Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/06/2006 22:26 (GMT+7)

Maicơn Faraday: Biến từ thành điện

Vào một ngày đẹp trời năm 1791, tại ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông thợ rèn Pharađây ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, đã ra đời cậu bé thần đồng Maicơn. Hai ông bà đặt hết hi vọng vào cậu con trai trong tương lai. Mặc dù phải vất vả khó nhọc mới kiếm nổi miếng ăn, bố Maicơn vẫn cho con ăn học đầy đủ. Để đền đáp lại, Maicơn đã chăm chỉ học tập và trở thành học sinh luôn được bạn bè yêu mến khâm phục. Còn thầy giáo Uynlơ thì thường xuyên nêu gương tốt của Maicơn trước lớp và gửi giấy khen của nhà trường về thành tích học tập của cậu cho ông bà Pharađây.

Một hôm thầy Uynlơ đợi mãi không thấy Maicơn đến lớp . Khi cả lớp vừa tan học, thầy mới thấy cậu đến gặp mình với vẻ mặt buồn bã. Maicơn nức nở kể với người thầy yêu quý, mình phải bỏ học để giúp đỡ gia đình đang gặp khó khăn.Thầy Uynlơ lựa lời an ủi:

Phải bỏ học vào tuổi 14 như em quả là điều không may cho em. Nhưng nếu quyết tâm trở thành người có học vấn, em sẽ biết cách để tiếp tục học tập bằng mọi cách. Thầy tin rằng với trí thông minh và lòng kiên trì, nhất định em sẽ đạt đươc ước mơ của mình.

Cảm ơn thầy. Em sẽ luôn ghi nhớ những lời dạy bảo ân cần của thầy.

Ngay ngày hôm sau, Maicơn đã được cha dẫn đến nhà một người bạn đồng thời là ông chủ hiệu sách Mirabô. Vốn là chiến sĩ cộng hoà Pháp sống trên đất Anh, ông tiếp nhận chú bé Pharađây với tấm lòng ưu ái và thông cảm. sau khi tiễn bạn ra về ông Mirabô liền bảo:

-Cháu ở đây với bác cũng coi như ở nhà. Bác sẽ dậy cho cháu nghề đóng sách để tự kiếm sống.

Maicơn dặt dè hỏi thêm:

-Thưa bác, sau giờ làm việc, buổi tối cháu có thể đọc sách của bác ở đây không ạ?

-Được!-Ông chủ vui vẻ gật đầu-Bể học là khôn cùng. Ở đây rất nhiều loại sách khác nhau. Bác sẽ hướng dẫn cháu tìm đọc những loại sách tốt và cần thiết với cháu sau này.

Từ hôm đó, ban ngày Maicơn học hỏi công việc đóng sách. Còn ban đêm lại chong đèn lên học tập các kiến thức khoa học để bù đắp lại thiệt thòi không được đến trường. Rất may là ông Mirabô không những không cản trở việc này mà còn khuyến khích và hướng dẫn cậu học tập có hệ thống và đọc những sách khoa học hữu ích theo trình tự từ thấp lên cao. Nhiều đêm, Maicơn thiếp đi ngay trên bàn học, ông Mirabô với tình yêu của người cha tắt đèn hộ cậu và bế cậu lên giường ngủ, đắp chăn lại cẩn thận.

Hơn nữa, ông Mirabô còn dành cho Maicơn cả cái gầm cầu thang để cậu có thể làm phòng thí nghiệm nhỏ. Tại đây cậu đã làm những thử nghiệm khoa học kiểm nghiệm những bài học trong sách vở đồng thời tự nghĩ ra những thí nghiệm đầy tính sáng tạo. Cũng chính tại đây, thiên tài của Maicơn đã lóe lên những ánh sáng đầu tiên về điện và từ mà sau này đã bùng lên thành ngọn lửa sáng tạo kỳ diệu của một trong những nhà phát minh vĩ đại trong lịch sử nhân loại.

Hồi ấy, sau một tuần làm việc và học tập ở cửa hàng sách, Maicơn lại về thăm gia đình, đặc biệt, cô em Mecghi đáng yêu luôn mong chờ anh đem về những món quà mới, nhất là những trò chơi khoa học kỳ lạ gần như ảo thuật do Maicơn nghĩ ra.

Một lầm Maicơn đem về một cái hộp bọc giấy kín trao cho Mecghi và bảo:

-Tặng em món quà đặc biệt này.

-A, hay quá!-Mecghi nhảy cẫng lên vui sướng reo to-Cảm ơn anh Maicơn.

