Máy thu gom rác dưới nước
Trong những lần đi dã ngoại, em Đặng Văn Trình, học sinh lớp 11 A2 thấy vỏ chai, bánh kẹo nổi lềnh bềnh trên sông, suối, ao, hồ. Thỉnh thoảng, công nhân môi trường phải ngồi trên thuyền và dùng vợt vớt rác. Từ đó, Trình ấp ủ ý tưởng sẽ làm một cỗ máy có thể thu gom rác dưới nước thuận tiện, tiết kiệm công lao động. Em đã cùng với hai bạn trong lớp là Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Ngọc Hải thiết kế sản phẩm.
Ban đầu, các em cắt dán những miếng xốp mô tả các bộ phận, nhờ thầy Nguyễn Văn Thường, giáo viên kỹ thuật công nghiệp của trường góp ý, hướng dẫn. Thầy Thường cho biết: "Ý tưởng của các em rất hay, tuy nhiên mô hình còn sơ sài nên tôi gợi mở để các em bổ sung một số chi tiết cho hoàn chỉnh”.
Được thầy tư vấn, nhóm phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Sau hơn một tháng vẽ, thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm, Trình và hai người bạn đã cho ra đời máy thu gom rác với các phần chính như: Bộ phận gom rác, băng tải, thùng chứa, thuyền chở rác. Khâu khó nhất là giữ cho thuyền nổi trên mặt nước, vừa di chuyển vừa gom rác.
Từ kiến thức hoá học và vật lý được trang bị, các em dùng kẽm và axit loãng đựng trong vỏ chai cocacola nhằm tạo ra khí hidro nhẹ hơn không khí. Sau đó, cố định những vỏ chai vào khung giúp thuyền nổi. Nhờ tận dụng các phế liệu và bộ điện của đồ chơi hỏng, tổng chi phí thực hiện mô hình máy gom rác khoảng 300 nghìn đồng.
Khi hoàn tất, máy chạy thử tại hồ nước trong khuôn viên của trường. Được điều khiển từ khoảng cách 7-10 mét, thuyền lướt trên mặt nước và di chuyển vớt rác vào khoang chứa. Em Đặng Văn Trình chia sẻ: "Em rất mong các nhà khoa học quan tâm, góp ý cho mô hình này, tạo điều kiện để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi, giúp công nhân môi trường đỡ vất vả, bảo đảm an toàn khi vớt rác trên kênh, mương, ao hồ, đặc biệt là khi khơi thông các cống ngầm, hẹp thiếu ô xy”.
Bài, ảnh: Bá Dương