Lương y Trần Lương Thinh - Tấm gương y đức mãi tỏa sáng
Sự nghiệp của ông là dấu cộng của truyền thống gia đình, sự nỗ lực học hỏi không ngừng và cái đức của người thầy thuốc. Với ông, nghiệp y luôn là tình yêu và máu thịt.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống năm đời làm nghề thuốc, song với lương y Trần Lương Thinh, “gia truyền mà không học thêm, có khi giết người không biết” và “nhân bất học bất chi lý” (người không học thì chẳng biết đâu là lẽ phải). Do đó, ông đã ra sức học. Ông cố gắng tìm đọc, nghiên cứu các sách thuốc do tổ tiên để lại, sách chữ Hán, chữ Nôm, sách của Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh do Viện Nghiên cứu Đông y TW và một số tác giả trong nước dịch, tiêu biểu như: các bộ Y học nhập môn, Phùng thị, Y tông tâm lĩnh, Dác tư y thư, Nam dược thần hiệu, Hồi xuân, Thọ thế; các sách Bút hoa y kính, Hoàng Hán y học, Y tông kim giám, Thiên gia nghiệm phương, Bát trận, Trọng cảnh toàn thư, Nội kinh, Lạm kinh, Trung y chẩn đoán, Y học giải âm, Trung y khái luận, Hoạt nhân tiết yếu, Sách mạch chân truyền…
Năm 1955 - 1960, lương y Trần Lương Thinh tham gia vào Hợp tác xã Y dược cổ truyền Liên khu III và làm Chủ tịch Tập đoàn Đông y huyện Thường Tín. Với ông, đây là điều kiện để học thầy, học bạn. Ban ngày, ông làm việc cho hợp tác xã, tối đến thắp đèn ra công đọc sách, có gì khó hiểu lại nhờ những người học rộng hơn chỉ bảo. Hàng tuần, lên Tổng cục họp, gặp được nhiều danh y về công tác, ông lại mời các cụ đi chơi hồ Hoàn Kiếm, nói chuyện khám bệnh, xem mạch và thực trị các bệnh hay. Dù vất vả, nhọc công, nhưng ông đã học hỏi được rất nhiều điều và phát huy được năng lực bản thân.
Trong quá trình chữa bệnh cứu người, nhận thấy làm nghề thuốc mà không học dược tính thì sẽ chẳng hiểu được đâu là bài thuốc hay, đâu là bài thuốc dở, gia giảm thế nào cho đúng, cho vừa. Bởi vậy, ông quyết tâm học thuộc nhiều vị thuốc theo tài liệu chuẩn. Đồng thời, qua thời gian công tác ở Công ty Dược liệu Hà Tây (cũ), ông có thêm nhiều kinh nghiệm điều tra dược liệu, nghiên cứu, trồng, thu hái và sử dụng các giống thuốc di thực của Trung Quốc.
Trong tứ chẩn của nghề thuốc, không ít người cho rằng chỉ cần vọng văn vấn là đủ, còn xem mạch không cần thiết, được xếp vào hạng thứ tư. Nhưng với lương y Trần Lương Thinh, “y bất mạch bất chi thành”. Xem mạch, theo ông, là “cái chốt” để kết luận bệnh rõ ràng, toàn diện. Bởi vậy, ông kiên trì học bắt mạch, thậm chí làm thành thơ một cuốn sách mạch cho dễ nhớ. Nhiều người, nhờ tài bắt mạch của ông mà được phát hiện ra bệnh. Không ít cặp vợ chồng hiếm muộn được ông bắt mạch kê đơn, điều trị khỏi bệnh, sinh được con.
Với suy nghĩ, làm nghề thuốc ngoài tứ chẩn tốt, biện chứng luận trị hay, còn phải thạo châm cứu, nhất là khi gặp bệnh cần cấp cứu, lương y Trần Lương Thinh đã tham gia lớp châm cứu và học 4 khóa hàm thụ do Trung ương hội mở, đồng thời cả đời không ngừng thực hành châm cứu chữa bệnh cứu người. Trong những năm tháng làm việc ở Viện YHCT tỉnh Hà Tây (cũ), nhiều lần ông được cử về các địa phương làm công tác phát triển thuốc Nam.
Trong suốt cuộc đời y nghiệp, lương y Trần Lương Thinh luôn tìm cách chứng minh khả năng của YHCT với y học hiện đại. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Trung ương ra Nghị quyết 66 với chủ trương kết hợp Đông Tây y, ông được điều về công tác tại Bệnh viện Thường Tín, rồi sau đó là Bệnh viện YHCT tỉnh Hà Tây với hoàn cảnh khó khăn: không có đủ nguyên liệu, phải tự kiếm, hái thuốc và muốn khám bệnh kê đơn phải có chữ ký của y bác sĩ Tây y.
