Lương y Trần Ngọc Bích: “Cứu giúp người là hành động cao cả”
S áu đời bắt mạch, bốc thuốc
Cụ tổ đời thứ ba làm nghề bốc thuốc đông y của dòng họ là lương y Trần Kế Thiện (SN 1878) ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), lớn lên trong gia đình nhà nho làm thuốc, tinh thông nho, y, lý, số, cầm, kỳ, thi, họa. Cụ mở nhà thuốc trị bệnh cứu người, luôn nêu cao y đức đồng thời có công dịch nhiều bộ sách về y học sang chữ Nôm, chữ Hán, tặng Ty Văn hóa Hưng Yên lưu trữ 105 quyển sách quý.
Là cháu nội cụ Trần Kế Thiện, Trần Ngọc Bích sinh ra và lớn lên ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh tham gia công tác công đoàn tại Công ty Du lịch Hà Bắc rồi kết duyên với người con gái đất Cụ Đề và định cư tại đây. Những năm làm việc tại Công ty, khi có thời gian rảnh là Trần Ngọc Bích lại về quê lấy thuốc, chữa bệnh cho nhiều người. Không yên phận với công việc ở doanh nghiệp bởi "cái máu bắt mạch, bốc thuốc gia truyền đã ngấm vào người" nên năm 1993, Trần Ngọc Bích nghỉ chế độ, theo học các lớp đông y, châm cứu và tham gia Hội Đông y huyện Yên Thế. Càng tìm hiểu sâu về y học cổ truyền và chữa bệnh cứu người, vị lương y này càng thấy kiến thức rộng lớn, đặc biệt khi kết hợp đông tây y trong điều trị hoặc vận dụng kiến thức y học hiện đại với cổ truyền để chẩn trị bệnh thì rất hiệu quả.
Năm 2001, lương y Trần Ngọc Bích tiếp tục theo học lớp chuẩn hóa lương y quốc gia và được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp chứng nhận lương y đa khoa cấp quốc gia. Những kiến thức, kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh tiếp tục được lương y truyền lại cho các con.
Ông chia sẻ: "Cứu người là việc trọng, không dễ làm. Vì thế tôi rèn nghề cho các con không chỉ bằng cầm tay chỉ việc mà yêu cầu chúng trước tiên phải lĩnh hội kiến thức y học trong trường học. Các con tôi đều tốt nghiệp trung cấp y, dược ngành y học cổ truyền và tiếp tục hành nghề theo cha ông, giúp ích cho đời".
Cứu giúp người là cao cả
Nhớ lời cụ tổ nghề đông y dòng họ Trần từng đề cao vai trò người thầy thuốc cũng như răn dạy về sự nghiêm túc, cẩn trọng khi hành nghề: “ Treo gươm khuôn phép để dành mà coi/ Gì hơn y đạo cứu người”, lương y Trần Ngọc Bích nghiên cứu các bài thuốc gia truyền trị bệnh, đồng thời vận dụng kiến thức để phát triển, bổ sung, gia giảm vị thuốc cho phù hợp với từng bệnh nhân, trong đó có bài thuốc đặc trị bệnh phong tê thấp. Những kinh nghiệm quý cũng được lương y ghi nhớ, nghiêm túc thực hiện. Ví như nhiều loại cây thuốc khi thu hái phải đợi đến cuối thu lúc đó cây mới “chín”, bảo đảm chất lượng, chế biến vị mới chuẩn.
Với những vị thuốc bắc, phải có kỹ năng lựa chọn tránh mua nhầm hàng có sử dụng chất hóa học bảo quản dễ gây nguy hiểm cho người bệnh. Lương y từng ví “bắt” bệnh cho người không chỉ dựa vào bắt mạch, xem thể trạng mà còn tìm hiểu tâm lý, thói quen sinh hoạt hằng ngày và kết quả xét nghiệm của tây y để chẩn trị mới hiệu quả. Nhiều bài thuốc quý được lương y giới thiệu trên tạp chí của Trung ương Hội Đông y. Đến nay, lương y Trần Ngọc Bích đã có gần 20 bài báo tư vấn, điều trị bệnh đăng ở các tạp chí y học chuyên ngành góp phần giúp ích cho người bệnh và xã hội.
Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, ông Bích luôn tận tâm giúp đỡ người bệnh. Bất cứ bệnh nhân nào đến với lương y đều được tư vấn tận tình và động viên tinh thần để kiên trì chữa bệnh. Một trong những nguyên tắc làm việc trở thành truyền thống 6 đời hành nghề y của dòng họ đó là “phải chắc chắn chữa khỏi bệnh thì mới nhận bệnh nhân, bằng không sẽ khuyên đến tuyến cao hơn để chữa trị khỏi mất thời gian, đỡ tốn kém”.
Theo ông Bích thì: “Cái tâm trong nghề không phải điều cao siêu mà chỉ đơn giản là biết mình có khả năng chữa khỏi bệnh cho người ta mà không chữa trị vì bất cứ lý do gì thì là người vô tâm. Nếu không có khả năng chữa mà vẫn nhận để lấy tiền, đó là thất đức”.Nhiều người mắc bệnh mãn tính chữa ở nhiều nơi không khỏi được lương y điều trị lành bệnh. Đơn cử như bệnh nhân Nguyễn Thị Thái, thôn Xuân Lan 2, xã Bố Hạ bị thoái hóa cột sống, biến dạng gây đau dây thần kinh hông, không đi lại được, khi sử dụng bài thuốc gia truyền của lương y Trần Ngọc Bích đã khỏi được hơn 10 năm, bệnh không tái phát. Chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) bị sỏi thận, sau gần 1 tháng uống thuốc của phòng mạch này không còn đau buốt, siêu âm không thấy sỏi thận, bệnh không tái phát. Tiếng lành đồn xa, phòng chẩn trị y học cổ truyền này ngày càng có nhiều người bệnh ở trong và ngoài tỉnh tìm đến chữa trị.
Tấm lòng nhân ái
Nhờ những nỗ lực trong bảo tồn và phát triển y học cổ truyền, giúp ích cho cộng đồng, từ năm 2001 đến nay, lương y Trần Ngọc Bích được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Thường trực, sau đó là Chủ tịch Hội Đông y, Chủ tịch Hội Châm cứu huyện Yên Thế. Tháng 12 - 2013, ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh.
Dù ở cương vị nào, với tinh thần trách nhiệm cao, năng động, nhiệt tình, lương y luôn quan tâm xây dựng tổ chức Hội hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả. Với tấm lòng sẵn sàng cứu giúp người bệnh, ông thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo như khám chữa bệnh miễn phí cho thương binh, người cao tuổi, cựu thanh niên xung phong.
Những dịp lễ, Tết, lương y còn tặng tiền, gạo cho người nghèo. Nhiều người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách ở xã Bố Hạ, Hương Vĩ còn được lương y tận tình đến nhà thăm khám, tư vấn chữa trị bệnh và phát thuốc miễn phí. Ông còn gương mẫu hiến máu tình nguyện 5 lần với mong muốn được chia sẻ và nhân lên nghĩa cử cao đẹp này trong cộng đồng.
Hơn 20 năm bắt mạch, châm cứu và bốc thuốc cứu người, lương y Trần Ngọc Bích luôn tâm niệm "làm một việc tốt cho người thấy lòng thêm thanh thản, giúp ích cho đời". Vì thế ở bất cứ hoàn cảnh nào, công việc của một lương y hay công tác Hội, ông luôn tận tâm làm tròn trách nhiệm. Ghi nhận công lao đóng góp đó, lương y Trần Ngọc Bích được Huyện ủy, UBND huyện tặng Giấy khen; Trung ương Hội Đông y, UBND tỉnh tặng Bằng khen; nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.