Dứt lời, Mecghi liền hăm hở mở gói quà ra thì thấy bên trong là một cái hộp có nắp bằng thủy tinh. Bên trong đựng các hình người bằng giấy. Cô bé liền hiểu rằng đây là hộp đồ chơi thú vị của anh tặng nhưng chưa biết sử dụng những hình nhân bằng bìa cứng này như thế nào. Như đoán được ý nghĩa của em, Maicơn liền bảo:

-Anh sẽ làm cho những hình nhân này đứng bật dậy nhảy múa cho em xem nhé!

Vừa nói, Mai cơn vừa lấy miếng dạ sát mạnh vào nắp hộp bằng thủy tinh. Kỳ lạ thay! Như có phép phù thủy, các hình nhân bật dậy, bay lên dính chặt đầu vào nắp thủy tinh. Mecghi ngạc nhiên hỏi:

-Anh học được phép phù thủy ở đâu đấy?                                    

Maicơn lắc đầu cười:

-Đây không phải là phép phù thủy đâu mà là khoa học đấy! Khi sát dạ vào thủy tinh sẽ tạo ra điện có sực hút các hình nhân bằng giấy. Điều này anh học được ở các sách khoa học, trong hiệu sách của bác Mirabô.

Với thời gian, kiến thức của Maicơn tích lũy được ngày càng nhiều. Khi cậu đã học lên cao, kiến thức của ông Mirabô đã không đủ để hướng dẫn nữa. Rất may là Maicơn đã có được một thầy giáo trung học hào hiệp giúp đỡ. Thầy sẵn lòng giảng bài và giải đáp thắc mắc cho cậu học trò chăm chỉ và ham hiểu biết không lấy tiền thù lao.

Và rồi một dịp may đã đến với Maicơn và làm thay đổi hẳn số phận của cậu. Hôm ấy, nhà hóa học Pháp nổi tiếng Clêmăng được Hội khoa học Hoàng gia Anh mời sang thuyết trình nghiên cứu của mình ở thủ đô Luân Đôn. Nhà hóa học cần một trợ lý giúp đỡ ông tiến hành thí nghiệm. Thế là thầy giáo giàu lòng nhân ái của Maicơn liền tiến cử anh phục vụ cho nhà bác học Pháp. Buổi thuyết trình có minh họa bằng thực nghiệm của Clêmăng diễn ra với sự trợ giúp của Maicơn đã hoàn thành tốt đẹp. Qua đó nhà bác học rất hài lòng với tính cẩn thận, chu đáo và óc thông minh, sáng tạo và nhất là đôi bàn tay khéo léo của Maicơn. Khi Clêmăng trả tiền cho anh, Maicơn đã lắc đầu nói:

-Cháu không dám nhận tiền công của ông mà chỉ xin ông ban cho một vài đặc ân:

Với ảnh hưởng và uy tín của mình, ông có thể đề nghị với Chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia cho phép cháu được tham dự những buổi thuyết trình khoa học của Hội.

-Việc này kể ra cũng hơi khó nhưng tôi cũng cứ thử xem.

Chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia tuy không thích thú gì với đề nghị của Clêmăng nhưng vì nể lời yêu cầu của nhà bác học Pháp nên đành phải chấp nhận cho chàng trai nghèo vô danh Maicơn Pharađây đến dự thính một số cuộc hội thảo ở Hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh vốn được tiếng là bảo thủ, cánh cửa tôn nghiêm của Hội khoa học Hoàng gia đã miễn cưỡng phải mở ra để cho con trai người thợ rèn thất học bước vào cùng với các ngài hàn lâm quý tộc có học vấn uyên bác hàng đầu của vương quốc.

Để trao đổi kiến thức ở trình độ cao hơn, Maicơn đã dành phần lớn tiền lương ít ỏi của mình để trả học phí ở các lớp buổi tối mà anh theo học đều đặn và mua sách vở, dụng cụ thí nghiệm.

Nhưng số phận của Maicơn thật trớ trêu. Giữa lúc việc học tập của anh đang trên đà tiến triển tốt đẹp thì một tai họa ghê gớm đã giáng xuống đầu. Cha anh trụ cột kinh tế của cả gia đình đã qua đời đột ngột. Cả nhà chỉ còn trông cậy vào mình Maicơn. Anh đành phải bỏ cả các buổi học tối và ngừng các thực nghiệm khoa học để dồn lương ít ỏi của mình vào việc nuôi mẹ già em nhỏ.