Ông đã cùng với đồng nghiệp cần mẫn đi nhặt hái vỏ bưởi, lá lốt, củ dứa, ngưu tất, chìa vôi, cà gai hoa tím, quýt hôi... đem về sơ chế để bốc thuốc. Thời ấy, thuốc Tây rất hiếm, bệnh viện nhiều khi không có thuốc để điều trị.
Ông đã cặm cụi nghiên cứu, bào chế ra nhiều thuốc hoàn tán, đáp ứng được yêu cầu của bệnh viện, như bài Hà xa khang tảo sơn hoànchữa suy nhược thần kinh, thuốc an thần chữa mất ngủ, thuốc bổ hỏa chữa mệnh môn suy hỏa, thuốc hoàng long tiêu thủy chữa phù thũng, thuốc hương liên hoàn chữa lỵ, thuốc K2, K3 chữa thấp khớp, thuốc ích nguyên đan chữa sốt nóng, thuốc khung chỉ chữa cảm sốt... Nhờ đó, ông dần lấy lại được uy tín cho Đông y và đã được Nhà nước cấp cho 2 bằng sáng tạo.
Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hà Tây, nhận thấy YHCT lâm vào tình trạng bị mai một, các cụ lang già ngày càng khuất bóng, số lương y trẻ không được đào tạo, lương y Trần Lương Thinh đã tổ chức mở lớp thừa kế YHCT nhằm phát triển đội ngũ. Ngoài ra, ông còn xuất bản nhiều sách chuyên ngành như: Y học thực hành, Kinh nghiệm bí truyền của cụ lang bà mế, Dưỡng sinh trường thọ dành cho các cụ phụ lão, Chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng thuốc nam, Giáo trình lớp thừa kế YHCT Hà Sơn Bình(2 tập) cùng rất nhiều bài viết khác đăng trên báo.
Về hưu, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn làm việc không mệt mỏi, hàng ngày đều đặn dậy sớm, bắt mạch, kê đơn, châm cứu, chữa bệnh cứu người. Ông vẫn soạn và viết thêm sách: Bát trận(Cảnh Nhạc), Nhi khoa(Tâm đắc nghiệm phương), Phụ khoa, Kinh nghiệm về chẩn đoán thần phương, Những kinh nghiệm về các bài thuốc thực dụng, Đức Hinh y thuật...
Cả đời tận hiến với nghề, lương y Trần Lương Thinh đã được tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 bằng khen của Bộ Y tế, 5 bằng khen của Hội Đông y Việt Nam, Huy hiệu 40 năm ngành y tế, v.v... Song, cái “được” lớn nhất mà ông có đó chính là cái đức của người thầy thuốc. Vì cái đức ấy mà cả cuộc đời ông học tập và lao động sáng tạo không mệt mỏi để đạt được mục đích chữa bệnh cứu người ít bị sai sót, khỏi hổ thẹn với lương tâm.
Nhưng trong quan niệm về y đức, ông cho rằng: Không phải làm nghề thuốc chỉ đi cứu người, mà cũng phải làm “có lãi”. Nếu không “có lãi” thì lấy đâu tiền ăn, tiền xe cộ để đi sưu tầm, kiếm hái, thu mua thuốc về bào chế, sao tẩm, làm thành dược phẩm, lấy đâu tiền nuôi mình ăn học để hiểu mạch lý? Tuy nhiên, người thầy thuốc “ăn lãi” thế nào cho vừa phải và nên thực hiện khẩu hiệu “thuốc hay, thầy giỏi, bệnh khỏi, hết ít tiền” để phục vụ bệnh nhân. Giá cả phải chăng, không phân biệt giàu nghèo, người nghèo có khi cần giúp đỡ, người khó có khi phải biếu không. Đó là cái tâm của người thầy thuốc.
Sống giản dị, không màng lợi danh, lương y Trần Lương Thinh ngoài niềm đam mê nghiệp y, trái tim ông còn yêu thơ đến nồng hậu. Ông làm rất nhiều thơ và cũng được nhiều đồng nghiệp, bệnh nhân tặng thơ. Thơ là người bạn tri kỷ để ông sẻ chia những vui buồn về tình đời, tình người và nghiệp y của mình, thậm chí ông còn làm thơ để tự răn mình “sao cho đúng mực lương y”.
Giờ đây, trái tim thơ đã ngừng đập... Nhưng với bạn bè đồng nghiệp, cháu con và bao bệnh nhân, tấm gương y đức của ông vẫn mãi tỏa sáng...