Máy gặt đập liên hợp Ðại Lợi
Anh Lê Tấn Ðại (sinh năm 1964) là chủ xưởng cơ khí Ðại Lợi - tọa lạc tại phường 4, thành phố Cao Lãnh (Ðồng Tháp). Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Cao Thắng - thành phố Hồ Chí Minh năm 1986, anh Ðại được nhận vào làm việc tại Nhà máy Cơ khí tỉnh Ðồng Tháp. Hơn mười năm công tác, anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hiểu rõ những nhu cầu thiết yếu của ngành sản xuất nông nghiệp, xây dựng ở miền tây. Ðến năm 1995, anh quyết định gom hết số vốn dành dụm được thành lập xưởng "cơ khí Ðại Lợi" trang bị nhiều thiết bị, máy móc hiện đại...
Vào giữa năm 2004, anh Ðại tiếp tục chế tạo và cải tiến thành công chiếc máy cắt lúa xếp dãy với ưu điểm là cắt được lúa trên đất khô lẫn trên đồng có nước xăm xắp, cây lúa đứng và cả lúa bị đổ... rất thích hợp ở đồng bằng Nam Bộ.
Với hàm cắt dày 1,54 m không biến dạng, có năm chong chóng nhựa, chạy rất êm nên mỗi ngày, máy có thể cắt xong bốn ha ruộng lúa, chỉ hao tốn trên dưới năm lít dầu, máy cắt này còn có bộ phận điều chỉnh khi cắt lúa cao - thấp theo ý muốn của chủ ruộng... Nguyên liệu chế tạo máy phần lớn là các mặt hàng có sẵn trong nước. Ðặc điểm máy này vừa gọn nhẹ (trọng lượng 400 kg), ít bị hư hỏng, cắt lúa bằng lưỡi thép nên rất tiện sử dụng mà giá thành lại rẻ hơn các máy cùng loại từ 500.000 - 600.000 đồng/máy, lại được chủ xưởng bảo hành lưỡi cắt trong thời gian sáu tháng.
Nhiều nông dân ở vùng châu thổ sông Cửu Long và miền Ðông Nam Bộ đã tìm đến xưởng cơ khí Ðại Lợi đặt mua máy cắt xếp dãy của anh đem về sử dụng.
Tuy vậy, anh Ðại vẫn chưa bằng lòng với kết quả đạt được. Anh Ðại tâm sự: "Máy cắt xếp dãy tuy nhanh, nhưng cũng tốn nhiều nhân công gom, suốt. Bông lúa rơi vãi nhiều, nông dân chịu thất thoát, hao hụt cao...". Từ đó, anh bắt đầu tìm tòi, tự chế tạo và lắp ráp chiếc máy vừa cắt, vừa suốt lúa.
Sau nhiều đêm thức trắng âm thầm kẻ vẽ trên giấy hình dáng, chi tiết chiếc máy cắt - suốt lúa và qua nhiều ngày, tháng hàn, tiện, lắp đặt... đến đầu năm 2007, chiếc máy gặt - đập liên hợp do anh Ðại chế tạo cũng được hoàn thành và đưa vào vận hành.
Ưu điểm của chiếc máy do anh Ðại chế tạo là: bền, chắc, thông thoáng, ít hao tốn nhiên liệu, chỉ khoảng 25 lít dầu máy cắt - suốt hoàn thành được ba ha/ngày, tỷ lệ hao hụt lúa không đáng kể. Máy hoạt động tốt trong điều kiện thân lúa đứng và vẫn hoạt động bình thường cả khi có mưa, cây lúa ướt - đổ ngã và ruộng lúa bị ngập nước không quá sâu... rất thích hợp ở đồng bằng Nam Bộ.
Máy cắt - suốt này có tổng trọng lượng 1,7 tấn, đường cắt rộng gần hai mét... Nguyên liệu chế tạo máy này chỉ có động cơ, hộp số và một số linh kiện nhập từ Nhật Bản; còn phần lớn các linh kiện khác đều có sẵn trong nước như: ốc, sắt, bạc đạn, dây xích, dây gào, dây cua-roa, cánh nhựa, lưỡi thép...
Với một hệ thống liên kết khoa học từ dây cua-roa, vòng bi đến nhông chuyền, dụng cụ che chắn an toàn hạn chế nguy hiểm cho người sử dụng. Chiều quay của bông trục và những kết cấu bên trong của máy cũng được anh Ðại thiết kế, chế tạo phù hợp. Anh còn sáng chế ra hệ thống chống lún để máy được vận hành dễ dàng trên vùng đất ẩm ướt, không bị sa lầy và có hệ thống đèn chiếu sáng để hoạt động vào ban đêm... Máy ít bị hư hỏng, cắt lúa bằng lưỡi thép - có bộ phận điều chỉnh khi cắt lúa cao - thấp nên rất tiện sử dụng mà giá thành chỉ dao động ở mức 90 triệu nếu lắp loại động cơ máy của Trung Quốc và 120 triệu đồng thì lắp loại động cơ máy diezel hay Mitshubishi của Nhật... lại được chủ xưởng khuyến mãi 20 lưỡi cắt trên, dưới.
Sau khi trình diễn, các nhà khoa học và nông dân đã đánh giá cao hiệu quả của máy cắt - suốt lúa mang tên "cơ khí Ðại Lợi". Ông Lâm Văn Cây - nông dân ở ấp Mây Rắc, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đã đi tham quan nhiều nơi, hội thảo nhiều loại máy cắt - suốt lúa... Sau khi xem máy gặt đập liên hợp của Ðại Lợi, ông Cây "tấm tắc" khen: "Máy gặt đập liên hợp này so với các máy trước thì có cải tiến tốt và hiệu quả hơn; thời gian cắt - suốt lúa nhanh, ít hao hụt. Ở những vùng đất sình lầy, lúa sập, máy vẫn hoạt động tốt và vận động gọn nhẹ hơn".
Hiện nay, xưởng "cơ khí Ðại Lợi" của anh Lê Tấn Ðại đang lắp ráp nhiều chiếc máy gặt đập liên hợp để giao cho các Hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân trong và ngoài tỉnh, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu mua của người dân.
Nói về dự tính trong tương lai, anh Lê Tấn Ðại cho biết: "Tôi đang mở rộng mặt bằng, tăng quy mô sản xuất hàng loạt máy gặt đập liên hợp và đăng ký thương hiệu. Ðồng thời, ký hợp đồng với các công ty sản xuất máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc để làm nhà phân phối chính nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đưa nhanh tiến độ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào đồng ruộng".
Trong những lần tham dự các Hội thi, Hội chợ Thương mại, Nông - Công nghiệp trong và ngoài tỉnh, sản phẩm máy xây dựng và máy nông nghiệp "cơ khí Ðại Lợi" của anh Lê Tấn Ðại đã được nhiều người đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng giá trị.
Nguồn: nhandan.com.vn 26/10/2007