Máy “nhốt” khói
“Nhốt” khói trong bình thông nhau
Hàng ngay phải sao tẩm dược liệu, khói bốc lên làm ngột ngạt cả nhà hàng xóm. Ý tưởng chế tạo chiếc máy nhốt khói bụi cứ ám ảnh lương y Nguyễn Văn Loan. “Nếu “nhốt” khói trong thùng rỗng theo kiểu bếp Hoàng Cầm chắc chắn sẽ hạn chế được khói” - anh Loan trăn trở.
Để hiện thực hoá ý tưởng, Nguyễn Văn Loan đã mời anh Chu Văn Trang, làm nghề mua bán phế liệu làm thử một cỗ máy để thí nghiệm. Không có bản vẽ chi tiết, anh Loan nói ra thế nào anh Trang cứ thế làm theo. Chưa đấy một tuần lễ, công trình của hai người đã hoàn thành.
Chiếc máy gồm ba bình thông nhau được thiết kế từ ba thùng phuy phế liệu. Mỗi máy được gắn một động cơ điện của Trung Quốc. Phía trên máy có một thùng nước vôi chảy xuống ba thùng ở dưới theo các ống dẫn. Bên dưới là một bình chụp có cửa ở dưới để hút khói. Ngoài ra, còn có bộ phận phự chứa nước thải và sử lý nước thải.
Anh Loan đã quyết định đặt máy trước sân nhà để thử. Trước sự chứng kiến của đông đảo bà con trong thôn, trấu, rác bẩn, than cám đã được đốt lên trong buồng khói của máy. Khói theo các bình thông nhau tuôn mù mịt cả một góc sân. Hệ thống trục đảo có cấu tạo đặc biệt của cánh quạt và nhiều que quạt đã hoà trộn khói và nước trong thùng một và hai. Tại buồng ba, với cấu tạo kiểu đĩa xoắn của hệ thống trục đảo, toàn bộ khói bị tiêu huỷ theo nước biến thành bùn chảy ra ngoài.
Đi tìm địa chỉ ứng dụng
Mô hình của lương y Nguyễn Văn Loan đã cho thấy hiệu quả trong việc hạn chế khói. Tuy nhiên, hiện thực hoá một ý tưởng bằng sản phẩm và ứng dụng sản phẩm ấy vào thực tế cuộc sống là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Để sản phẩm của mình được mọi người biết đến, anh Loan đã mất gần một năm trời mang chiếc máy sử lý khói bụi của mình đi giới thiệu khắp nơi mà không có cơ hội sử dụng. Gom góp được ít tiền anh cùng với anh Trang gói ghém đồ đạc vào tận Vinh (Nghệ An) làm một chiếc máy nhốt khói theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản. Máy gần làm xong thì doanh nghiệp này nhật được quyết định di dời vì gây ô nhiễm. Thế là chiếc máy của anh Loan lại đắp chiếu nằm đó. Trở ra Hà Tây, Nguyễn Văn Loan lại tiếp tục tìm kiếm địa chỉ ứng dụng ý tưởng của mình.
Cuối cùng, chiếc máy “nhốt” khói của anh được bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đồng ý lắp đặt sử dụng thử. Kết quả máy tiêu huỷ khép kín phần lớn các loại rác thải y tế. Các cán bộ thu gom rác của bệnh viên đã phải gom rác từ ba, bốn ngày mới đủ cho máy chạy trong một buổi sáng. Lượng khói thải ra môi trường gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Lần đầu tiên được áp dụng vào thực tế, nhưng chiếc máy “nhốt” khói của lương y Nguyễn Văn Loan đã chứng tỏ tính khả thi của nó, không chỉ về mặt ý tưởng mà cả về tính ứng dụng. Nhưng ý tưởng này có thành công và được áp dụng trong thực tế hay không thì cần phải có sự phản biện và giúp đỡ về mặt kỹ thuật của các nhà khoa học.
Ưu điểm của chiếc máy “nhốt” khói là giá thành rẻ
Các tác giả hoàn toàn có thể tự thiết kế chế tạo bằng công nghệ trong nước, thậm chí còn có thể tận dụng sắt phế liệu, nhựa… làm vỏ máy để hạ giá thành. Cấu trúc máy đơn giản, tháo lắp dễ dàng. Lượng điện năng tiêu thụ thấp. Những nơi không có điện có thể dùng máy nổ thay thế. Cũng theo nguyên lý này tác giả đã chế tạo thử nghiệm mô hình dạng mini gắn vào ống xe máy. Kết quả khói bị triệt tiêu và hơi khói thoát ra không có mùi xăng dầu như trước.
Nguồn: Báo KH & ĐS, số 13, 13/2/2006