“MATA- Braille”: Giúp người khiếm thị đọc được
Nhóm tác giả đều là những sinh viên năm cuối của Khoa CNTT, trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên, Tp Hồ Chí Minh do Đinh Bá Thắng làm trưởng nhóm gồm: Đặng Bác Văn, Nguyễn Anh Nghĩa, Trương Xuân Tính, Chu Hoài Nam và Lê Thị Thanh Thanh. Họ đều còn rất trẻ, có chung tiếng nói trong lĩnh vực CNTT và đặc biệt là sự đồng cảm với người khuyết tật.
“MATA-Braille” bắt nguồn từ gợi ý của thầy, Tiến sĩ Đinh Điền: “Nghiên cứu một bộ gõ cho người khiếm thị”. Cái khó của phần mềm này là làm sao để người khiếm thị có thể thao tác được với máy tính, soạn thảo được văn bản một cách dễ dàng nhất, thuận lợi nhất. Thắng bộc bạch: “Người khiếm thị họ không thấy được nhưng nghe lại rất tốt. Vì thế, nhóm quyết định đưa ra phương pháp giao tiếp giữa người dùng và phần mềm là âm thanh. Ứng với mỗi thao tác, mỗi chữ họ gõ trên màn hình, họ sẽ nghe được họ đang làm gì”.
Tuy đã được TS. Đinh Điền cung cấp cho bộ dữ liệu về phát âm tiếng Việt nhưng khó khăn lại tiếp tục nảy sinh: “Xây dựng bộ gõ tích hợp hay xây dựng cả chương trình soạn thảo?”. Suy đi tính lại, Thắng và các bạn đã chọn giải pháp xây dựng một bộ gõ tích hợp với chương trình soạn thảo văn bản Microsoft Word. Cái hay của giải pháp này là hầu như máy tính nào cũng có M.Word cả rồi, ai cũng biết sử dụng M.Word cả rồi, chỉ cần thêm vào một chương trình gõ tích hợp, ta sẽ tận dụng được sức mạnh của M.Word.
Nói thì như vậy nhưng để viết một phần mềm tích hợp vào đứa con cưng của ngài Bill Gates quả không đơn giản chút nào. Các bạn đã phải mở bung M.Word ra, xem xét các tính năng, hệ thống tổ hợp phím chức năng, hệ thống menu, hệ thống thanh công cụ... để làm sao phần mềm viết ra không bị đụng với bất kì chức năng nào của M.Word. Công việc khá vất vả vì các bạn vừa làm sản phẩm này, vừa phải thi học kì.
“MATA-Braille”, cái tên của nó còn bắt nguồn từ Mái Ấm Thiên Ân. Đây là nơi nuôi dưỡng, dạy nghề, là điểm sinh hoạt của những người bị khiếm thị và cũng là nơi các bạn sinh viên này đến tìm hiểu thực tế. “Phải cùng làm việc với họ, phải hiểu họ để nắm bắt các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày cũng như thói quen khi sử dụng máy vi tính của họ để thiết kế bàn phím gõ sao cho hợp lí. Có đến thăm, có sống chung với họ một thời gian, chúng tôi mới cảm nhận được tất cả khó khăn của họ và nhóm đã hạ quyết tâm phải thực hiện bằng được đề tài này.”, một bạn tâm sự.
Sản phẩm này khi được kích hoạt sẽ hiện ra như là một menu con của M.Word, cho phép gõ tiếng Việt theo các bảng mã, kiểu gõ khác nhau, đặc biệt là kiểu gõ cho người khiếm thị. Hơn nữa, phần mềm còn có chức năng sữa lỗi, kiểm tra chính tả bằng giọng nói. Ngoài ra, “MATA-Braille” còn có thể chuyển đổi văn bản qua lại giữa các font chữ bình thường và font chữ nổi, tạo điều kiện cho việc in các văn bản dành cho người khiếm thị được dễ dàng hơn.
Sản phẩm này hiện chỉ mới tích hợp với M.Word, sử dụng Windows 2000 hoặc Windows XP. Nhóm đang có hướng nghiên cứu phát triển để sản phẩm có thể tích hợp với nhiều phần mềm soạn thảo văn bản khác nhau. Mong muốn của nhóm là làm sao sản phẩm đến được với càng nhiều mái ấm càng tốt. Đó cũng là nguyên nhân để nhóm quyết định gửi sản phẩm tham gia cuộc thi Nhân Tài Đất Việt 2005.
Nguồn: dantri.com.vn 21/6/2005