Máy nội soi ‘made in Việt Nam’ của bác sĩ tuyến huyện
Cũng như bao bác sĩ ở tuyến huyện khác, bác sĩ Huy ao ước bệnh viện mình sẽ có những trang thiết bị hiện đại và chuyên dụng như máy nội soi nhưng anh biết điều này khó thành hiện thực bởi hầu hết máy nội soi ngoại giá khá cao. Năm 2000, bác sĩ Huy được dự hai khóa học về phẫu thuật nội soi mũi xoang (FESS) do Trường ĐH Y khoa Hà Nội tổ chức. Từ đó vị bác sĩ này nung nấu một khát vọng sẽ chế ra máy nội soi “made in Việt Nam ”.
Năm 2001, bác sĩ Huy bắt tay vào việc cải tiến máy nội soi ngoại bằng cách tham khảo ý khiến của những thầy đã đứng lớp FESS, đồng thời tra cứu những tư liệu về máy nội soi.
Bác sĩ Huy đã tìm ra mấu chốt để có thể nâng cấp máy nội soi ngoại chính là đầu nối (adaptor). Thế là anh tập trung nội lực chế tạo ra đầu nối mới để đưa hình ảnh trực tiếp từ ống nội soi đến CPU của máy vi tính. Đồng thời anh cũng phân tích thấu đáo được những nhược điểm của máy ngoại để cải tiến trên máy của mình. Anh thay camera chuyên dùng bằng camera vi tính là những webcam, PC cam, quickcam, những loại camera chuyển tín hiệu kỹ thuật số trực tiếp đến CPU khá thông dụng trên thị trường.
Máy in cũng chỉ là những loại máy in phun màu bình thường như Epson, HP... Máy nội soi của anh sẽ hoạt động theo nguyên lý: adaptor nhận hình ảnh trực tiếp từ nguồn sáng đầu ống nội soi đưa vào camera webcam để từ đây chuyển tín hiệu đến CPU qua dây dẫn. Từ cáp CPU phóng to hình ảnh đến monitor, đến máy in, in trực tiếp ảnh, quay thành đoạn film video, lưu trữ ổ cứng...
Kể từ ngày bắt tay làm đến hình thành máy nội soi “made in Việt Nam ” là một hành trình đi tìm lời giải hơn 700 ngày. Chỉ riêng phần adaptor anh đã mất trên 500 ngày. Adaptor do anh chế tạo gồm ruột là hệ thống thấu kính được bọc bên ngoài bởi những vòng thau, nhôm.
Để tìm ra hệ thống thấu kính có thể chuyển hình ảnh từ ống nội soi đến webcam, anh phải tính nhừ cả tay các công thức quang học và tham khảo ý kiến của những thầy giáo cũ thời phổ thông. Sau khi tìm ra kết quả, anh đã lùng mua những máy chụp hình cũ để lấy thấu kính bên trong rồi lắp ráp cho khớp với đáp số.
Giá thành máy nội soi cải tiến của bác sĩ Huy chỉ khoảng 40 triệu đồng/chiếc. Rẻ hơn máy nội soi ngoại nhiều nhưng lại có các điểm ưu việt hơn như lưu trữ hình ảnh lâu dài bằng ổ cứng và đĩa CD. Máy nội soi “made in Vietnam ” chỉ cần thay ống nội soi tương ứng là có thể phục vụ đa khoa chứ không chỉ một chuyên khoa nhất định như máy ngoại.
Từ khi có máy, bác sĩ Huy đã phát hiện sớm một số ca ung thư để chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời, đồng thời chẩn đoán nhanh và chính xác những bệnh lý nặng hoặc phức tạp.
Ngày 18-9-2004, hội đồng khoa học xét duyệt đề tài khoa học sáng tạo kỹ thuật của Trường Kỹ thuật - kinh tế - nghiệp vụ Nguyễn Tất Thành và Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mới TP.HCM đã đánh giá đây là hệ thống xuất sắc. Giáo sư - bác sĩ Ngô Gia Hy - thành viên của hội đồng, đánh giá đây là một nghiên cứu rất đáng khích lệ cho ngành y Việt Nam và cần được phổ biến rộng rãi...
Nguồn: tuoitre.com.vn 3/8/2005