Mai Đình Yên, nhà khoa học về những loài cá
“ Nếu anh muốn viết về tôi thì phải bắt đầu từ Bảo tàng động vật chỗ nhà Đôm nhé!”.Phong cách làm việc của ông là như vậy, thẳng thắn, rành mạch và dứt khoát. Người ta gọi ông là “vua” cá, chính xác hơn là “vua” nghiên cứu về các loài cá như cá mè, cá trắm, cá chày, cá nước ngọt, cá nước lợ... Không chỉ có nghiên cứu, ông còn là thầy giáo hướng dẫn của hàng chục luận án tiến sĩ ngành Sinh học về đề tài cá. Có lẽ chỉ ông mới có thể lý giải được vì sao mình lại đam mê nghiên cứu về cá đến như vậy...
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo, nhưng việc học hành từ nhỏ đã nhiều lần bị gián đoạn, có những thời gian như thời kỳ tản cư ông phải nghỉ ở nhà tự đọc sách, tự mày mò học tập dưới sự giúp đỡ của bố. Con đường đến với khoa học của ông cũng gặp không ít những gian truân, trắc trở. Cố gắng, nỗ lực học tập hết mình, những thành tích mà ông đạt được đã khiến cho bạn bè không khỏi thán phục. Tốt nghiệp và được giữ lại làm trợ giảng, rồi giảng viên chính Trường Đại học Sư phạm Khoa học ông luôn tâm niệm rằng: Chỉ có bằng con đường tự học mới khẳng định được quan điểm, lập trường chính trị và sự rèn luyện của mình, mới đóng góp được sức lực vào sự nghiệp cách mạng chung. “ Ngay từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc và ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong cách đào tạo phương Tây. Nếu như nhiều bạn bè cùng thế hệ với tôi được cử đi đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài thì tôi chỉ ở trong nước và khẳng định mình bằng con đường tự học là chính. Tôi rất thích câu mà một nhà báo đã từng hỏi rằng: Tại sao ông lại trở thành giáo sư? Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng tôi đã trả lời bằng cả một bài viết dài trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Khoa. Dù sao thì mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, lịch sử là cả một quá trình liên tục, mình là nhà khoa học thì cũng cần phải có một con mắt lịch sử sáng suốt, phải tin tưởng vào chế độ mà mình đang phục vụ, tôi luôn tâm niệm như vậy...”.Ông trầm ngâm, dừng lại giữa câu nói như để soi lại cả một chặng đường dài cuộc đời ông đã trải qua. Mấy chục năm gắn bó với giảng đường, lặng lẽ với công việc giảng dạy và nghiên cứu, phần thưởng dành cho ông không chỉ là những tấm bằng khen, là những danh hiệu mà điều quan trọng hơn cả là sự tin yêu, kính trọng của các thế hệ học trò, sự cảm phục và sẻ chia của đồng nghiệp, bạn bè - “Đó là tấm huy chương đẹp nhất, sáng nhất gắn lên ve áo của một người thầy giáo, một nhà khoa học”...
Trở thành giảng viên môn Động vật từ năm 1956, chỉ sau 4 năm công tác, bằng năng lực chuyên môn và khả năng sư phạm của mình, ông được giao trọng trách làm Chủ nhiệm Bộ môn Động vật học có xương sống. Sau đó không lâu, ông kiêm cả trách nhiệm là Thư ký Hội đồng Khoa học Khoa Sinh học (Đại học Tổng hợp Hà Nội) và tại vị từ năm 1964 đến năm 1986. Năm 1980, ông được phong học hàm Phó giáo sư vì những đóng góp cho lĩnh vực khoa học Sinh học. “Nhận được quyết định phong học hàm Phó giáo sư tôi rất vui và tự hào bởi công sức của cả một quá trình nỗ lực, bền bỉ làm khoa học của tôi đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Khi ấy đang ở tuổi 47, tôi và một số bạn đồng nghiệp trở thành thế hệ những người làm khoa học có học hàm đầu tiên ở ViệtNam...”.