Thấy tình cảnh khó khăn của Maicơn, có người đã xin cho anh làm chân quản gia với lương tháng tám mươi xteclinh là số tiền thời ấy đủ nuôi cả nhà. Vậy mà chàng thanh niên nghèo khổ nhưng ham học đã từ chối để xin làm trợ tá thí nghiệm cho vị giáo sư hóa học lừng danh Đêvi với đồng lương ít ỏi, chỉ bằng một phần ba lương quản gia.

Tuy nhiên Maicơn đã được đền bù sự thiệt thòi về tiền bạc bằng việc giáo sư xin cho đến nghe giảng ở một trường đại học và điều quý giá hơn cả là học hỏi phương pháp nghiên cứu khoa học của nhà bác học hàng đầu của nước Anh, người đã phát minh ra loại đèn thợ mỏ Đêvi nổi tiếng. Nhờ loại đèn này mà hàng ngàn sinh mạng thợ mỏ than ở Anh đã được cứu thoát khỏi tai nạn cháy nổ ở mỏ như khi còn sử dụng đèn kiểu cũ.

Với phòng thí nghiệm của giáo sư Đêvi, Maicơn đã làm việc hết sức say mê và cần cù. Với trí thông minh khác thường, sự quan sát tinh tế sắc sảo và đặc biệt là kỹ thuật thực nghiệm khéo léo, chính xác, được rèn luyện từ những năm còn thơ ấu. Maicơn đã nhanh chóng trở thành người trợ thủ đắc lực và tin cậy của giáo sư Đêvi.

Năm tháng trôi qua, Maicơn Pharađây từ một người giúp việc thí nghiệm non nớt, còn nhiều lỗ hổng trong kiến thức đã dần nắm vững tất cả những kiến thức cần thiết ở bậc đại học để đứng vững trên đôi chân của chính mình. Anh đã có những công trình nghiên cứu riêng của bản thân được công bố trên tạp chí khoa học. Những người ở Hội khoa học Hoàng gia cũng đã nhắc đến tên tuổi Pharađây như một nhà khoa học trẻ đầy tài năng và có triển vọng còn tiến xa.

Hướng nghiên cứu được Pharađây tập trung trí tuệ để giải quyết là làm thế nào có thể biến từ thành điện. Ý tưởng này đã nảy sinh trong đầu ông khi nghiên cứu thí nghiệm rất lý thú được thực hiện bởi nhà phát minh Đan Mạch lừng danh ở Ocxter. Khi đặt kim nam châm song song với dây dẫn, thì mỗi lần có dòng điện chạy qua kim nam châm lại bị lệch đi. Từ đó Pharađây suy ra giữa điện và từ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Ông cho rằng nếu một khi dòng điện có thể sinh ra từ làm lệch kim nam châm hẳn sẽ sinh ra dòng điện.

Ý tưởng này đã bám sát đầu óc Pharađây suốt mười năm trời không lúc nào chịu buông tha ông. Nhà bác học đã làm đi làm lại đủ các thí nghiệm khác nhau mà không sao chứng minh nổi ý nghĩ mới của mình là có cơ sở thực tế.

Cuối cùng, lòng kiên trì của Pharađây đã được đền bù xứng đáng.

Vào một ngày mùa đông giá rét năm 1831, khi sương mù vẫn còn dày đặc bầu trời Luân Đôn, Pharađây và người trợ lý là Góocgiơ đã bắt tay vào một thí nghiệm mang tính quyết định. Pharađây ngồi trước cuộn dây, tay cầm thanh nam châm sẵn sàng chuẩn bị thao tác. Còn Gióocgiơ sang phòng bên, nơi để chiếc điện kế có nối với cuộn dây nối từ phòng của Pharađây. Điều này bảo đảm loại trừ ảnh hưởng của nam châm tới chuyển động của kim điện thế.

Pharađây tay run run cầm thanh nam châm đưa qua đưa lại trong lòng cuộn dây hồi hộp chờ đợi. Bỗng có tiếng Gióocgiơ từ phòng bên vọng sang:

-Kim điện thế lệch đi rồi! thành công rồi.

Pharađây vội bổ nhào sang chỗ Gióocgiơ, ông nhìn kim điện thế đứng yên thoáng vẻ thất vọng. Nhưng Gióocgiơ đã giải thích ngay:

-Vừa rồi tôi thấy mỗi lần thanh nam châm chuyển dịch thì kim điện thế lại lệch đi rồi lại trở về chỗ cũ. Khi anh sang bên này thì nó cũng vừa dừng lại.

