Lò đốt tiết kiệm 15% nhiên liệu
TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là chuyên gia từng được đào tạo tại Bê-la-rút.
Ông và đồng nghiệp đã thiết kế và chuẩn bị áp dụng thử nghiệm thiết bị có tác dụng giảm lượng dầu đốt khi khởi động nhà máy nhiệt điện.
Hiện nay, dầu nhiên liệu (FO hoặc mazut) được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị sản xuất năng lượng như lò hơi, lò công nghiệp và nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, các lò đốt hiện nay của Việt Nam có công suất chưa cao, than cháy chưa hết nên sinh ra nhiều muội, gây ra ô nhiễm không khí...
Để khắc phục điều đó, TS Ngô Tuấn Kiệt đã áp dụng công nghệ “phun nước cực nhỏ, xé hạt dầu” của Nga để áp dụng vào Việt Nam.
Mặt cắt thiết bị tán sắc
Công nghệ này sử dụng thiết bị tạo hỗn hợp nhũ tương dầu FO - nước của nước ngoài chuyển giao công nghệ cho Viện Khoa học năng lượng, dựa trên sự chuyển dịch cơ học của các lớp nhiên liệu liên tục trong chế độ tạo bọt khí và va đập thủy lực, dẫn đến việc hình thành nhũ tương nhiên liệu - nước với độ đồng nhất định trước và giá trị độ tán sắc (phân tán) điều khiển được. Thiết bị được thiết kế kết hợp hữu cơ trong một khối với 2 phần đồng bộ, bổ sung lẫn nhau về chức năng và liên kết hữu cơ với nhau. Thiết bị cho phép tạo nhũ tương dầu - nước với công suất đơn vị đến 5T/h, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy phạm về phòng chống cháy nổ.
Do giá trị phân tán điều chỉnh được theo yêu cầu của thiết bị đốt, nên hiệu suất đốt được nâng cao và cho phép tiết kiệm được từ 10-12% dầu nặng FO trong quá trình vận hành (tăng gần 2 lần so với công nghệ đang sử dụng hiện nay ở nước ta). Các chất thải gây ô nhiễm môi trường giảm đáng kể (ví dụ oxit nitơ - giảm 14%, oxit lưu huỳnh - 20%, oxit cacbon - 50%, chất lơ lửng - giảm đến 87%).
Theo TS Ngô Tuấn Kiệt, tháng 3/2014 này, các thiết bị sẽ được nhập về Việt Nam để đưa vào áp dụng thử nghiệm tại các nhà máy của Tập đoàn TKV, kết thúc tháng 6/2014.
Các nhà khoa học tin tưởng, nếu áp dụng thành công sẽ tiết kiệm 15% nhiên liệu đốt, giảm 50% “bồ hóng”, “muội than” gây ô nhiễm môi trường.
Theo tính toán của một lãnh đạo ngành nhiệt điện, nếu phương pháp này thử nghiệm thành công thì giá thành điện sẽ giảm khoảng 10%, là một con số rất lớn.