Máy trỉa đậu phụng do nông dân sáng tạo
Ông Huỳnh Tiễn có nghề chính là nghề biển, đánh bắt gần bờ, kết hợp với nghề nông, sản xuất các loại cây trồng cạn: hành, đậu phụng… Từ nhiều năm nay, đậu phụng là một trong những loại cây trồng chủ lực của nông dân Cát Hải. Trong sản xuất đậu phụng, thông thường, bà con nông dân phải cặm (dùng cây chọt lỗ) từng lỗ để trỉa, vừa tốn công, lại nhọc nhằn. Bức xúc từ thực tế nên ông Huỳnh Tiễn đã mày mò tạo ra máy trỉa đậu phụng. Dù không được đào tạo qua trường lớp nào, nhưng ông rất đam mê sáng tạo. Phải mất hơn 2 năm nghiên cứu và nếm trải nhiều thất bại, ông mới tạo ra được chiếc máy này. Trước đó, ông cũng tự tạo ra máy tuốt quả đậu phụng chạy bằng mô-tơ điện được ứng dụng rất hiệu quả trong thực tế.
Máy trỉa đậu phụng của ông Tiễn có kết cấu rất gọn nhẹ, chỉ một người vận hành, dùng sức đẩy nhẹ nhàng, giúp giảm bớt công lao động. Một ưu điểm của máy là các bộ phận đều được tận dụng từ vật liệu phế thải, giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 3 triệu đồng, nên rất được nông dân ưa chuộng.
Ông cho biết: “Theo tập quán canh tác ở Cát Hải, đậu phụng được trỉa thành rò (luống). Máy phù hợp với trỉa rò, nhưng với điều kiện đất trỉa phải mịn. Nếu đất cục nhiều thì phải có người phụ trợ lấp đất cho hạt, những chỗ máy không lấp được. Máy trỉa được 700m2/giờ, tính ra khoảng 1/2 ha/ngày, thay thế cho khoảng 8-10 lao động trỉa đậu phụng bằng thủ công”.