Để kiểm tra lại, Pharađây đổi vị trí cho Gióocgiơ sang phòng mình thao tác thanh nam châm và cuộn dây. Quả nhiên, ông đã thấy kim điện kế đã chuyển động điều đó có nghĩa là từ đã biến thành điện đúng như ông dự đoán về mặt lý thuyết.

Thế là Pharađây đã kỷ niệm lần thứ 40 ngày sinh của mình bằng một phát minh vĩ đại: Hiện tượng cảm ứng điện từ. Phát minh này đã mở đường cho sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật điện và vô tuyến điện sau này. Có thể nói đây là một trong những thành tựu khoa học quan trọng hàng đầu của loài người ở đầu thế kỷ 19.

Nhưng Pharađây thấy rằng các nguồn điện đã biết như điện do cọ sát, điện sét, pin vonta và cơ điện sinh vật nữa cho tời giờ vẫn những là những nguồn điện thiếu liên tục hoặc quá yếu khó có thể đem lại ứng dụng có ý nghĩa thực tiễn. Do đó cần phải tìm ra nguồn cung cấp điện mới vừa bảo đảm liên tục vừa đủ mạnh. Và hiện tượng cảm ứng điện từ mà ông mới khám phá là rất thích hợp với mục đích này.

Và rồi Pharađây lại lao vào chế tạo loại động cơ điện với một niềm say mê và hào hứng bất kể ngày đêm. Ông làm thí nghiệm với các bản thiết kế khác nhau về bố trí nam châm và cuộn dây trong máy suốt từ sáng sớm cho tới tối mịt. Nhiều khi mệt quá ông ngủ thiếp đi ngay trong phòng thí nghiệm. Thậm chí ngay trong các giấc ngủ bên cạnh người vợ trẻ Xara, ông cũng mơ mình chế tạo được động cơ điện kỳ diệu. Thấy Maicơn không lúc nào chịu rời những cuộn dây đồng cuốn theo đủ các kiểu khác nhau bà Xara cũng phải trách yêu:

-Em đến phát ghen với những cuộn dây của anh rồi đấy.

-Em không phải ghen lâu nữa đâu-Maicơn chỉ mỉm cười đáp-Anh sắp đưa “Cô nàng” từ phòng thí nghiệm đến nhà máy rồi. Nói vậy nhưng Maicơn cũng không thể nào biết được ông còn phải mất bao nhiêu thời gian và trí lực mới có thể đạt được điều mình hằng trông đợi.

Và rồi vận may một lần nữa mỉm cười với con người tài năng và kiên trì theo mục đích đến cùng này.

Một lần Pharađây từ phòng thí nghiệm trở về nhà trong tâm trạng vô cùng mệt mỏi. Bà vợ vốn biết tính người chồng bác học nên vội vã đi chuẩn bị những món ăn lạ cho ông trong những trường hợp như thế này.

Trong khi Xara đang loay hoay với công việc bếp núc của mình thì Pharađây ngồi ở bàn ăn vẫn đắm chìm trong những dòng suy nghĩ về chiếc máy phát điện. Ông thừa biết về nguyên tắc có thể chuyển dịch nam châm hoặc cuộn dây ở vị trí tương đối với nhau đều có thể sinh ra dòng điện. Nhưng thực tế không thể tạo ra cuộn dây dài vô tận để tạo ra dòng điện liên tục được. “Vậy làm thế nào để giải quyết mắc míu này?” Pharađây đang băn khoăn tự hỏi thì Xara đã đặt ngay trước mặt chồng một đĩa thức ăn đặc biệt dành cho ông.

Pharađây lơ đãng nhìn xuống cái đĩa. Ông thấy những lát măng tây đã được vợ xếp trên đĩa xòe như những cánh hoa rất nghệ thuật. Trong đầu ông bỗng lóe ra một tia ý nghĩa thật mới mẻ. ông nhìn chăm chăm vào đĩa măng tây với đôi mắt long lanh đến kỳ lạ. Xara ngạc nhiên cất tiếng hỏi nhỏ:

-Có chuyện gì thế anh? Món này không làm anh thích thú sao?

-Không-Pharađây mỉm cười rồi hôn nhẹ lên má vợ-Em thật là tuyệt vời. Em đã giúp cho anh giải quyết một khó khăn mà bấy lâu nay anh không tài nào làm được.

-Anh cứ quá khen-Xara đỏ mặt nói.

