Lui Pastơ người chiến thắng thần chết
Pastơ khởi đầu sự nghiệp của mình ở thành phố Stratbua, nước Pháp. Nơi đây có nhiều nhà khoa học nổi danh và những phòng thí nghiệm được trang bị tương đối khá so với thời ấy. Vì vậy ông đã bị lôi cuốn ngay vào công việc nghiên cứu hoá học.
Năm 1848, chàng thanh niên Pastơ tuy mới 26 tuổi nhưng cũng đã tự mình thực hiện một công trình nghiên cứu lớn về các tinh thể. Trong thư gửi một người bạn thuở thiếu thời, ông đã kể cho bạn niềm say mê đang cuốn hút tất cả tâm trí mình “Sự kết tinh chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn. Nếu anh đến Stratbua thì dù muốn hay không, anh cũng sẽ trở thành một nhà hoá học. Tôi với anh chỉ nói chuyện về tinh thể”.
Và rồi một trong những bí ẩn của hiện tượng kết tinh đã được Pastơ khám phá, dựa theo sự thay đổi cấu hình bên ngoài của tinh thể, Pastơ biết được đặc điểm cấu tạo phân tử cua chúng, Pastơ tỏ ra sắc sảo không chỉ trong khoa học mà trong cả cuộc sống riêng tư và đánh giá con người. Sau không đầy nửa tháng tới làm việc tại trường đại học Stratbua, ông đã phát hiện ra ngay bản chất tốt dẹp ẩn giấu trong con người cô Mari Lôrăng, con gái ông hiệu trưởng. Ông đã quyết định ngỏ lời cầu hôn và được nàng chấp nhận. Pastơ đã không nhầm Lôrăng luôn là người vợ trung thành, người trợ thủ đắc lực, luôn ở bên chồng cùng chia sẻ ngọt bùi suốt 46 năm trời.
Cả cuộc đời Pastơ hầu như chỉ gắn bó với phòng thí nghiệm. Suốt mấy chục năm dòng dã, sáng sáng ông đều đến phòng thí nghiệm với niềm hân hoan vui sướng, ông say sưa tìm hiểu bí ẩn của hiện tượng men rượu vang. Nghề làm rượu vang của Pháp rất nổi tiến trên khắp thế giới từ lâu đời. Hằng năm, ngoài số rượu tiêu thụ trong nước, Pháp còn xuất khẩu với số lượng đáng kể rượu vang ở nước ngoài, nhờ đó nước Pháp có một nguồn lợi rất lớn. Nhưng các nhà sản xuất rượu vang cũng gặp không ít khó khăn, khiến họ không chủ động trong sản xuất. Có thời kỳ rượu không lên men bình thường mà biến thành dịch chua loét như dấm. Nhiều mẻ sản xuất phải đổ đi hoàn toàn, làm cho nhiều nhà sản xuất đang ở bên bờ vực phá sản. Trước nguy cơ sụp đổ của ngành rượu vang, các nhà sản xuất yêu cậu sự giúp đỡ của Pastơ, mong ông tìm ra nguyên nhân làm rượu chua, hỏng như vậy. Thế là Pastơ đi sâu vào nghiên cứu quá trình lên men rượu và hiện tượng hư hỏng rượu. Chính việc làm này đã giúp ông tiến một bước vô cùng quan trọng trong công việc giải quyết vấn đề phức tạp về thuyết “tự sinh”. Theo thuyết này sinh vật có khả năng tự sinh trong môi trường tự nhiên. Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe ủng hộ và chống đối thuyết này diễn ra không chỉ ở Pháp mà ở nhiều nước trên thế giới. Pastơ không tham gia tranh luận mà chỉ đầu tư thời gian công sức vào nghiên cứu. Ông đã sáng chế ra cái bình cổ cong và đổ rượu vào, đồng thời đổ cả rượu vào một cái bình cầu thường.
Qua vài ngày, rượu vang trong bình cầu thường bị lên men chua như dấm. Còn rượu vang trong bình cổ cong sau thời gian dài vẫn không bị sao. Điều đó chứng tỏ rượu lên men là do bị vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào không phải tự sinh ở bên trong. Thí nghiệm này đã giáng một đòn chí mạng vào thuyết “tự sinh” và khai tử luôn học thuyết sai lầm này. Đến tận nay, hơn một thế kỷ rượu vang đựng trong bình cổ cong còn lưu từ thời Pastơ làm thí nghiệm, vẫn nguyên vẹn, không bị chua chút nào.
Sau khi tìm ra thủ phạm gây hại rượu vang Pastơ còn tìm ra thủ phạm làm hỏng sữa, bia… và cách phòng chống nó rất hữu hiệu, từ đó rượu vang, bia, sữa của Pháp không những không bị phá sản mà còn phát triển rất mạnh mẽ.
