Lớp 9 thiết kế xe lăn điện
Đức kể: “Xóm em có chị Trịnh Thị Nguyên (24 tuổi), do bố bị nhiễm chất độc da cam nên từ khi mới sinh ra đã bị tật nguyền, không đi lại được. Chị đã được cấp xe lăn tay nhưng vì sức khoẻ yếu, nên không ít lần chị gắng hết sức mà bánh xe vẫn ì ra.”. Chính vì thế, Đức quyết tâm nghiên cứu loại xe lăn điện để giúp chị Nguyên. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, bố mẹ đều là nông dân, ít được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, nên khi bắt tay vào nghiên cứu Đức gặp nhiều khó khăn.
Vì không có tiền mua vật liệu, em phải đi nhặt từ bãi rác bánh xe đồ chơi trẻ em, những linh kiện điện tử, dây điện...thải loại để làm các chi tiết cho xe lăn. Chỉ sau hơn một năm mày mò nghiên cứu, lắp ráp, đến năm 2005, Đức đã thiết kế thành công mô hình chiếc xe lăn đa dụng (thu nhỏ) chạy bằng ắc quy. Chiếc xe lăn mà em sáng chế được điều khiển hoàn toàn bằng bảng điều khiển gắn trên xe, có hai động cơ tổng cộng 12V, đạt 4.200 vòng quay/phút; vận tốc của xe lăn đạt 15 km/giờ. Đặc biệt, xe vừa chạy vừa tự nạp điện, mỗi lần nạp đủ có thể hoạt động được từ 4 đến 5 giờ và tiến, lùi được theo ý muốn. Trên xe lăn còn gắn cả hai đèn pha phía trước, hai đèn xinhan, đèn lùi, chuông xin đường, quạt máy mi ni. Khi xe không hoạt động, người sử dụng có thể kéo ghế ngồi ra phía sau thành một chiếc giường nằm với tư thế thoải mái.
Năm 2005, mô hình chiếc xe lăn của Trịnh Văn Đức đã đoạt giải nhì tại cuộc thi ‘’Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ Nhất năm 2004-2005’’. Hiện nay, Đức đang lắp đặt một mô hình mới chiếc xe lăn này để đến đầu tháng 7 tới tham dự triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại Hàn Quốc. Đây là kết quả xứng đáng dành cho cậu học sinh nghèo ham học hỏi, đam mê nghiên cứu khoa học.
Nguồn: KH&ĐS Số 44 Thứ Sáu 2/6/2006