-Em hoàn toàn xứng đáng với lời khen đó. Này nhé, em hãy tưởng tượng những cái măng tây kia là những thanh nam châm đặt theo đường kính của đĩa tròn lần lượt hướng các cực đổi chiều nhau ra ngoài. Còn bên ngoài đĩa là cuộn dây đồng cũng gắn theo một vành tròn lớn hơn chu vi của đĩa. Khi ta quay đĩa có gắn nam châm và tốc độ quay thì có thể thu được dòng điện mạnh theo ý muốn. Em đã rõ chưa?

-Rõ!-Xara đứng nghiêm nói rồi phá lên cười vui vẻ.

Trong khi đó, Pharađây không kịp thưởng thức món măng tây tuyệt diệu của vợ chuẩn bị mà vội lao đến phòng thí nghiệm để kiểm chứng ý nghĩa mới mẻ của mình. Bà Xara chỉ còn biết nhìn theo lắc đầu.

Sau một đêm thức trắng để loay hoay với việc bố trí các cuộn dây theo kiểu mới, Pharađây đã hoàn thành việc chế tạo chiếc máy phát điện. Khi Gióocgiơ vừa bước vào phòng thí nghiệm thì đã được chứng kiến một cảnh tượng tuyệt diệu: Pharađây quay máy ảnh và những tia lửa điện xanh lè liên tục phát ra cùng với tiếng kêu lách tách nghe thật vui tai. Người trợ lý chỉ còn biết đững ngây ra trước kỳ tích của một tài năng sáng tạo bậc thầy với vẻ đầy thán phục.

Việc chế tạo thành công chiếc máy phát điện đầu tiên tuy còn dưới dạng sơ khai dựa trên hiện tượng quay từ điện do Pharađây tìm ra đã khiến ông vô cùng phấn khởi. Ông đã gửi ngay công trình nghiên cứu xuất sắc của mình cho tạp chí khoa học của Hội khoa học Hoàng gia Anh. Vậy mà mãi bốn tháng sau khám phá của ông mới được công bố. Sự chậm trễ này đã gây ra một điều rất đáng tiếc đối với nhà khoa học thiên tài.

Số là vì trong lúc công trình của Pharađây chưa kịp ra mắt độc giả, thì lại có một nhà vật lý quý tộc là Vlaxtơn đã nghiên cứu đúng đề tài của ông. Vlaxtơn hoàn thành công trình chậm hơn Pharađây nhưng lại kịp công bố trước ông. Vì thế có dư luận đồn là Pharađây đã đánh cắp phát minh của Vlaxtơn. Nghe vậy Pharađây thản nhiên tuyên bố:

-Nếu ngài Vlaxtơn tìm ra hiện tượng này trước tôi thì tôi phải trả lại vinh dự cho ngài.

Mặc dù trong việc giành bản quyền phát minh Vlaxtơn có nhiều ưu thế vì là dòng dõi một dòng quý tộc quyền thế lâu đời nhưng ông không ỷ thế làm điều trái lương tâm mà đã công khai thừa nhận quyền phát minh hiện tượng quay điện từ thuộc về Pharađây. Phát minh này đã trở thành cơ sở để tạo ra động cơ điện được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống và mở ra thời đại điện khí hóa trong thế kỷ 20. Khi nghiên cứu hiện tượng xẩy ra khi cho dòng điện chạy qua chất lỏng. Pharađây lại phát hiện ra hai định luật mới về điện phân. Trên cơ sở này, nhân loại lại có thêm một loại lĩnh vực kỹ thuật mới ra đời như mạ điện, luyện kim..

Những phát minh vĩ đại của Pharađây thiên tài đã khiến ông nổi danh khắp thế giới. Rất nhiều viện hàn lâm khoa học đã bầu ông làm viện sĩ danh dự. Vậy mà trớ trêu thay, ngay ở trên nước Anh, quê hương mình, nhà bác học thiên tài lại vẫn đứng ở ngoài Hội khoa học Hoàng gia. Bởi lẽ nhà bác học Đêvi lấy quyền là chủ tịch Hội đã bác bỏ ý kiến đề nghị Pharađây vào Hội. Vì sao lại có chuyện bất công đối với một nhà khoa học có cống hiến lớn lao cho nhân loại như vậy?

