông quan niệm: “Muốn trở thành một nhà khoa học nông nghiệp, thì trước hết phải là một người nông dân”, nên chẳng lấy làm lạ khi thấy ông lội ruộng, rồi cũng “tay cuốc, tay cày” như bao người nông dân chân chất vậy.
Từng lặn lội khắp đó đây, từ đỉnh cao Phanxipăng đến những vùng kênh rạch, miệt vườn Nam Bộ, rồi ra xa tận quần đảo Trường Sa để thu thập nguồn gen, đánh giá vùng sinh thái, nhưng "nghiệp" của ông gắn với cây lúa.
Những cây lúa “Made in Việt Nam”
“Với dân số tăng nhanh như hiện nay và diện tích đất trồng lúa giảm hàng năm do đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp và mở đường giao thông qua những vùng đất trồng lúa phì nhiêu, thì đến năm 2025, nếu không đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng sản xuất lúa lai chúng ta sẽ bị thiếu lương thực trầm trọng. Lúa lai là câu trả lời cho vấn đề này”, TS Nguyễn Văn Hoan nhận định.
Qua nhiều năm thu thập mẫu vật, phân tích và chọn tạo, TS Nguyễn Văn Hoan và cộng sự đã cho ra đời giống lúa Việt Lai 20 (VL20). Đây là dòng lúa được chọn tạo trên cơ sở dòng bất dục mẹ kiểu TMGS và dòng bố là dòng phục hồi R20. Để có đánh giá khách quan, ông đã phải lặn lội trên nhiều thửa ruộng ở khắp các tỉnh phía Bắc, vì ở đây VL20 được trồng thử nghiệm rộng rãi. Ông nhận thấy, ở những vùng đất thuận lợi như Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc thì năng suất của tổ hợp lai VL20 tương đương với giống Bồi tạp Thanh sơn. Nhưng gieo trồng VL20 trên những vùng đất khó khăn như Quảng Ninh, Hải Phòng (đất hơi mặn ven biển); Hà Tây, Phú Thọ, Ninh Bình (đất chua, Trung du); Lào Cai, Bắc Giang (vùng núi các tỉnh phía Bắc) và các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa thì VL 20 tỏ ra hơn hẳn đối chứng ở vụ xuân cực muộn.
Đến khi VL20 “chào đời”, TS Nguyễn văn Hoan mới thở phào nhẹ nhõm. Nghĩ đến những khó khăn gặp phải mà đến bây giờ ông vẫn còn cảm thấy “toát mồ hôi hột”. Bởi vì ban đầu nhiều người cho ông là “điên khùng” làm “những việc không thể”, ấy là chưa kể đến những “sự cố” trong quá trình nhân dòng mẹ. Để làm công việc này, ông đã phải “thám thính” nhiều nơi, tìm nhiều vùng có điều kiện thích hợp. Chuyến “công du” đầu tiên là “cưỡi” trên chiếc Cup50 leo đỉnh Ba Vì. Lên đến nơi, thấy không được, đành phải dùng “diệu kế” của kiểm lâm, buộc cành cây sau xe để “hãm tốc độ” an toàn khi “xuống núi”. Khi đến Tam Đảo, nhìn thấy nước thì reo lên sung sướng. Nhưng khi vừa đặt nhát cuốc đầu tiên liền bị “tóm” vì xâm phạm vùng sinh thái quốc gia. Không bỏ cuộc, ông lại ngược lên Sa Pa và nhận thấy mọi điều kiện ở đây rất thích hợp cho công việc nhân dòng. Nhưng rồi cũng lại làm ông thất bại vì mây mù quá, hơi nước bão hòa, thiếu ánh nắng làm cây lúa ngắn lại không phát triển. Đúng là “quá tam ba bận”, rồi cuối cùng ông cũng tìm đến được thung lũng Bắc Hà. Được sự phối hợp của Công ty giống cây trồng Lào Cai, dòng mẹ được nhân lên ngoài mong đợi.
VL20 có nhiều ưu việt như thời gian sinh trưởng cực ngắn: vụ mùa 90-95 ngày; vụ xuân từ 115-120 ngày. Năng suất của VL20 cũng khá cao: 65-75 tạ/ha ở vụ hè thu, 70-80tạ/ha ở vụ đông xuân. “Những giống lúa nhập nội của Trung Quốc công việc chăm bón đòi hỏi yêu cầu cao, khắt khe mới cho năng suất ổn định. Trong khi đó, những giống lúa lai hai dòng do chúng ta sản xuất, không đòi hỏi yêu cầu chăm bón nghiêm ngặt như thế”, TS Nguyễn Văn Hoan cho biết. Do được chọn lọc và sản xuất ở Việt Nam nên khả năng chống chịu sâu bệnh của VL20 tốt hơn hẳn bất cứ giống nhập nội nào.
