Máy phân loại rác tự động, điều khiển từ xa
Từ ý tưởng…
Gặp anh Chức ngay tại bãi xử lí rác thải thành phố Phủ Lý (Hà Nam) nằm xa trong dãy núi đá địa phận Kiện Khê, nhìn bề ngoài trông anh chẳng khác gì lão nông chính gốc, tay dính đầy dầu mỡ, khuôn mặt lấm lem đang chui mình vào trong thùng chứa rác kiểm tra lại tổ máy nghiền.
Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – Khoa Xây dựng dân dụng công nghiệp, năm 1997, anh Chức về công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng. Năm 1998, kỹ sư Lại Minh Chức vinh dự được nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với nghiên cứu thành công vật liệu mới composit có khả năng thay thế gỗ. Năm 2008, anh Chức về làm Giám đốc Công ty Môi trường xanh Seraphin – Sơn Tây – Hà Nội (Công ty Xử lí rác thải).
Thời gian làm việc tại Công ty Xử lí rác thải Sơn Tây (Hà Nội), anh Chức chứng kiến chỉ riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội hằng ngày có hàng chục tấn rác thải sinh hoạt phải thu gom và đem đi xử lí. Trong khi đó, công đoạn phân loại, xử lí rác thải tốn kém rất nhiều chi phí, hàng trăm con người đầu trần chân đất phải làm việc trong môi trường độc hại, rác thải chôn lấp gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước. Mặt khác, lâu nay, nhiều nhà máy xử lí rác trong nước và nhập ngoại khi đưa vào sử dụng ở nước ta đều sử dụng người lao động phân loại rác bằng tay.
Xuất phát từ thực tế đó anh Lại Minh Chức nhiều đêm trăn trở “ Phải làm gì để có giải pháp, có một thiết bị tối ưu và hiệu quả nhất xử lí nguồn rác thải dân sinh và công nghiệp, đưa con người thoát khỏi môi trường độc hại”.
… đi đến thành công nhờ trải nghiệm và tâm huyết
Năm 2008, anh quyết định xin nghỉ việc khi đang là nghiên cứu viên khoa học tại Viện Kiến trúc nhiệt đới – Đại học Kiến trúc Hà Nội để đầu tư thời gian cho chiếc máy phân loại xử lí rác thải thông minh mới chỉ có trong đầu. Có kiến thức cơ bản và hiểu biết nhiều lĩnh vực, chuyên ngành nghiên cứu về kĩ thuật chế tạo máy, thiết kế bản vẽ là lợi thế bước đầu giúp anh Chức đi đến thành công. 9 tháng trời anh chỉ đi ra ngoài 5 ngày, mỗi ngày anh ngủ nhiều nhất là 4 giờ, vùi đầu vào các bản vẽ, các chất liệu sắt thép, con số tính toán, vòng bi, tĩnh điện.
Có được bản thiết kế, anh Chức mang đến các cửa hàng cơ khí để thuê cắt, tiện các thiết bị rồi mang về tự tay mình lắp đặt. Một ít tiền của dành dụm mấy chục năm nay đã cạn, bị gia đình và bạn bè phản đối nhưng anh Chức không từ bỏ công trình nghiên cứu tâm huyết lâu nay. Không có tiền, anh vay mượn hết anh em đến bạn bè, những gì thế chấp được anh đều mang đi thế chấp để tiếp tục duy trì công trình nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm của mình. Sau gần 2 năm, với nỗ lực của cá nhân, sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều cộng sự, đồng nghiệp, tháng 9/2010 chiếc máy phân loại rác tự động điều khiển từ xa đã hoàn thành như mong muốn.
Máy có một tổ hợp thiết bị đầu vào là tổ hợp thiết bị nhận và băm cắt thông minh được cung cấp năng lượng bởi 4 động cơ điện với tổng công suất động cơ bằng 45 kw. Máy tự động loại bỏ rác thải cá biệt bằng thiết bị điều khiển từ xa; tự động phân phối lượng rác vào máy cắt phù hợp với từng loại rác và công suất máy; có thiết bị băm cắt thông minh cho phép tự cắt xé bao, gói và tự lựa chọn loại rác cần cắt nhỏ theo yêu cầu của công nghệ phân loại và tái chế.
Chiếc máy có thể cắt nhỏ các loại rác hữu cơ có nguồn gốc động thực vật theo yêu cầu của công nghệ ủ sinh học cho khả năng sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho nông nghiệp; nghiền nhỏ rác thải vô cơ (gạch đá, thủy tinh) phục vụ cho công nghệ đóng rắn hoặc san lấp, bỏ qua kim loại và các loại phế thải dẻo để phù hợp với công nghệ tách lọc.
Hiệu quả và những ưu điểm vượt trội mà hiện nay nhiều máy xử lí rác thải trên thị trường trong và ngoài nước chưa đạt được là máy thay thế 100 % lao động sử dụng trong công đoạn phân loại rác bằng tay, chất lượng cao hơn các dây chuyền phân loại, tách lọc thủ công đã triển khai ở Việt Nam, năng lượng điện sử dụng chỉ bằng 30% so với nhà máy Seraphin ở Sơn Tây và công nghệ của Bỉ hiện tại ở Hà Nam.