Michael Faraday - cậu bé nghèo ham học
Đến năm 20 tuổi, ông được giáo sư Humphry Davy nhận làm thư ký và được bổ nhiệm làm phụ tá phòng thí nghiệm hóa học ở Viện Hoàng gia Anh, nhờ vậy mà Faraday có cơ hội học hỏi môn hóa học đối với một trong những nhà thực nghiệm giỏi nhất thời bấy giờ. Năm 1824, ông trở thành hội viên của Hội Hoàng gia và tới năm 1833 ông trở thành giáo sư hóa học của viện suốt đời mặc dù suốt đời không cần giảng dạy. Việc Oersted tìm ra hiện tượng kim của một chiếc la bàn có thể bị làm lệch nếu có một dòng điện chạy qua một đoạn dây dẫn đặt gần đó đã gợi ý cho Faraday rằng nếu nam châm cố định thì dây điện sẽ bị dịch chuyển. Nghiên cứu theo hướng này, ông đã thành công trong việc chế tạo nên một công cụ thông minh, trong đó sợi dây điện có thể liên tục xoay trong vùng chịu tác động của từ trường trong khi có một dòng điện chạy qua sợi dây. Thực ra đó chính là động cơ điện đầu tiên, công cụ đầu tiên sử dụng dòng điện làm cho một vật dịch chuyển. Tuy nhiên tác dụng của phát minh trên vẫn còn hạn chế, nguyên nhân là vì không có một nguồn sản sinh dòng điện nào ngoài loại pin hóa học nguyên thủy thời đó. Faraday tin chắc là phải có một cách nào đó sử dụng lực điện từ để phát điện, ông kiên trì tìm kiếm một phương pháp như thế. Vào năm 1831, ông phát hiện ra rằng nếu một nam châm chuyển động ngang qua một vòng dây điện khép kín thì một dòng điện sẽ chạy trong dây trong thời gian nam châm chuyển động qua. Hiệu ứng này là cảm ứng điện từ và chính hiện tượng này đã làm nên tên tuổi của Faraday.
Ngoài ra ông còn khám phá ra rằng nếu ánh sáng phân cực đi qua một từ trường, độ phân cực của nó sẽ thay đổi. Đây là sự định hướng đầu tiên chỉ ra rằng có mối quan hệ giữa ánh sáng và điện từ.
Ngày 25 tháng 8 năm 1867, nhà bác học vĩ đại ấy đã từ giã cõi đời, ông ra đi để lại cho toàn nhân loại những phát minh bất tử, đúng như lời nhà khoa học Henhômxơ người Đức đã nói: “ Chừng nào loài người vẫn còn sử dụng điện thì chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday!”.
Nguồn: Vật lý & tuổi trẻ, 55, 3/08, tr bìa 4.