Mai Thúc Loan (? - 722) với cuộc quyết chí đại định đầu thế kỷ VIII
Bộ chính sử đầu tiên của nước ta có đề cập tới nhân vật Mai Thúc Loan (xem thêmKhởi nghĩa Mai Thúc Loan ) là Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4-b), nhưng tất cả cũng chỉ gồm vỏn vẹn chừng độ ba bốn chục chữ và tất nhiên là số lượng những thông tin quan trọng hầu như không có gì đáng kể. Mấy thế kỷ sau, các sử gia trong Quốc Sử Quán Triều Nguyễn với việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 4, tờ 21), đành là có cố gắng sưu tầm thêm tư liệu và ghi chép về nhân vật Mai Thúc Loan tương đối dài hơn, song mức độ cũng chỉ rất giản lược.
Ở Trung Quốc, từ góc độ chủ yếu là ghi nhận hoạt động của đội ngũ quan lại trực tiếp nắm quyền đô hộ tại nước ta, một vài tác phẩm sử học mà đặc biệt hơn cả là Tân Đường Thư (do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn), cũng có viết về Mai Thúc Loan. Tất nhiên là bức chân dung Mai Thúc Loan trong sử sách của Trung Quốc luôn luôn bị bóp méo, hành trạng của Mai Thúc Loan trở nên xa lạ với chính ông và bối cảnh lịch sử của thời đại ông.
Tóm lại, thông tin về Mai Thúc Loan trong kho thư tịch cổ là rất rời rạc và nghèo nàn. Mặc dù vậy, nếu cẩn trọng tổng kết những ghi chép tản mạn trong các bộ sử cũ của ta và của Trung Quốc, đồng thời, cố gắng đối chiếu thật tỉ mỉ với nội dung các thần tích và lời kể của truyền thuyết dân gian (nhất là thần tích và truyền thuyết dân gian ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), chúng ta cũng có thể bước đầu phác hoạ được vài nét về lý lịch cuộc đời và sự nghiệp của Mai Thúc Loan.
1. QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ THỜI ĐẠI
Mai Thúc Loan người làng Mai Phụ, thuộc Hoan Châu. Làng Mai Phụ (tên Nôm là Kẻ Mỏm) nguyên xưa thuộc huyện Thiên Lộc, sau là huyện Can Lộc, nay thuộc xã Thạch Bắc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (Thư lịch cổ Trung Quốc luôn chép sai tên của Mai Thúc Loan, có khi chép là Mai Huyền Thành, có khi chép là Mai Lập Thành, lại có khi chép là Mai Thúc An... Và cũng trong thư tịch cổ của Trung Quốc, sự nghiệp của Mai Thúc Loan luôn được thổi phồng lên mà lý do chủ yếu là bởi chính quyền đô hộ của nhà Đường ở nước ta muốn đề cao công đánh dẹp của mình).
Truyền thuyết dân gian ở vùng huyện Thạch Hà cho hay rằng, họ Mai chính là họ của thân mẫu Mai Thúc Loan còn như thân sinh của ông họ tên gì thì chưa rõ. Mai Thúc Loan phải chịu cảnh mồ côi cha từ lúc còn rất nhỏ tuổi, gia đình ông thuộc vào hàng nghèo khó nhất vùng Kẻ Mỏm đương thời. Tài sản quý giá nhất của Mai Thúc Loan chính là sức khoẻ mà ông may mắn được trời ban cho.
Đời truyền rằng, Mai Thúc Loan người cao to, tay buông dài quá gối còn làn da thì rất đen. Ông rất giỏi võ nghệ, lại có tiếng là sáng dạ và đặc biệt là rất có... duyên! Năm Mai Thúc Loan chưa đầy 10 tuổi thì thân mẫu ông dời nhà ra định cư ở vùng rừng núi Ngọc Trừng (vùng này nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Tại đây Mai Thúc Loan đã phải làm đủ mọi việc nặng nhọc nhất để kiếm sống: vào rừng lấy củi về bán, chăn trâu, đi cày thuê cuốc mướn, ở đợ...Tuy phải sống rất cơ cực và vất vả phải chịu đựng thiếu thốn trăm bề, nhưng ông luôn luôn yêu đời. Hai mẹ con ông lúc nào cũng biết thương yêu đùm bọc và che chở cho nhau. Bấy giờ, Mai Thúc Loan lại có tiếng là người rất giàu lòng hiếu thảo nên dân trong vùng ai cũng đều quý mến gia đình Mai Thúc Loan.
