Mạch cảnh báo chống trộm của kỹ sư miệt vườn
Ở Trà Vinh, đặc biệt là huyện Cầu Ngang, đã nhiều lần xảy ra các vụ trộm cắp dây cáp điện thoại gây tổn thất cho Nhà nước, còn người dân và các cơ quan chức năng gặp khó khăn do phương tiện thông tin bị gián đoạn...
Nhưng đến năm 2005, khi anh Nguyễn Văn Sơn - phó Đài viễn thông huyện Cầu Ngang - cho ra đời “mạch cảnh báo quản lý cáp đồng mạng nội hạt” thì hầu như tình trạng trộm cắp dây cáp bị chế ngự.
Không riêng gì Trà Vinh mà các tỉnh, thành khác cũng gặp trường hợp mất cắp dây cáp. “Có cách gì khắc phục không?”, Sơn nghĩ nếu ngay tại điểm thường xuyên bị cắt dây cáp ta gắn một thiết bị nối với thiết bị điều khiển tại trung tâm bằng hệ thống báo động cực nhạy thì có thể chống được kẻ trộm.
Khi cơ quan chức năng và ngành bưu điện đề nghị tìm cách khắc phục, anh đã nhận lời. Sau vài tuần lắp ráp anh đã cho ra đời mạch chống trộm được xem là “khắc tinh” số một của trộm cắp.
Ngày 26-1-2005 khi lắp đặt tại ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cơ quan chức năng tức thì đã bắt giữ được một tên trộm dây cáp. Với sáng kiến này, Sơn được bưu điện tỉnh tặng giấy khen và số tiền thưởng 500.000 đồng.
Sơn giải thích: “Đây là mạch được lắp đặt theo công thức đơn giản. Mạch cảnh báo quản lý cáp đồng nội hạt gồm hai phần hoạt động theo nguyên lý dòng điện một chiều: một bộ hộp báo động (hộp này có gắn đèn đỏ, chuông báo động) đặt tại trung tâm điều khiển và một mạch cảnh báo đặt trong đoạn dây cáp.
Khi kẻ gian cắt trộm ngay đoạn cáp có gắn mạch cảnh báo, mạch này sẽ truyền tín hiệu về bộ hộp báo động, lúc đó đèn và chuông trên hộp báo động sẽ cháy đỏ, nhấp nháy và hú còi báo động”.
Cũng nói thêm rằng trước đây, khi mưa gió thiên tai làm đứt dây cáp rất khó phát hiện, chỉ khi nào bà con phản ảnh ngành chức năng mới biết đến sửa chữa. Nay trung tâm sẽ nhận được tín hiệu và cho người tới sửa chữa ngay.
Anh Phạm Văn Triển, giám đốc Bưu điện Cầu Ngang, nhận xét: “Với mạch cảnh báo này Sơn đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng, song về mặt an ninh trật tự và dân sự có ý nghĩa rất lớn. Sự độc đáo của mạch này là khi lắp đặt vào dây cáp kẻ trộm không thể phá bỏ hay vô hiệu hóa bằng cách phá rối tung dây cáp cho mạch báo động giả”.
Giá thành mỗi mạch cảnh báo lắp ráp chưa đầy 300.000 đồng nhưng có thể quản lý một đoạn dây cáp dài 35km. Nó vừa tiện ích cho ngành viễn thông, vừa đảm bảo thông tin liên lạc cho bà con.
Hiện nay Bưu chính - viễn thông Trà Vinh đã triển khai lắp đặt mạch cảnh báo toàn tỉnh. Sơn cho biết có nhiều địa phương khác cũng đã liên hệ tìm hiểu mạch cảnh báo. Anh Sơn nói vì lợi ích chung anh sẵn lòng phổ biến cách lắp ráp mà không đòi hỏi bất cứ thù lao nào.
Nguồn: nhandan.com.vn 4/7/2005