Cống hiến to lớn nhất của Pastơ khiến ông nổi danh khắp thế giới là phát minh là thuốc phòng chống bệnh dại. Những người bị chó dại cắn ở Pháp và các nước khác hàng năm rất nhiều, tỉ lệ tử vong rất cao, Pastơ đã để tâm nghiên cứu thuốc chủng và thí nghiệm trên động vật thành công chưa hề dùng cho người.
Vào tháng 7 năm 1885, có một bà mẹ dẫn đứa con trai là Mâystơ đến phòng thì nghiệm của ông vừa khóc vừa nói:
- Thưa ngài Pastơ. Con trai tôi bị chó dại cắn đã mấy ngày nay. Tôi đã gõ cửa khắp các bác sỹ nhưng họ đều bó tay. Giờ chỉ còn trông cậy vào ngài. Xin ngài ra tay cứu vớt.
Pastơ thận trọng nói:
- Đúng là tôi có nghiên cứu thuốc phòng chống bệnh dại nhưng tôi chưa dám thử nghiệm trên người.
Bà mẹ của chú bé cố nài nỉ:
- Đằng nào thì cháu cũng khó lòng qua khỏi. Xin ngài cứ chữa cho cháu xem, may ra cứu vãn được.
Pastơ còn đang phân vân thì chú bé Mâystơ đã nắm tay ông cầu xin:
- Ông ơi! Cháu không muốn chết, ông cố cứu cháu với.
Nghe giọng nói da diết của cháu bé cùng với ánh mắt ngây nhìn của ông đầy vẻ tin cậy, Pastơ quyết định nhận lời chữa cho cháu bé. Ông đã lấy tuỷ sống của một con thỏ đã làm nhiễm virút dại đem sấy khô sau đó chiết lấy dịch tuỷ này đem tiêm cho em bé rồi cùng các đồng sự theo dõi suốt ngày đêm. Vài ngày liền không thấy có dấu hiệu gì đáng ngại ông liền tiêm văcxin phòng dại hàng ngày vào cơ thể của cháu Mâystơ trước sự lo lắng, hồi hộp của nhiều người. May sao bệnh của cháu bé đã bị chặn lại. Sau vài tuần điều trị virút gây bệnh dại đã bị đánh bại. Pastơ đã giành lại bế Mâystơ khỏi tay thần chết, trả lại cho em cuộc sống trước sự vui mừng khôn tả và lòng biết ơn sâu sắc của bao người thân thiết của em.
Tin đồn về thứ thuốc thần kỳ có khả năng chữa bệnh dại của Pastơ đã lan đi rất nhanh khiến phòng thí nghiệm của ông trở thành nơi đón tiếp, chữa bệnh cho biết bao nhiêu người dân Pháp và ở các nước khác bị chó dại cắn. Nhiều người đã được cứu sống. Tuy vậy có trường hợp bệnh đã phát nặng không thể cứu vãn nổi đã bị tử vong. Lợi dụng những trường hợp ấy, bọn thù địch ganh ghét với ông đã thổi phồng lên cố làm mất uy tín của ông. Thậm chí có hàng đoàn người kéo đến phòng thí nghiệm của ông hò hét đập phá chửi rủa ông là “đồ giết người”.
Mặc dù vậy, chân lý cuối cùng vẫn thắng. Tại Pháp và nhiều viện khoa học trên thế giới đã kiểm chứng thứ văcxin mà Pastơ đã sáng chế ra, tất cả đều công nhận đó là thứ vũ khí hiệu nghiệm nhất để chống bệnh dại.
Ông đã được cả thế giới tôn vinh là nhà phát minh vĩ đại, và ông đã trở thành viện sĩ của nhiều viện Hàn lân nổi tiếng trên thế giới. Trong cuộc đời mình, Pastơ đã nhận tới 25000 thư từ, tài liệu của mọi người trên trái đất gửi đến tỏ lòng tri ân vị cứu tinh của họ.
Với thành công của ông trên nhiều lĩnh vực khoa học, Chính phủ Pháp đã đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm đơn sơ của Pastơ ở phố Rua thành viện Pastơ, một trung tâm nghiên cứu sinh vật và vi sinh vật lớn nhất nước Pháp.
Ngày nay, ở hầu khắp thế giới, trong đó có Việt Nam ta đều có Viện vệ sinh dịch tễ mang tên nhà bác học vĩ đại Lui Pastơ.
Nguồn: Thông tin thị trương KH-CN, số 6, 5/2004, tr 9-11