Mai Thúc Loan lớn lên trong cảnh non sông bị chìm đắm bởi ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường (618-907), trăm họ phải chịu đựng không biết bao nhiêu nỗi thống khổ. Bấy giờ ở Trung Quốc, phe cánh của Vũ Tắc Thiên (họ và tên thật là Vũ Chiếu, sinh năm 624, mất năm 705, hưởng thọ 81 tuổi. Vũ Tắc Thiên nguyên là hoàng dậu của Đường Cao Tông (649-683) và được Đường Cao Tông rất sủng ái, từng cùng với Đường Cao Tông xưng là Nhị Thánh, đồng thời tham gia giải quyết những việc lớn của triều đình. Năm 683, Đường Cao Tông qua đời, con là Lý Hiển (Đường Trung Tông) được đưa lên nối ngôi nhưng Vũ Tắc Thiên lại nắm quyền Giám triều. Năm 684, Vũ Tắc Thiên phế Đường Trung Tông rồi lập Lý Đán (tức Đường Duệ Tông, em ruột của Đường Trung Tông), nhưng chẳng bao lâu sau Đường Duệ Tông cũng bị Vũ Tắc Thiên phế bỏ. Năm 690, Vũ Chiếu chính thức lên ngôi hoàng đế, xưng là Thánh Thần Hoàng đế, đổi quốc hiệu là nhà Chu và dời kinh đô từ Trường An về Lạc Dương. Sử Trung Quốc gọi đó là thời Vũ Chu (690-705)) đã bị lật đổ, hoàng đế mới của nhà Đường là Đường Huyền Tông (712-756) (tên là Lý Long Cơ, hoàng đế thứ bảy của nhà Đường, con thứ của Đường Duệ Tông, sinh năm 685, lên ngôi năm 712, ở ngôi hoàng đế 44 năm (712-756), ở ngôi thượng hoàng 6 năm (756-762), mất năm 762, hưởng thọ 77 tuổi) ra sức tìm đủ mọi cách để củng cố ngôi vị và quyền lực của mình. Ách thống trị của nhà Đường đối với nước ta vì thế mà càng thêm tàn bạo. Lợi dụng việc trấn trị ở nơi quá cách xa triều đình trung ương, bọn quan lại đô hộ tự cho mình quyền được tự tung tự tác. Nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng, viên quan nào muốn được cử đi An Nam Đô hộ phủ cũng đều phải bỏ tiền ra hối lộ, ấy gọi là tiền gạo tiến thân (Âu Dương Tu, Tống Kỳ (Trung Quốc). Tân Đường Thư - Sách đã dẫn). Để bù lại số tiền gạo tiến thân đã bỏ ra và quan trọng hơn nữa, để làm giàu cho riêng mình, chúng tìm đủ cách để vơ vét. Lúc này, Tô-Dung-Điệu tuy đã được đặt ra nhưng chế độ cống nạp vẫn được áp dụng một cách rất phổ biến và ráo riết. Mượn danh nghĩa thu cống phẩm cho triều đình, bọn quan lại nhà Đường ngang nhiên tước đoạt của nhân dân ta tất cả những gì mà chúng xếp vào loại đặc sản, tất cả những gì mà chúng cho là quý nhất, tốt nhất, đẹp nhất và lạ nhất, tất cả những gì chúng muốn có và tất cả những gì mà chúng không muốn dân ta có. Phần tài sản của nhân dân ta mà chúng ngang nhiên tước đoạt một cách trắng trợn này được gọi là ngoại suất (Nhạc Sử (Trung Quốc). Thái bình Hoàn vũ ký. Kim Lăng ấn bản.). Với xã hội đương thời, ngoại suất luôn luôn là nỗi ám ảnh nặng nề. Điều đáng nói là hầu hết các khoản ngoại suất đều được chính quyền đô hộ nhà Đường quy ra lụa và cứ mỗi lần quy đổi là thêm một lần thiệt hại cho dân.