Mỗi nhà khoa học được xã hội công nhận bao giờ cũng phải để lại dấu ấn của mình trong một lĩnh vực nghiên cứu nhất định. Nhắc đến tên tuổi của GS.TS Mai Đình Yên, nhiều người sẽ nhớ ngay tới 2 ngành là Sinh thái học và Môi trường - 2 ngành học mới được ra đời mà ông là người có công đầu khởi xướng. Ông nhớ lại: “ Những năm chúng ta học tập theo mô hình đào tạo đại học của Liên Xô vốn không có ngành học Môi trường, cả nước chỉ có một vài trung tâm nghiên cứu nhỏ lẻ, thiếu thốn cả về nhân lực, vật lực. Vốn là một giảng viên chuyên ngành Sinh thái học, tôi ý thức rất rõ được vai trò, tầm quan trọng của yếu tố môi trường tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Ở nước ngoài, người ta đã đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này, chúng ta cũng cần phải có một nơi đào tạo ngành này. Nghĩ là làm, tôi lập đề cương chi tiết trình lên Trường, rồi lên Bộ. Thật mừng, cuối cùng mong ước của tôi và cũng là của rất nhiều người đã được thực hiện - Khoa Môi trường được mở và tuyển lứa sinh viên đầu tiên. Tôi trở thành giảng viên kiêm nhiệm, dạy cho cả 2 khoa...”.
Riêng với ngành Sinh thái học, ngay từ năm 1968 cuốn giáo trình “Sinh thái học động vật”của ông đã đến tay đông đảo sinh viên và bạn đồng nghiệp. Cuốn giáo trình vừa là “đứa con tinh thần” đầu tiên của cả quá trình ông nghiên cứu, nghiền ngẫm, vừa là cuốn sách mở đầu cho trào lưu tiếp cận với những kiến thức ngoài Liên Xô và Trung Quốc cùng những quan điểm còn gây nhiều tranh cãi chẳng hạn như vấn đề nguyên tắc biến động quần thể... Để có thể “trình làng” cuốn sách này, tác giả của nó đã phải chỉnh đi, sửa lại từng câu, từng chữ dưới sự cổ vũ của đồng chí Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học hồi đó.
Một sự kiện cũng rất đáng nhớ, đánh dấu một bước trưởng thành mới trong cuộc đời làm khoa học của ông đó là năm 1964, bản báo cáo khoa học “ Khu hệ cá ở sông Hồng” của ông đã được trình bày tại Hội nghị khoa học Bắc Kinh thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới. Lúc đó, nhà khoa học trẻ Mai Đình Yên vừa bước sang tuổi 31. Bản báo cáo đó đã nêu lên được rất nhiều những vấn đề mà mọi người chú ý. Chẳng hạn, thông qua việc điều tra, nghiên cứu khu hệ cá hệ thống sông Hồng để trả lời cho những câu hỏi có bao nhiêu loại cá, giá trị kinh tế, cũng như giải pháp, cách thức phát triển, khai thác... “ Sau khi bản báo cáo đó được đánh giá cao, được mọi người cổ vũ tôi mới thực sự đủ tự tin vào khả năng làm và cống hiến cho khoa học của mình...”.Từ những thành công bước đầu, ông đã tự mình tìm ra con đường tiếp cận với những thông tin khoa học tiên tiến trên thế giới bằng các báo cáo được gửi đến các hội nghị quốc tế. Ông đã tham dự rất nhiều hội nghị khoa học trong khu vực và trên thế giới xuất phát từ những lời mời thiện chí từ phía các nhà khoa học nước ngoài...
Trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1975, không khí học đi đôi với hành, đem kiến thức sách vở kiểm nghiệm vào cuộc sống, vào thực tiễn lao động sản xuất tại các trường đại học nước ta dần dần trở nên sôi nổi. Ngoài thời gian trên giảng đường, thầy Mai Đình Yên lại hăm hở cùng với học trò và đồng nghiệp cặm cụi thực hành tại những ao cá, quy hoạch các vườn quốc gia, xác định, phân loại các loài động vật quý hiếm để đưa vào Sách đỏ. Nhắc đến quãng thời gian thực tập sản xuất, giọng ông trở nên hào hứng hơn: “ Quả thực thời điểm ấy, tuy vất vả, thiếu thốn nhưng ai trong chúng tôi cũng say mê bởi tất cả đều làm việc xuất phát từ tâm huyết của mình. Qua những công việc cụ thể, chúng tôi đã dần dần nghiệm ra rằng phải tìm một phương thức đào tạo mới với nội dung đổi mới làm sao đóng góp được tốt nhất cho sản xuất, bởi những gì chúng ta vẫn quen dùng từ trước đến giờ đã ngày càng bộc lộ những điểm không phù hợp...”. Cũng như nhiều nhà giáo tâm huyết khác, từ lâu ông đã ấp ủ, nung nấu ý tưởng về việc cải cách phương thức đào tạo, đặc biệt là đào tạo ở bậc đại học. Bằng nhãn quan sáng suốt của một người đã có nhiều năm gắn bó với khoa học, ông cho rằng: “Phải coi việc đào tạo người làm khoa học trong nước là mục tiêu phát triển lâu dài. Gửi cán bộ ra nước ngoài học tập, nghiên cứu là một cách thức hay nhưng chỉ nên coi là mang tính giải pháp. Hơn thế nữa, cán bộ của ta được cử đi học ở nước ngoài phần đa sau khi tốt nghiệp không chịu trở về nước phục vụ, đó là một sự lãng phí lớn mà người ta vẫn gọi bằng cụm từ là “chảy máu chất xá...”
