Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 07/05/2005 00:40 (GMT+7)

Lương Việt Quốc và 8 học bổng đào tạo tiến sĩ tại Mỹ

Chuyến bay ngày 1-8-2004 tới đây sẽ đưa Lương Việt Quốc từ TP.HCM trở lại nước Mỹ sau kỳ nghỉ để nhận tấm bằng thạc sĩ hạng xuất sắc của ĐH Cornell (trường xếp hạng top 10 của Mỹ): 11 môn của hai năm học đều đạt điểm A, điểm trung bình tốt nghiệp là 4 (điểm xếp hạng cao nhất).

Lương Việt Quốc một lần nữa đã làm vinh danh những cư dân sống bên dòng kênh đen Nhiêu Lộc (TP.HCM). Hai năm trước, khi anh là một trong 26 người Việt Nam trúng tuyển học bổng Fulbright (Mỹ) vượt qua gần 600 ứng viên, nhiều bạn trẻ đã ngạc nhiên về sự vươn lên đầy... bí ẩn của một thanh niên.

Một tuổi thơ lam lũ với công việc bới rác trên dòng kênh và sống không phương hướng, nhưng cậu bé đã biết tự nhìn ra và lần theo ánh sáng của con đường học vấn. Một người luôn cảm ơn sự kỳ diệu của giáo dục vì không chỉ mang cho mình cơ hội mà còn cho cả một ý chí sống không khuất phục. Anh đã tốt nghiệp hai trường đại học, đạt 660 điểm TOEFL (điểm tối đa của cuộc thi là 677); trở thành quản đốc Dự án tăng cường nhân lực xóa nghèo tại Trà Vinh của Liên Hiệp Quốc.

“Tôi muốn trở thành một chuyên gia phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam”. Đó là tham vọng khi anh đến giảng đường Cornell. Ngày học của anh kéo dài hơn ngày học của bạn bè, học cả thứ bảy, chủ nhật và tự nấu ăn để tiết kiệm tiền. Một năm qua của Lương Việt Quốc đã trải ra để hoàn thành luận án “Phân tích việc trồng cà phê ở Việt Nam”, lý giải lý do vì sao chỉ trong vòng 10 năm Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê nhiều thứ hai trên thế giới nhưng doanh thu từ cà phê vẫn thấp.

Quốc đã từng cùng bạn bè hùn làm một rẫy cà phê và... chẳng đi đến đâu. Đó là câu chuyện riêng “xúi” anh chọn đề tài cà phê Việt Nam. Những người nông dân như anh trước kia thường đầu tư theo... hi vọng “thơ ngây”. Khi thế giới mất mùa, giá cà phê lên cao, nông dân đổ tiền vào để trồng và thơ ngây tin rằng giá vẫn tiếp tục cao trong tương lai. Tuy nhiên khi thế giới được mùa, cung vượt cầu nhưng nông dân vẫn không nỡ đốn bỏ cả vườn cây. Họ cứ trồng đến mức lỗ... không còn gì mới ngưng trồng.

Đề tài của Quốc còn chứng minh: những chính sách từng có cho cà phê đã thật sự thất bại. 18 nước sản lượng cà phê cao nhất thế giới đã họp lại thỏa thuận: mỗi quốc gia cắt đều 20% lượng cà phê xuất khẩu để thực hiện nguyên lý cung giảm giá sẽ tăng. Nhưng kế hoạch này sụp đổ vì khi giá tăng chút đỉnh người nông dân vẫn tiếp tục trồng và lượng cà phê dôi ra lại không biết đi đâu.

Hơn nữa, các nước sẽ “ăn gian” nhau, lén xuất khẩu vì không có cơ chế giám sát. Hiệp hội Cà phê VN sau đó đã đưa ra giải pháp đặt giá sàn cho cà phê Việt Nam tránh bị ép giá, nhưng giá sàn cao hơn giá của thị trường thế giới lại là một kiểu tự cô lập.

Những tính toán trong đề tài của Quốc đưa đến giải pháp theo anh là căn cơ nhất: tăng sức cạnh tranh cho nông dân VN, giảm chi phí và tăng cao chất lượng cà phê. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thu mua làm trung gian giữa doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân đến nay vẫn chấp nhận cà phê chất lượng thấp và người nông dân cứ theo đó mà... bất cần chất lượng.

Quá trình đi tìm uy tín cần sự “hy sinh” của ngành cà phê Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định để áp dụng qui định chất lượng tối thiểu cho cà phê xuất khẩu ngang hàng chất lượng phổ biến trên thế giới (mà Việt Nam đã cam kết) - một số cà phê không bán được nhưng dần dần sẽ buộc nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao.

Để giảm chi phí, Nhà nước cần dùng số vốn trước đây hỗ trợ nông dân trữ cà phê để chờ nâng giá, nay đầu tư vào hệ thống thủy lợi, tổ chức khuyến nông cho nông dân.

Từ 11 điểm A và luận án xuất sắc, anh đã được tám trường đại học tổ chức hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của nước này chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ cho anh, gồm ĐH Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland, Wisconsin, Purdue, Minnesota, East - West Center. Trong đó Maryland đã hai lần gửi thư để nâng mức học bổng từ 30.040 USD/năm lên 37.168 USD/năm nhằm “cạnh tranh” khi biết anh đang được “săn”.

Có nhiều cảm xúc và cả quyết định khác nhau khi bạn đến với một nền giáo dục chất lượng và rộng mở cơ hội, nhưng trong những trình bày về định hướng tương lai, sinh viên Lương Việt Quốc luôn tỏ rõ tham vọng trở thành chuyên gia kinh tế ngay trên đất nước mình. Và lý lịch tuổi trẻ của anh cũng là một câu chuyện làm cảm động những người thầy nước ngoài.

Giáo sư William Thomek đã viết thư giới thiệu Quốc đến các trường ĐH (thư không cho người được giới thiệu xem), nói với Quốc rằng: “Anh là người xứng đáng. Và anh phải sống xứng đáng hơn với những lời nhận xét bí mật của tôi đấy

Nguồn: www.tintucvietnam.com ngày 03/08/2004

Xem Thêm

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...