2. ĐẤT BẰNG NỔI SÓNG
Năm 722, Mai Thúc Loan lại phải đi phu. Bấy giờ, chính quyền đô hộ của nhà Đường quy định dân đinh mỗi năm phải đi phu từ 20-50 ngày. Tất nhiên, đó chỉ là quy định trên giấy tờ chứ trong thực tế thì mọi dân đinh nghèo khổ đều phải quanh năm đi lao động không công để phục dịch cho giai cấp thống trị. Lần này, Mai Thúc Loan phải làm phu đi gánh quả vải (Gần đây có người đặt vấn đề nghi ngờ việc Mai Thúc Loan đi gánh quả vải với lý do là ở vùng Nghệ An và Hà Tĩnh hầu như không có quả vải. Chúng tôi rất đồng ý rằng vùng Nghệ An và Hà Tinh hầu như không có quả vải, nhưng Mai Thúc Loan là người phải đi làm phu gánh quả vải ở các địa phương khác theo lệnh bắt buộc của chính quyền đô hộ nhà Đường chứ không phải là làm phu gánh quả vải từ Nghệ An hay Hà Tĩnh nên việc nghi ngờ như vậy là không có căn cứ vững chắc). Đường xa, gánh nặng, cực nhọc trăm bề, cho nên hễ nghe tới chuyện phải đi làm phu gánh quả vải là ai cũng ngao ngán. Lời một bài hát chầu văn ở vùng Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) có câu:
Nhớ khi nội thuộc Đường triều.
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai.
Sâu quả vải vì ai vạch lá.
Ngựa hồng trần kể đã héo hon.
(Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Lịch sử Việt Nam .
Tập 1.-H.: Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983.-Tr.446)
Đền thờ và lăng mộ Vua Mai tại chân Rú Đụn
- xã Vân Diên, Nam Đàn, Nghệ An
Không thể tiếp tục chịu đựng mãi cảnh bị áp bức bất công được nữa, Mai Thúc Loan đã dõng dạc kêu gọi toàn thể đoàn phu gánh quả vải đồng lòng vùng dậy chống ách đô hộ của nhà Đường. Ngay lập tức, lời kêu gọi của ông đã được toàn thể đoàn phu nhất tề hưởng ứng. Dân khắp cõi cũng nồng nhiệt ủng hộ lực lượng nghĩa sĩ do Mai Thúc Loan vừa mới thành lập và lãnh đạo. Quan quân đô hộ nhà Đường phải thực sự đối đầu với một cuộc đấu tranh vũ trang rất mạnh mẽ.
Địa bàn hoạt động đầu tiên cũng là địa bàn hoạt động chủ yếu và lâu dài nhất của nghĩa quân Mai Thúc Loan chính là vùng Châu Hoan, Châu Diễn và Châu Ái. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ngày dựng cờ xướng nghĩa, theo ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc thì Mai Thúc Loan đã nhanh chóng liên kết và tập hợp được dân chúng của 32 châu (Theo chúng tôi, con số 32 châu ở đây rất đáng ngờ, có lẽ là do bọn quan quân nhà Đường đi đàn áp Mai Thúc Loan vì muốn được định công to và được ban thưởng lớn nên đã nói phao lên như thế). Hơn thế nữa, cũng theo ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc thì Mai Thúc Loan còn nhận được sự hưởng ứng mãnh liệt của nhân dân một số nước chung quanh. Sử cũ chép rằng, Mai Thúc Loan đã “liên kết với dân các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vững Nam Hải, quân số lên đến 40 vạn người” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 4, tờ 21). Các tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4-b) không chép gì về nước Kim Lân. Xin chú thích thêm: Lâm Ấp về sau là một phần của Chiêm Thành, còn Chân Lạp lúc bấy giờ có lãnh thổ đại để tương ứng với vùng Nam bộ của nước ta cộng với Campuchia và một phần Đông Bắc của Thái Lan ngày nay. Kim Lân còn có tên khác là Kim Trần tức là Malaysia. Quân số của Mai Thúc Loan không thể đông tới 40 vạn. Một lần nữa đây là cách thổi phồng của quan quân nhà Đường, cốt để mong được định công to và ban thưởng lớn).
