Món ăn - bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Người bệnh có thể áp dụng một số món ăn - bài thuốc dưới đây tùy theo tình trạng bệnh:
Bài 1: Bột miến dong 100g; tang bạch bì 15g, địa cốt bì 30g, mạch môn đông 15g, 3 vị sắc lấy nước. Lấy nước thuốc nấu với bột miến dong thành cháo ăn trong ngày. Món ăn này thích hợp với người bệnhđái tháo đường, khát nước uống nhiều, người gầy yếu suy kiệt.
Bài 2: Ý dĩ 100g, củ mài 100g. Cho hai vị vào nồi, cho nước hầm nhừ thành cháo loãng, chia làm 2 lần ăn trong ngày, khi ăn hâm lại cho nóng. Công dụng: Ích thận, kiện tỳ, thích hợp dùng cho người bị bệnhđái tháo đường do thận hư.
Ý dĩ và củ mài nấu cháo dùng thích hợp cho người bị bệnh đái tháo đường do thận hư
Bài 3: Đào nhân 15g, gạo tẻ 100g. Cách làm: Giã nát đào nhân ép lấy nước, bỏ bã, cho vào nồi đổ cùng gạo, nước vừa đủ, đun nhỏ lửa hầm thành cháo nhừ, chia ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, thích hợp với người bệnh đái tháo đường bị kèm thêm bệnh tim, khí trệ, huyết ứ.
Bài 4: Sắn dây 150g, thịt nạc 100g, đậu cô ve 20g, ngân nhĩ 10g, gia vị vừa đủ. Cách làm: Sắn dây rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng. Thịt nạc thái miếng chần nước sôi vớt ráo. Đậu đỏ, đậu cô ve, ngân nhĩ bỏ gốc tất cả rửa sạch ngâm nước ấm. Cho tất cả vào nồi nước nấu sôi sau đó để lửa riu riu trong 3 giờ, nêm muối vừa ăn.Công dụng: Món canh này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường và điều tiết đường huyết.
Bài 5: Cà rốt tươi 100g, gạo tẻ 100g. Cách làm: Rửa sạch cà rốt, cắt miếng nhỏ, nấu chung với gạo thành cháo nhừ, chia ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Dùng thích hợp với người bệnh đái tháo đường kèm theo mỡ máu cao, tỳ vị không tốt, bụng trướng khó chịu.
Bài 6: Mướp đắng 1 - 2 quả, rửa sạch, bỏ ruột và hạt, thái lát, sắc nước uống hoặc nấu thành canh ăn trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, giảm đường huyết. Dùng cho trường hợp người bệnh đái tháo đường nhẹ, miệng khô khát.