Máy sấy cà phê giá rẻ...hiệu quả lớn
Đây là hiệu quả của máy sấy cà phê nhân tươi SRA do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Tp Hồ Chí Minh) đã thiết kế, chế tạo và lắp đặt.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Cây cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn (60%) trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Theo số liệu thống kê, diện tích trồng cà phê tỉnh Lâm Đồng ước đạt trên 146.897 ha, (diện tích kinh doanh 139.350 ha), đứng thứ 2 cả nước, chiếm khoảng 26% tổng diện tích và 28% sản lượng cà phê cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay nông dân vùng trồng cà phê ở Lâm Đồng nói riêng luôn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong quá trình phơi cà phê. Do thời vụ thu hoạch cà phê ở Lâm Đồng thường kéo dài từ khoảng nửa tháng 9 của năm trước đến nửa đầu tháng 01 năm sau, lượng nắng trong tháng vào mùa mưa khá ít, chính vì thế thời gian phơi khô quả cà phê bằng nắng tự nhiên phải mất nhiều ngày từ 8 - 10 ngày/đợt.
Ngoài ra, tại thời điểm vụ thu hoạch rộ thường thiếu nhân công thu hái cà phê, nên mỗi ngày lượng cà phê nông dân thu hoạch được từ vườn khá ít phải tích trữ trong kho nhiều ngày để đủ số lượng đưa ra phơi, gây ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân thành phẩm sau chế biến. Đây là nguyên nhân chính làm tổn thất về chất lượng cà phê sau thu hoạch của Lâm Đồng như hiện nay lên đến 20%.
Do vậy, việc áp dụng lò sấy cà phê vào bảo quản sau thu hoạch đã giúp bà con nông dân thay đổi tập quán trong bảo quản cà phê sau thu hoạch góp phần giảm tổn thất lượng cà phê sau thu hoạch.
Nhiều ưu điểm
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp đã thiết kế và chế tạo hệ thống máy sấy cà phê quả theo nguyên lý tĩnh vỉ ngang đảo chiều gió SRA kết hợp với lò đốt vỏ cà phê ghi nghiêng ở dãy công suất 7 tấn/mẻ và 14 tấn/mẻ. Máy sấy cà phê nhân tươi có kết cấu bao gồm lò đốt vỏ cà phê, quạt sấy và bể sấy. Máy có kết cấu nhỏ gọn chỉ chiếm ½ diện tích mặt bằng lắp đặt so với các loại máy sấy tĩnh kiểu cũ có cùng năng suất. Đặc biệt máy có thể sấy được nhiều sản phẩm khác nhau như các loại vật liệu dính bết khó cào đảo như đầu tôm, cá, mực, đậu phộng, khoai,..rất khó thực hiện trên các loại máy sấy tĩnh hiện có.
Ths Trần Văn Tuấn – Giảng viên Trường Đại học Nông lâm Tp Hồ Chí Minh cho biết: Ưu điểm lớn nhất của máy là không tốn công cào, đảo trong quá trình sấy, giảm được chi phí mặt bằng lắp đặt máy lò đốt được thiết kế sử dụng triệt để nguyên liệu đốt và hạn chế khói bụi trong quá trình sấy, tạo ra sản phẩm cà phê sấy khô đồng đều được người sử dụng đánh giá rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật dễ sử dụng, tiết kiệm nguyên liệu đốt và chi phí sấy, phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho hộ gia đình.
Với chi phí sấy một kg cà phê nhân khô khoảng 630 đồng/kg và 545 đồng/kg cho máy sấy SRA-7 (năng suất 7 tấn/mẻ) và SRA-14 (năng suất 14 tấn/mẻ) khi sấy loại cà phê Robusta, và tương tự 870 đồng/kg và 725 đồng/kg cho máy sấy SRA-7 và SRA-14 khi sấy loại cà phê Arabica người dân thu lời từ 3-3,5 triệu đông cho mỗi mẻ cà phê ở máy sấy SRA-7 và 7-10 triệu đồng cho máy sấy RSA -14.
Đến tháng 7/2014, đã có khoảng 130 máy sấy cà phê quả với năng suất từ 2- 30 tấn/mẻ đã được lắp đặt và chuyển giao tại các tỉnh như: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông… Đặc biệt, Trung tâm đã lắp đặt và đưa vào vận hành thành công 2 máy sấy công suất 14-15 tấn/mẻ cho Công ty sản xuất và thu mua lớn như Vinacafe Đà Lạt.
Ths Trần Văn Tuấn cho chia sẻ thêm: máy sấy cà phê kiểu SRA có đầy đủ các ưu điểm như đơn giản dễ vận hành, giá thành đầu tư và chi phí sấy thấp, sấy được các loại hạt ẩm độ cao như cà phê, kết cấu nhỏ gọn, không tốn công lao động cào đảo cà phê, có thể sấy được nhiều sản phẩm khác nhau. Do vậy, nhân rộng mô hình lò sấy cà phê theo công nghệ đảo chiều gió sấy SRA quy mô hộ sẽ là giải pháp tích cực góp phần giảm tổn thất và nâng cao chất lượng cà phê sau thu hoạch của tỉnh.
Mục tiêu của Lâm Đồng đến năm 2015 ổn định diện tích cà phê kinh doanh trên dưới 145 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn nhân/ha. Qua đó có 35% diện tích cà phê được chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ cà phê xuất khẩu trực tiếp tăng lên 50% sản lượng, đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD/năm. Để đạt những chỉ tiêu này, bên cạnh việc đầu tư thâm canh chiều sâu, hy vọng những giải pháp về việc bảo quản cà phê sau thu hoạch nêu trên sẽ đóng góp bằng những hiệu quả đáng kể nhất.