Nhờ có lực lượng khá đông đảo lại còn được nhân dân các địa phương đồng lòng ủng hộ. từ quê nhà là đất Nghệ An, Mai Thúc Loan đã cho đại quân rầm rộ tiến thẳng ra Bắc mà mục tiêu quan trọng hàng đầu chính là thành Tống Bình (vùng Hà Nội ngày nay). Quân Mai Thúc Loan tiến đến đâu là chính quyền của giặc tan rã tới đó. Viên quan đứng đầu cơ quan đô hộ của nhà Đường ở An Nam Đô hộ phủ lúc bấy giờ là Quang Sở Khách (Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4- b) chép nhầm thành Nguyên Sở Khách, có lẽ là bởi trong Hán tự, mặt chữ Nguyên và mặt chữ Quang gần giống nhau nên rất dễ nhầm. Quang Sở Khách người Giang Lăng (Trung Quốc), sang nhận chức An Nam Đô hộ phủ vào đầu năm 714 (năm Khai Nguyên thứ hai, đời Đường Huyền Tông: 712-756)) vì khiếp đảm trước những cuộc tấn công ồ ạt của nghĩa quân Mai Thúc Loan nên đã nhanh chân tháo chạy về Trung Quốc.
Lăng Mai Hắc Đế
Ngay lập tức, Mai Thúc Loan thành lập một chính quyền độc lập và tự chủ do ông đứng đầu. Ông xưng là Mai Hắc Đế và thay vì đóng đô ở thành Tống Bình thì Mai Hắc Đế lại quay về quê nhà và đóng đô tại thành Vạn An (thành này nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thành Vạn An nằm giữa khu căn cứ Sa Nam. Khu căn cứ này từng được một số nhà nghiên cứu khảo sát và mô tả khá chi tiết như sau: “Đấy là vùng núi rừng rậm rạp nằm cạnh sông Lam ở khúc hiểm sâu. Ông lấy Vệ Sơn làm trung tâm, đóng đại bản doanh của nghĩa quân. Dọc bờ sông Lam, nghĩa quân đắp một chiến lũy dài hơn nghìn mét. Đấy là thành Vạn An nổi tiếng, có núi Đụn (Hùng Sơn) làm chỗ dựa ; phía trong núi là dải thung lũng rộng vài chục mẫu, dùng làm nơi trữ lương thực, vũ khí ; phía ngoài núi, có nhiều đồn trại đóng ở cạnh sườn ; chung quanh núi, sông Lam vây bọc như con hào tự nhiên. Bao quanh trung tâm (Vệ Sơn), nghĩa quân xây dưng một hệ thống đồn trại nương tựa lẫn nhau: Biều Sơn (hình quả bầu) bảo vệ cánh tả, Liêu Sơn bảo vệ mặt trước, Ngọc Đái Sơn (hình đai ngọc) cạnh thành Vạn An, là đồn tổng chỉ huy, thống lĩnh cả hai đạo quân thuỷ bộ” (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Lịch sử Việt Nam. Tập 1.-H.: Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983.-Tr.446-447). Như vậy là chỉ trong vòng hơn 30 năm (từ năm Lý Tự Tiên và Đinh Kiến dõng dạc cất lời hiệu triệu bốn phương cầm vũ khí để vùng dậy khởi nghĩa cho đến năm Mai Thúc Loan vung gươm quyết chí đại định), chính quyền đô hộ của nhà Đường đã hai lần bị đánh đổ. Thắng lợi của Mai Thúc Loan là đòn cảnh cáo rất nghiêm khắc đối với mưu đồ chung của chủ nghĩa bành trướng đại Hán và là một dự báo rất tốt đẹp cho khả năng giành được trọn vẹn độc lập và tự chủ của nhân dân ta.