Bởi vì “Made in Việt Nam” nên giá thành hạt giống của VL20 thấp hơn khoảng 30% giống nhập nội từ Trung Quốc. TS Nguyễn Văn Hoan cho biết thêm, “Trong thời gian tới các nhà sản xuất phấn đấu duy trì với giá thấp hơn giống nhập nội 40%”.
Từ phòng thí nghiệm ra thị trường
TS Nguyễn Văn Hoan cho rằng, thành công của VL20 không chỉ là thành công của cá nhân hay một nhóm nghiên cứu, mà nó đã khẳng định rằng, các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ lai tạo. Nếu ngày trước, hàng năm chúng ta phải bỏ ra một khoản tiền khoảng 40-50 triệu USD để mua giống nhập nội, thì hôm nay chúng ta có thể thay thế đến 60% (khoảng 30 triệu USD).
Quan trọng hơn, thành công này đã kích thích sáng tạo đối với các nhà khoa học, vô hình trung đã hình thành nên một trường phái nghiên cứu về lúa lai hai dòng sánh ngang với thế giới trong trường ĐHNN1. Chỉ một năm sau, giống TH3-3 ra đời và được công nhận là giống quốc gia, tiếp đó là giống VL24, TH3-4 rồi TH5-1 cũng lần lượt được công nhận. Những giống lúa lai TH3-3, TH3-4 do TS Nguyễn Thị Trâm và cộng sự ở Viện sinh học Nông nghiệp-ĐHNN1 chọn tạo cũng đã đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân do giá thành hạt giống rẻ hơn 25-30%, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn 20%, năng suất cao và giá thành thóc thương phẩm cao hơn 10%. Đây thực sự trở thành "luồng gió mới" cho cây lúa Việt Nam. Việc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng mua bản quyền giống VL20 đã tạo ra bước khởi đầu đột phá trong việc bắt tay chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất.
Viện Nghiên cứu lúa được thành lập đầu năm 2006 mà TS Hoan làm giám đốc là minh chứng cho lớn mạnh của “phong trào” nghiên cứu và sản xuất lúa lai ở trường ĐHNN1. Đây là một trong những viện nghiên cứu đầu tiên hoạt động theo tinh thần của Nghị định 115: các đơn vị nghiên cứu hoàn toàn tự lập (tự hạch toán, tự nghiên cứu, tự trả lương). Với “lực lượng” còn khiêm tốn, khoảng 40 người bao gồm cả một số cán bộ giảng dạy, và sau một năm chứng minh vượt lên bao khó khăn bộn bề, Viện đã khẳng định khả năng tự “nuôi mình”. Ban đầu, nhà trường chỉ “hỗ trợ” 5 “biên chế” cho bộ máy lãnh đạo, đến năm 2008 chỉ còn 2 xuất và đến năm 2009 thì viện hoàn toàn phải "tự nuôi".
Để tự "bơi", tìm nguồn kinh phí, Viện đã đăng ký kinh doanh tiến hành sản xuất hạt giống bố mẹ bán cho các công ty giống cây trồng các tỉnh; sản xuất hạt giống F1 đóng gói nhãn mác bán cho bà con nông dân. Ngoài ra, Viện còn tiến hành sản xuất, tư vấn theo đơn đặt hàng của các sở nông nghiệp. Một nguồn kinh phí khác thu được từ việc tham gia đấu thấu các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Theo TS Nguyễn Văn Hoan thì nguồn kinh phí này hiện tại mới chỉ đáp ứng được từ 5-10%, nhưng về lâu dài, đây sẽ là nguồn kinh phí chủ yếu. Nguồn tài chính thu được ngoài việc trang trải trả lương còn được sử dụng để sản xuất và quay vòng đầu tư cho nghiên cứu.
Do tính ưu việt vượt trội, VL20 nhanh chóng được đặc cách công nhận là giống quốc gia trước hơn một năm và được bà con nông dân chấp nhận rộng rãi. Năm 2002, diện tích gieo trồng VL20 khoảng 500ha, năm 2003 đạt 700ha thì đến năm 2004 tăng lên khoảng 17.000ha. Ngày nay, VL20 đã được gieo trồng trên diện rộng ở nhiều tỉnh thành cả nước như Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội... |
Nguồn: T/c Tia sáng, số 06, 20/6/2007, tr 24