“Máy chiếu vật thể đa năng” Sáng chế giành giải nhất
Ý tưởng bắt nguồn từ những buổi trên lớp học, máy chiếu được sử dụng nhiều trong các môn học nhưng có hạn chế là chỉ chiếu được các vật dụng thông thường. Những vật dụng nhỏ như tế bào, vân tay... không thể phóng to được do thiếu kính hiển vi kỹ thuật số. Vì vậy, ý tưởng sáng chế ra loại máy có thể chiếu được nhiều vật thể được Thắng và Tuyết sáng tạo ra.
“Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Vũ Tiến Thành, các em tìm mua thiết bị và kiên trì lắp ghép. Nhiều lần thử nghiệm, hoàn thiện chi tiết nọ lại thiếu yếu tố kia. Cái khó nhất là tìm ra và lắp đặt loại kính hiển vi kỹ thuật số trên tiêu bản cho phù hợp. Một lần tình cờ, tận dụng loại thấu kính hội tụ đưa vào lắp đặt và cho kết quả bất ngờ: Kính soi rõ từng chi tiết, có thể kết nối với các thiết bị phù hợp”, Thắng cho biết.
Thiết kế của máy gồm: Bàn đỡ, webcam, mâm quay, đèn bên trái, bên phải, kính hiển vi kỹ thuật số, công tắc nguồn và hai đèn. Tuy nhiên, để sản phẩm ra đời là cả quá trình tư duy sáng tạo của hai học sinh. "Chúng em đã làm đi làm lại rất nhiều thí nghiệm mới thành công" - Tuyết bộc bạch.
Máy có thể trình chiếu được hai loại: Vật thể thông dụng chỉ cần đặt lên mâm quay, sử dụng webcam kết nối với máy vi tính, đưa lên máy chiếu là học sinh trong lớp có thể quan sát được trên màn hình; vật thể siêu nhỏ đặt trên tiêu bản, sử dụng thấu kính hội tụ thích hợp, ống kính, tế bào cảm quang, bộ vi xử lý kết nối với máy tính và máy trình chiếu. Đến nay hầu như chưa có thiết bị trình chiếu đa năng phục vụ giảng dạy, nghiêu cứu như vậy.
Thầy Vũ Tiến Thành cho biết: "Từ khi nghĩ ra mô hình thiết kế hợp lý, trong vòng một tuần, các em đã làm ra sản phẩm. Đây là sản phẩm rất sáng tạo, thiết thực, giá rẻ, phù hợp cho công tác giảng dạy trong nhà trường".