Máy tuốt tiêu “vừa xịn, vừa rẻ”
"Chết sống chi cũng phải làm được..."
Sinh năm 1959, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Lệ (hiện ở xóm Nam Hải, thị trấn Hồ Xá, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị, điện thoại: 0983790820) đã sớm rời ghế nhà trường khi chỉ mới hoàn thành lớp 7. Trải qua nhiều năm lăn lộn với cuộc mưu sinh, chẳng biết tự bao giờ niềm đam mê cơ khí đã vận vào người ông. Đi đến đâu thấy cái máy gì hay hay, ông cũng dừng lại xem. Những kiến thức học lỏm trong thời gian đi bộ đội và tham gia sản xuất trong nông trường Bến Hải là vốn liếng duy nhất để ông mở một xưởng cơ khí nhỏ tại quê nhà.
Thời gian này, tiêu là loại cây công nghiệp chủ lực ở quê ông. Thấy bà con đến mùa thu hoạch phải hái tiêu, tuốt tiêu bằng tay một cách cực nhọc, ông chợt nảy ra ý định chế tạo một cái máy giúp bà con. "Ngày trước khi hái buồng tiêu về, cả nhà phải cùng nhau lấy chân giẫm để hạt tiêu rơi ra khỏi cuống. Nhiều hôm đi hái về đã mệt mà phải giẫm cả đêm mới xong việc..." - ông kể lại.
Những ngày bắt đầu mày mò chế tạo máy, ông chẳng nhớ mình đã "phá" biết bao nhiêu vật liệu, mua không biết bao nhiêu tiêu cho máy chạy thử. "Có nhiều lúc làm mãi không ra hồn tui đã định buông, nhưng như thế thì tiếc công mình bỏ ra, mà tui cũng giận vì mấy người không biết cứ nói ra nói vào. Tui dặn với lòng là chết sống chi cũng phải làm cho bằng được..." - ông nắm chặt tay, khẳng khái. Máy trục trặc, tiêu nát, phải hơn năm sau đó (năm 1997), "đứa con" của ông mới dần có hình hài trong niềm mừng vui khôn xiết của "nhà khoa học chân đất": máy dài 1m, ngang 0,5m, cao 0,7m, nặng 50 kg, được gắn thêm bánh xe để tiện di chuyển. Ông giới thiệu, máy có 3 phần chính gồm động cơ (mô-tơ, bánh đà, dây cu-roa); giá đỡ (khung máy, ray đẩy); trục xoắn, máng chứa, sàng lọc tiêu. Khi máy hoạt động, buồng tiêu được đưa vào miệng máng và xuống trục cuốn, tại đây có lực ép để tiêu rời khỏi cuống, cuống được đẩy ra ngoài, tiêu phân ra loại tốt xấu, lọt qua sàng và xuống máng. Máy chạy bằng điện nhưng vẫn có thể sử dụng tay quay để hoạt động.
Ngày đem máy ra giới thiệu với bà con, thấy máy chạy ro ro, vợ ông vui chảy cả nước mắt, còn hàng xóm nhiều người thích quá ôm chầm lấy ông hét vang: "Bữa ni sướng rồi...". Để làm ra một cái máy ông phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng và mất gần cả tháng trời lấm lem trong bụi sắt, dầu mỡ. Mỗi chiếc máy được ông bán ra với giá 4 triệu đồng. "Theo tính toán của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Trị, máy của tui chế tạo có thể tuốt khoảng 1 tấn hạt/giờ, bằng khoảng 20 người nếu đạp thủ công trong cùng thời gian..." - ông Lệ không khỏi tự hào.
Tiếng lành đồn xa, nông dân truyền tai nhau về cái máy "vừa xịn vừa rẻ" của ông và kéo đến nhà ùn ùn để "kiểm tra thực tế". Thế là giờ đây máy tuốt tiêu của ông đã được xuất đi nhiều vùng khác như huyện Gio Linh, Cam Lộ và ra tới tỉnh Quảng Bình. Máy dùng hiệu quả, lại rẻ nên đơn đặt hàng cứ đến với ông tới tấp: "Mùa thu hoạch tiêu chỉ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng tui phải làm cả năm mới đủ cung cấp. Riêng năm vừa rồi tui làm được 16 cái liền" - ông Lệ nói.
Không lo mất bản quyền
Gãi đầu gãi tai, ông Lệ thật thà nói: "Máy tuốt tiêu của tui có đăng ký bản quyền sáng chế chi mô, tui cứ mần đại rứa đó. Mấy anh bên Sở Khoa học - Công nghệ có hỏi, tui nói mấy anh giúp cho tui chứ tui không biết thủ tục chi".
Ngoài máy tuốt tiêu, ông Lệ còn làm máy cắt sắn, lò quay nướng thịt... nhưng không thành thương phẩm vì chưa có thị trường ổn định. Đến nay, mỗi chiếc máy ông làm ra đều do kinh nghiệm quyết định, chứ không kẻ vẽ tính toán gì nhiều, vậy mà khi mang đến hội chợ sáng kiến máy móc nào, người ta đều phải tấm tắc khen. Ông rất muốn chiếc máy của mình đến được với nhiều nơi trên cả nước, nhưng ngặt nỗi vẫn còn thiếu vốn và nhân lực.
Nhiều người trong làng khuyên ông "giấu nghề" để độc quyền, nhưng ông lại có cách nghĩ khác: "Nói thiệt, cái máy tuốt tiêu cũng không phải là quá phức tạp, nếu họ muốn "nhái" thì chỉ cần mua một cái, tháo tung nó ra là biết hết liền. Tui cho thợ vô học nghề rồi chỉ dạy cho họ vì nghĩ nhiều người làm được máy thì bà con sướng chớ ai sướng mô mà lo...". Ông còn bảo rằng, nếu ai tìm đến học nghề thì sẽ rất sẵn sàng truyền lại. Ghi nhận sáng tạo của ông, Bộ Khoa học - Công nghệ đã tặng bằng khen.