Tuy nhiên, bình đẳng như mọi nhân vật lịch sử khác, Mai Thúc Loan cũng có những hạn chế tất yếu của ông. Xem cách Mai Thúc Loan chọn đất đóng đô và đặc biệt là cách bố phòng chung quanh thành Vạn An, điều mà bất cứ ai cũng đều có thể dễ dàng nhận ra là tư tưởng phòng ngự đã xuất hiện quá sớm và đã chi phối khá mạnh đối với suy nghĩ cũng như hành động của ông. Khi mà bọn quan quân đô hộ chỉ mới tháo chạy chứ chưa hoàn toàn bị tiêu diệt, việc trấn áp tay chân của phong kiến phương Bắc tiến hành chưa triệt để và chính quyền mới chưa được xây dựng một cách chắc chắn và hoàn chỉnh thì việc lui về phòng thủ tại thành Vạn An ngay trong năm 722 quả là một quyết định vội vàng và điều này đã bị kẻ thù nhanh chóng phát hiện rồi tìm cách lợi dụng.
3. NGHĨA KHÍ VĨNH TỒN VỚI NÚI SÔNG
Lăng mộ Vua Mai
Về phía quân đô hộ, Quang Sở Khách tuy đã hốt hoảng tháo chạy về Trung Quốc nhưng tiềm lực chung của nhà Đường lại đang ở vào thời cường thịnh nhất, vì thế Đường Huyền Tông (712-756) đã lập tức hạ chiếu sai quân đi đàn áp Mai Thúc Loan. Tổng chỉ huy quân đội nhà Đường trong cuộc tấn công đàn áp có quy mô rất lớn này là Dương Tư Húc (Theo Âu Dương Tu, Tống Kỳ (Trung Quốc). Tân Đường Thư - Sách đã dẫn, thì Dương Tư Húc vốn người họ Tô, quê ở huyện Thạch Thành, thuộc La Châu, tuy xuất thân là hoạn quan nhưng lại chuyên nghề võ. Dưới thời Đường Huyền Tông, Dương Tư Húc được xếp vào hàng những võ tướng có tiếng tăm nổi bật nhất) - một trong những viên dũng tướng khét tiếng dày dạn kinh nghiệm của triều đình Đường Huyền Tông. Viên bại tướng là Quang Sở Khách được đi cùng với Dương Tư Húc để làm hướng đạo và cũng để có cơ hội lập công chuộc tội. Quân số của Dương Tư Húc là 10 vạn tên gồm đủ cả bộ binh và thuỷ binh. So với lực lượng nghĩa sĩ mới nhóm họp của Mai Thúc Loan thì đó thực sự là một quân số áp đảo. Đó là chưa kể đến một số quan lại nhà Đường vì phạm tội nên bị đày đến An Nam, do mong sớm được phục chức nên bọn này đã ra sức tìm đủ mọi cách để chiêu mộ quân lính, tình nguyện theo Dương Tư Húc đi đàn áp Mai Thúc Loan (Theo Âu Dương Tu, Tống Kỳ (Trung Quốc). Tân Đường Thư - Sách đã dẫn, thì nhân vật Tống Chi Đễ là đại diện tiêu biểu nhất của bọn quan lại thuộc loại này).
Quân nhà Đường đã men theo lối xưa của Mã Viện để tiến, tức là từ phía Nam của Khâm Châu (Trung Quốc), vượt qua biển vịnh Hạ Long mà tràn vào An Nam. Nhân lúc nhuệ khí đang hăng, Dương Tư Húc và Quang Sở Khách đã hạ lệnh cho quân sĩ tấn công cấp tập vào lực lượng của Mai Thúc Loan ở vùng duyên hải Đông Bắc rồi ồ ạt đánh vào vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nghĩa quân Mai Thúc Loan tuy đã chiến đấu rất anh dũng nhưng do thiếu kinh nghiệm trận mạc và trang bị lại quá thô sơ nên đã liên tiếp bị thất bại, Mai Thúc Loan liền lui quân về cố thủ tại khu vực thành Vạn An.
