Loại kính kỳ diệu giúp nhìn được khối u
Loại kính đặc biệt này chưa được đặt tên, nhưng đã được sử dụng trong một cuộc phẫu thuật diễn ra lần đầu tiên hôm 10/2/2014 tại Trung tâm Ung thư Alvin J. Siteman tại bệnh viện Barnes – Jewish và Trường Y Đại học Washington, Mỹ.
Các tế bào ung thư rõ ràng là rất khó có thể nhìn thấy được, ngay cả dưới sự khuếch đại năng lượng cao. Các kính công nghệ cao này được thiết kế để giúp các bác sĩ phẫu thuật, phân biệt các tế bào ung thư với các tế bào khỏe mạnh, giúp chắc chắn rằng không có các tế bào khối u nằm rải rác bị bỏ sót sau cuộc phẫu thuật.
“Chúng ta mới đang ở những giai đoạn đầu của kỹ thuật này, và những phát triển cũng như kiểm nghiệm sẽ được thực hiện nhiều hơn nữa, nhưng chúng ta chắc chắn đã được khuyến khích nhờ những lợi ích tiềm năng của kỹ thuật này đối với các bệnh nhân”, bác sĩ phẫu thuật ngực Julie Margenthaler, MD và phó giáo sư phẫu thuật tại trường Đại học Washington, người đã thực hiện cuộc phẫu thuật hôm 10/2 cho biết. “Hãy tượng tưởng những gì mà các kính công nghệ cao này có thể làm được, đó là loại bỏ sự cần thiết của các cuộc phẫu thuật theo dõi và những đau đớn liên quan, những bất tiện và tâm lý lo lắng”.
Tiêu chuẩn hiện nay đòi hỏi, các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u và một số mô xung quanh có thể hoặc không chứa các tế bào ung thư. Các mẫu được gửi tới một phòng thí nghiệm bệnh lý học và được quan sát dưới kính hiển vi. Nếu các tế bào ung thư được phát hiện thấy trong các mô xung quanh, một cuộc phẫu thuật thứ hai thường được đề xuất để loại bỏ thêm các mô mà cũng đã được kiểm tra sự hiện diện của bệnh ung thư.
Các kính công nghệ cao này có thể làm giảm sự cần thiết phải thực hiện các phẫu thuật bổ sung và những áp lực tiếp theo gây ra cho bệnh nhân, cũng như thời gian và chi phí.
Margenthaler cho biết, khoảng 20 đến 25% bệnh nhân ung thư vú đã cắt bỏ khối u vẫn cần được thực hiện cuộc phẫu thuật thứ hai bởi vì, những công nghệ hiện nay chưa hiển thị đầy đủ mức độ của bệnh ung thư trong cuộc phẫu thuật đầu tiên.
"Chúng tôi hy vọng rằng, công nghệ mới này sẽ làm giảm hoặc tuyệt vời hơn đó là loại bỏ hẳn sự cần thiết của cuộc phẫu thuật thứ hai", bà nói.
Công nghệ này được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu do tiến sĩ Samuel Achilefu, một giáo sư về X-quang và kỹ thuật y sinh học tại Đại học Washington, kết hợp với công nghệ video tùy chỉnh, một màn hình hiển thị gắn trên đầu và một tác nhân phân tử mục tiêu gắn vào các tế bào ung thư, làm các tế bào này phát sáng khi được quan sát qua các kính này.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Biomedical Optics, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, các khối u nhỏ có kích thước chỉ khoảng 1mm (bằng độ dày của khoảng 10 tờ giấy) có thể được phát hiện thấy nhờ loại kính này.
Ryan Fields, MD, một trợ lý giáo sư về phẫu thuật tại Đại học Washington và phòng phẫu thuật Siteman, dự định sẽ dùng loại kính này trong một cuộc phẫu thuật dự kiến được thực hiện vào cuối tháng này để loại bỏ khối u ác tính khỏi một bệnh nhân. Ông cho biết ông hoan nghênh kỹ thuật mới này, một kỹ thuật về mặt lý thuyết có thể được sử dụng để quan sát bất kỳ loại ung thư nào.
“Một trong những hạn chế của phẫu thuật, đó là không phải lúc nào cũng có thể phân biệt bằng mắt thường giữa các mô lành và các tế bào ung thư”, Fields nói. “Với những chiếc kính công nghệ cao được phát triển bởi tiến sĩ Achilefu, chúng tôi có thể xác định các mô bệnh cần loại bỏ một cách tốt hơn”.
Trong nghiên cứu thử nghiệm tiến hành trên chuột trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu sử dụng màu xanh lá cây indocyanine, một chất tương phản thường được sử dụng và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration – FDA) cho phép. Khi tác nhân này được tiêm vào khối u, các tế bào ung thư phát sáng khi xem bằng kính và một ánh sáng đặc biệt.
Achilefu, cũng là đồng tác giả của chương trình hình ảnh Oncologic tại Trung tâm Ung thư Siteman và giáo sư hóa sinh và lý sinh học phân tử, đang kêu gọi FDA hỗ trợ cho một tác nhân phân tử khác để phát triển sử dụng với loại kính này. Tác nhân này nhắm mục tiêu một cách đặc biệt và lưu lại lâu hơn trong các tế bào ung thư.
"Công nghệ này có tiềm năng ứng dụng rất lớn đối với các bệnh nhân và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe", Achilefu nói. "Mục tiêu của chúng tôi là nhằm đảm bảo không có các tế bào ung thư nào bị bỏ sót lại trong cơ thể bệnh nhân".
Tiến sĩ Achilefu đã làm việc với Văn phòng Quản lý Công nghệ của Đại học Washington và được cấp bằng sáng chế cho kỹ thuật này.
Nghiêncứu được tài trợ bởi Viện Ung thư Quốc gia ( R01CA171651 ) tại Viện Y tế Quốc gia (NIH).