Luật Sở hữu trí tuệ trong điều kiện hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức
Để tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mỗi quốc gia cần xác định những tác động của nó đối với từng lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng không ngoại lệ cần được đặt trọng tâm ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ảnh internet
Những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong hội nhập quốc tế
Chia sẻ với PV vusta.vn, PGS.TS Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội nhưkhả năng tiếp cận với những tri thức khoa học và công nghệ tiền tiến, có cơ hội tăng tốc trong phát triển và rút ngắn con đường công nghiệp hóa; Khả năng tiếp cận với những thành tựu mới trong sản xuất và kinh doanh, thực hiện đổi mới quản lý sở hữu trí tuệ theo hướng hiện đại hóa của thời đại thông tin và truyền thông; Có khả năng tạo môi trường phát triển năng động và thích nghi, sẵn sàng với xu thế toàn cầu hóa với hợp tác đa phương và cạnh tranh để phát triển trên cơ sở tri thức khoa học và công nghệ; Cả xã hội đang chuyển theo hướng kinh tế tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên theo PGS Mai Hà, hiện nay còn rất nhiều thách thức như trình độ dân trí còn thấp, hiện trạng sở hữu trí tuệ không kịp bắt nhịp với những đổi mới về kinh tế và hội nhập; Khả năng bị lệ thuộc về công nghệ do trình độ quản lý kinh tế và xã hội yếu kém; Mặt bằng giá trị kinh tế và giá trị tâm lý, đạo đức và thẩm mỹ xã hội đang xáo trộn theo hướng không chuẩn, thiếu định hướng tích cực.
Nhu cầu đổi mới Luật Sở hữu trí tuệ
PGS Mai Hà cũng cho biết thêm, với những xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhu cầu của xã hội đối với quản trị và bảo hộ tài sản trí tuệ ngày càng đa dạng và với nhiều mức độ phức tạp và chuyên sâu khác nhau. Người ta có thể thấy rõ một số đặc điểm của nhu cầu trong giai đoạn hiện nay: Nhu cầu là rất đa dạng từ nhiều khía cạnh và cấp bách do hội nhập quốc tế;Nhu cầu đòi hỏi vừa chuyên sâu vừa có tính tổng hợp cao;Nhu cầu đòi hỏi cần phải được đáp ứng hiệu quả nhất: nhanh, kịp thời và phù hợp với thông lệ quốc tế;
Để đáp ứng những đặc điểm của nhu cầu dịch vụ, hoạt động dịch vụ sở hữu trí tuệ đã và đang được hình thành với những yêu cầu cơ bản sau: Luật Sở hữu trí tuệ cần đảm bảo tính hệ thống: tức là Luật cần phải được hình thành trên nền của hệ thống pháp lý thống nhất trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế; Luật Sở hữu trí tuệ cần đảm bảo mức độ thực thi cao: tức là Luật cần phải được thực thi một cách có hiệu quả, đảm bảo tuyệt đại đa số các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được xử lý thỏa đáng và phù hợp thông lệ của Việt Nam và quốc tế; Luật Sở hữu trí tuệ cần đảm bảo tính thân thiện vàhiệu quả: Luật sở hữu trí tuệ cần phải được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu và phải được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Luật SHTT còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực theo hiệp định.
Ngoài ra, theo PGS Mai Hà cho rằng, để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ và phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cần đảm bảo được những tiêu chí cơ bản sau: Tiêu chí hiệu quả trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Tiêu chí thân thiện trong việc tiếp cận với Luật và hệ thống dịch vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ; Tiêu chí đảm bảo mức độ thực thi cao: tức là Luật cần phải được thực thi một cách có hiệu quả, đảm bảo tuyệt đại đa số các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được xử lý thỏa đáng và phù hợp thông lệ của Việt Nam và quốc tế;
Nhận thức được tính tất yếu hội nhập quốc tế đối với công cuộc phát triển, hầu hết các quốc gia đều chủ động tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, tiến tới hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nội dung đổi mới Luật sở hữu trí tuệ cần được tư duy và đổi mới như những nội dung được trình bày trên, thì về cơ bản vẫn giữ được chủ quyền và quyền lợi của người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế trong tiến trình hội nhập quốc tế, đồng thời sẽ tạo không gian hoạt động sáng tạo ở Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.
Để các hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam phát triển đúng hướng, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nước ta, cần xác định rõ quan điểm: tài sản trí tuệ của Việt Nam cũng như của nhân loại phải được sử dụng làm đòn bẩy thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao về chất và bảo đảm hiệu quả vượt trội của hoạt động sở hữu trí tuệ là yêu cầu xuyên suốt và là ưu tiên hàng đầu đối với mục tiêu phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam; hệ thống sở hữu trí tuệ phải phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước tiên là in-tơ-nét kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo; nguồn nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ được hình thành là yếu tố then chốt để bảo đảm sự thành công của các hoạt động sở hữu trí tuệ; hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam có tính mở và động, tạo sự thích ứng cho hệ thống theo sự vận động và phát triển của nền kinh tế gắn liền với việc tích cực và chủ động hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Bài: HT