Từ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Dương Tư Húc lập tức cho quân tiến vào Nghệ An, chặn đứng mọi ngả đường liên lạc với thành Vạn An, đồng thời, vạch kế hoạch cho trận đánh có ý nghĩa quyết định thắng bại cuối cùng. Đúng lúc tình hình đang diễn tiến theo chiều hướng hết sức bất lợi cho nghĩa quân thì Mai Thúc Loan lại lâm bệnh mà qua đời (Tất cả thư tịch cổ của ta đều nói Mai Thúc Loan mất năm 722 mà không nói rõ là mất vì lý do gì, nhưng truyền thuyết dân gian vùng Nam Đàn (Nghệ An) thì nói Mai Thúc Loan mất vì bệnh. Sau khi ông mất, con trai ông lên nôi ngôi, đó là Mai Thiếu Đế. Hiện nay, ở Hùng Sơn (núi Đụn), còn có hai ngôi mộ được xác định là mộ của Mai Hắc Đế (tức Mai Thúc Loan) và mộ của Mai Thiếu Đế). Tổn thất nghiêm trọng đó đã khiến cho không ít nghĩa sĩ phải tìm đường tạm lánh để chờ thời. Chớp lấy cơ hội đó, Dương Tư Húc đã cho đại quân xông vào thành Vạn An và toàn bộ khu căn cứ của nghĩa quân ở vùng Sa Nam. Một cuộc đàn áp đẫm máu chưa từng thấy đã diễn ra. Hàng ngàn nghĩa sĩ và nhân dân địa phương đã bị giặc giết hại, tất cả được chôn chung vào một ngôi mộ tập thể rất lớn được gọi là Kình Quán.
Lễ hội Đền Vua Mai - Nam Đàn, Nghệ An
Cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường do Mai Thúc Loan phát động và lãnh đạo tuy đã nhanh chóng bị thất bại nhưng ý chí quật cường và tấm gương dám xả thân cứu nước của tất cả nghĩa sĩ tập hợp dưới ngọn cờ của Mai Thúc Loan thì mãi mãi ngời sáng trong sử sách. Trong tâm khảm bất diệt của các thế hệ nhân dân ta, Mai Thúc Loan là niềm kiêu hãnh rất lớn lao, là một trong những đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước. Trải hơn ngàn năm, ngôi mộ và đền thờ Mai Thúc Loan vẫn còn đó, tên ông vẫn vĩnh tồn với Hùng Sơn, Vệ Sơn, Ngọc Đái Sơn, Biều Sơn, Liêu Sơn... với thành Vạn An, với sông Lam và với muôn đời đất nước này.
Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780) từng có lời rằng: "Đang khi bị nội thuộc, Mai Hắc Đế vì không chịu nổi sự kiềm thúc của bọn quan lại tàn ác nên đã vùng lên, quả đúng là bậc xuất chúng trong đám thổ hào vậy”. Ngô Thì Sĩ đã không chính xác khi xếp Mai Thúc Loan vào hàng “thổ hào”, nhưng ông cũng đã hoàn toàn đúng khi đánh giá Mai Thúc Loan là "bậc xuất chúng”. Tuy xuất thân là hàng cố cùng của xã hội, tuy chưa một lần được huấn luyện về binh pháp và về những nguyên tắc cầm quân, nhưng, lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc cộng với niềm tin mãnh liệt vào toàn thể những người cùng cảnh ngộ bị áp bức đoạ đày như mình, Mai Thúc Loan đã khiến cho cả đương thời lẫn hậu thế cảm phục về tài tập hợp, tổ chức và chỉ huy nghĩa sĩ của ông. Mai Thúc Loan là biểu hiện sinh động của nghệ thuật bố trí những trận đánh rất bất ngờ vào lực lượng của đối phương.
Quang Sở Khách được triều đình nhà Đường và Đường Huyền Tông xếp vào hàng những viên tướng giàu tài năng nên mới tin cậy uỷ thác việc trấn trị tại An Nam Đô hộ phủ. Trước khi phát động khởi nghĩa, Mai Thúc Loan chỉ là một dân phu rất bình thường chứ chưa bao giờ là tướng trực tiếp cầm quân cả, nhưng đã đánh cho chính viên tướng được triều đình phong kiến Trung Quốc xếp vào hàng giàu tài năng - hơn thế nữa, còn là kẻ đang có thành cao, hào sâu, quân đông và trang bị đầy đủ - rốt cuộc cũng phải hốt hoảng bỏ chạy thì rõ ràng là Mai Thúc Loan rất xứng đáng được đời công bằng và trân trọng coi là một trong những bậc danh tướng.