Mắt thần cho người mù
Sau hơn 4 năm nghiên cứu, tiến sĩ (TS) trẻ Nguyễn Bá Hải (31 tuổi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã tạo ra một món quà quý dành tặng người khiếm thị: phiên bản mới nhất thiết bị dẫn đường.
Món nợ ân tình
TS Bá Hải cho biết khi còn làm trong Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, anh tham gia nhiều chương trình xã hội dành cho người mù. Mấy năm du học ở Hàn Quốc, anh đành bỏ dở những hoạt động này và thấy áy náy trong lòng. Anh bày tỏ: “Tôi về nước năm 2010. Tình cờ đi ngang qua Hội Người mù Thủ Đức, tôi thấy như mình đang mắc nợ điều gì đó”.
Thế là, TS Hải và nhóm nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu lý thuyết về thiết bị hỗ trợ người mù, với ý định giúp họ tự tin hơn và bớt lệ thuộc trong những sinh hoạt hằng ngày. Đầu năm 2012, anh hồi hộp mang sản phẩm mới hoàn thành (phiên bản 1) đến nhờ một số cô chú người mù sử dụng thử. “Lúc đó, chúng tôi sợ thất bại, nhưng rõ ràng là… thất bại thật!”, TS Hải nhớ lại với nụ cười hóm hỉnh.
Vào thời điểm ấy, thiết bị mang tên SPKT Eye, có cấu trúc phức tạp và nặng hơn 2 kg. Đã thế, giá thành sản phẩm lại đắt đỏ, hơn 20 triệu đồng/cái. Dù vậy, TS Hải vẫn lạc quan: “Có người nói chúng tôi đang làm chuyện viển vông, khó thành công. Nhưng chính niềm tin yêu của người mù là sự động viên lớn nhất, để chúng tôi kiên trì cải tiến sản phẩm”.
Sự ra đời của Mắt thần 2
Ngày 23.7 vừa qua, Trung ương Hội LHTN VN, Trung tâm tình nguyện quốc gia phối hợp với Công ty TNHH Kiến Bình Minh đã trao 30 kính điện tử giúp tránh vật cản cho thương binh và học sinh nghèo khiếm thị tại Hà Nội.
Đây chính là sản phẩm phiên bản mới nhất (phiên bản thứ 9) với tên gọi Mắt thần 2, do TS Nguyễn Bá Hải và cộng sự nghiên cứu thành công trong năm 2014. Lần này, thiết bị dẫn đường có hình dạng như chiếc mắt kính, được nối với một sợi dây báo pin.
Theo TS Bá Hải, khi mới bật lên, thiết bị sẽ tự động báo lượng pin còn lại cũng như tình trạng hoạt động của Mắt thần. 6 giây sau, nó bắt đầu thực hiện chức năng dò đường. Khi gặp vật cản, kính sẽ rung. Vật càng xa rung càng ít, vật càng gần rung càng nhiều. Người mù có thể xoay nhẹ đầu để biết vật ở cao hay thấp, to hay nhỏ, vật đang ở bên trái hay bên phải, từ đó giúp họ đổi hướng đi an toàn.
Tác giả nghiên cứu đã sử dụng những linh kiện và công nghệ hiện đại, nhằm tiết kiệm pin cũng như kéo dài tuổi thọ linh kiện. Gần đây, một số giáo sư ở Mỹ, Phần Lan, Dubai, Hàn Quốc đã dùng thử Mắt thần 2 và đánh giá cao về giải pháp nhỏ gọn, hiệu quả, giá thành thấp (khoảng 2,2 triệu đồng/cái).
Tính đến nay, đã có hơn 210 Mắt thần 2 được trao tặng người mù trên cả nước, dưới sự tài trợ của Công ty Kiến Bình Minh cùng sự đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức.
Dù rất vui khi được sở hữu Mắt thần 2, song thầy giáo Nguyễn Văn Thanh (Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM) cũng góp ý thêm: “Lúc gặp cùng lúc nhiều vật cản ở nhiều hướng khác nhau, mắt kính chỉ mới báo được một chiều chứ chưa báo được đa chiều. Ngoài ra, nếu bớt được sợi dây báo pin lòng thòng bên người thì sẽ tiện lợi hơn và sản phẩm càng giống với chiếc kính bình thường hơn”.
Tiếp thu những phản hồi, TS Hải cho biết hiện anh và cộng sự đang triển khai ba nhánh nghiên cứu, để phát huy tối đa các tính năng và hoàn thiện thiết bị cũng như tích hợp khả năng quan sát thế giới xung quanh 360 độ.
"Hãy dấn thân với đam mê và kiên trì theo đuổi ước mơ, vì chúng ta chỉ sống một lần", TS Nguyễn Bá Hải tâm niệm.
TS Nguyễn Bá Hải (quê Thanh Hóa) được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2012. Anh là người sáng lập “Khóa học 1 đô la” nổi tiếng về nhận diện đam mê - sáng tạo, lập trình máy tính và robot. Một số công trình nghiên cứu khác do anh chủ trì được đánh giá cao là: Robot phục vụ xây dựng trong những hệ thống ống cống của các khu công nghiệp, chung cư (hợp tác bởi Công ty cổ phần Bốn Phương); Sáng chế tái tạo cảm giác lái trong ô tô nhờ việc đo dòng điện trực tiếp có giá thành thấp. Riêng thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị (Mắt thần) đã đoạt giải nhất tuần Nhà sáng chế VN, giải thưởng Robocon Techshow 2012... |