Thì ra trong quá khứ, giữa giáo sư Đêvi và Pharađây đã xẩy ra một chuyện không được vui. Khi đó, tại nước Anh cùng với việc đẩy mạnh tốc độ khai thác than ở các mỏ lớn đã kèm theo những vụ nổ khí than rất khủng khiếp làm thiệt mạng hàng trăm thợ mỏ. Đêvi đã tiến hành nghiên cứu và chế tạo một loại đèn đặc biệt cho thợ mỏ. Nhờ tấm lưới kim loại bảo vệ phía ngoài, nhiệt độ của ngọn lửa bên trong đèn đã bị giảm đi rất nhiều khi tiếp xúc với khí than, Pharađây là cộng sự đắc lực của giáo sư Đêvi trong việc chế tạo và thử nghiệm loại đèn này.

Qua một số lần thí nghiệm đèn trong buồng đốt khí than không bị cháy nổ, Đêvi tỏ ra rất hài lòng và quyết định cho sản xuất hàng loạt để chuẩn bị cho thợ mỏ. Nhưng Pharađây lại cảm thấy chưa an tâm vì chiếc đèn vần còn một số nhược điểm cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm. Mặc dù Đêvi là người thầy mà anh kính trọng và chịu ơn rất nhiều nhưng trước sự an toàn cho tính mạng của thợ mỏ Pharađây đã buộc lòng phải chống lại quyết định của giáo sư Đêvi và kháng nghị lên Hội khoa học Hoàng gia. Hội đã đứng về phía Pharađây tạm ngừng việc sản xuất đèn để kiểm tra lại. Cuối cùng chỗ chưa tốt của đèn về mặt kỹ thuật an toàn đã được hoàn thiện và khắc phục.

Do lòng tự ái bị tổn thương, giáo sư Đêvi rất giận Pharađây và từ đó trong lòng ông như bị ngọn lửa của sự ghen tức đối với người học trò tài năng âm ỉ thiêu đốt. Và như những phát minh vĩ đại của Pharađây liên tiếp ra đời gây chấn động trên toàn thế giới, làm lu mờ cả vầng hào quang vẫn bao bọc quanh Đêvi thì ngọn lửa độc ác đó càng bùng lên mãnh liệt khiến ngài nam tước, chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia đã có hành động thiếu cao thượng với Pharađây thiên tài.

Rất may là sau này ông Vlaxtơn chính trực đã giúp Đêvi sửa chữa lại sai lầm của mình. Ông đã thuyết phục được ngài chủ tịch Hội thôi cố chấp và vui vẻ chấp nhận việc đề cử Pharađây vào Hội khoa học Hoàng gia.

Với tài năng và đức độ của mình, Maicơn Pharađây đã nhanh chóng trở thành một viện sĩ có uy tín nhất trong Hội khoa học Hoàng gia Anh. Đến gần cuối cuộc đời, ông đã được đề cử giữ chức chủ tịch Hội. Thậm chí nữ hoàng Anh cũng đề nghị ban cho con trai người thợ rèn nghèo khổ hiệu quý tộc nam tước để tỏ lòng trân trọng tài năng của ông và sự đánh giá cao cống hiến lớn lao của nhà phát minh vương quốc Anh. Đối với người bình thường thì coi đó là vinh dự quá lớn lao nhưng với Pharađây, một người có tâm hồn thanh cao không màng danh lợi thì hoàn toàn khác. Ông đã từ chối cả chức vụ chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia lẫn tước hiệu nam tước.

Sau cả một quãng đời dài suất 67 năm gần như cống hiến toàn bộ tài năng và trí tuệ cho khoa học, mùa hè năm 1867, Pharađây đã ốm nặng. Trước khi từ giã thế giới này, nhà bác học vĩ đại còn dành chút thời gian còn lại để soạn lại tất cả các tập ghi chép thí nghiệm của ông với hàng vạn thực nghiệm lặp đi lặp lại không biết bao lần về các lĩnh vực mà ông nghiên cứu. Ông đã nhắn nhủ các học trò, những người của thế hệ tương lai những lời tâm huyết: “Các bạn hãy làm việc và suy nghĩ ngay cả khi chưa thấy một tia sáng nhỏ bé. Dù sao như thế vẫn còn tốt hơn là sống nhàn rỗi..”.

Vào buổi sớm ngày 25 tháng 8 năm 1867, trái tim của nhà khoa học vĩ đại đã ngừng đập, nhưng những phát minh thiên tài của ông mở đường cho nhân loại bước vào thời đại điện khí hóa, tự động hóa sau này vẫn còn sống mãi với thời gian.

Nguồn: Thông tin thị trường KHCN, số 14+15, tháng 1+2 năm 2005.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.