Những năm đất nước bắt đầu đổi mới, mở cửa, nằm trong số những nhà khoa học có tư tưởng cầu thị, ông coi chủ trương đó là một động thái tích cực để đón luồng gió lành từ bên ngoài thổi vào. Và như chính ông tâm sự: “ Chúng tôi như cá gặp nước”, thông tin được khai thông, sách vở ngày càng nhiều, ngày càng phong phú, cơ hội học tập ngày càng lớn, một nước đang phát triển như nước ta thì càng cần có những thông tin khoa học mới cập nhật, tiên tiến. Với người thầy giáo, nhà khoa học thì việc thường xuyên bổ sung những thông tin để làm mới bài giảng, để bắt nhịp cùng xu thế chung của thế giới là điều không thể thiếu. Phần thưởng cho cả quá trình lao động và cống hiến miệt mài của GS. Mai Đình Yên là những phần thưởng cao quý mà không phải một người thầy nào cũng có được: Danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1990), Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì.
Ông là một người chăm đọc sách và chịu khó sưu tầm tài liệu. Hễ đi đến đâu mà gặp sách và tài liệu có liên quan đến công việc nghiên cứu và giảng dạy là ông mua hoặc sao chụp lại bằng được. Ở một góc độ khác, ông tự nhận mình thuộc mẫu người lạc quan, luôn tự tin vào những việc mình làm. Cứ mỗi khi gặp phải một điều không vừa ý, một sự khó khăn cản bước, ông luôn tự mình vượt qua, tự hài lòng với những gì mình có. Năm nay đã 73 xuân, ông vẫn lao động miệt mài, hăng say như hồi còn trẻ bởi: “ Càng ngày tôi càng muốn được cống hiến cho nhà trường và xã hội. Nếu có ai hỏi rằng: Trong cả cuộc đời mình, điều gì khiến ông nuối tiếc nhất? Tôi sẽ nói rằng tôi tiếc vì những gì mình để lại cho cuộc sống chưa được nhiều. Tuy vậy, tôi rất vui bởi những đóng góp của tôi dù là nhỏ bé nhưng đã được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Tôi luôn ý thức rằng phải lao động để chứng minh mình là một trí thức yêu nước, một người luôn đặt quyền lợi và sự nghiệp chung lên cao hơn tất cả...”.
Đã hơn một lần tôi được nghe những cán bộ giảng dạy tại Khoa Sinh học (ĐHKHTN) nói về những cuốn sách, những công trình của GS.TS.NGƯT Mai Đình Yên. Những cuốn sách giáo khoa, sách chuyên khảo như “ Ngư loại học đại cương”, “Cơ sở khoa học môi trường”, “Cơ sở sinh thái học”, “Cơ sở sinh lý sinh thái cá”, “Định loại các loại cá nước ngọt Việt Nam”, “Đời sống động vật”... cùng với rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học với những đề tài thuộc chương trình Nhà nước đã thực sự có giá trị ứng dụng rộng rãi trong công tác phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, bảo vệ đa dạng sinh học. Nhiều người còn nói rằng tên của ông có thể tìm thấy trong những cuốn từ điển và danh từ chuyên ngành về Sinh học như “ Danh từ Sinh học Anh - Việt”, “ Danh từ Sinh học Nga - Việt”... với tư cách là chủ biên hay tham gia biên soạn, và dù ở tư cách nào ta vẫn có thể hình dung ra đó là cả một quá trình lao động không mệt mỏi, bằng niềm tự hào, sự tự tin vào khả năng của chính mình và bằng cả tấm lòng của một nhà khoa học, một người thầy...
“ Nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ làm việc. Còn có sức khỏe thì tôi còn lao động và cống hiến...”, ông tiễn tôi ra cửa bằng nụ cười hóm hỉnh. Nắm chặt bàn tay đã có những vết mồi, tôi thầm chúc cho ông có một sức khỏe dồi dào để ngành Sinh học tiếp tục nhận được thêm thật nhiều những công trình, những phát hiện mới...
Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn