Lò đốt rác thải y tế của ông già Bắc Giang
Từ vết thủng chân của người dọn rác
Năm 2005 ông Quân bị sốt vi rút phải xuống trạm y tế xã Tân Dĩnh điều trị dài ngày. Ông đã chứng kiến cảnh hai vợ chồng người dọn bệnh xá hàng ngày dùng đôi tay trần bốc rác thải y tế vào một bể chứa, kim tiêm đâm thủng cả tay chân. Ngày mưa, bể chứa tích nước ruồi nhặng bâu đầy, nước chảy lênh láng, còn ngày nắng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Việc giúp bệnh xá tìm một giải pháp xử lý rác thải là một lời thách đố khiến ông trăn trở.
Sau nhiều năm tự mày mò nghiên cứu, năm 2010 ông Quân đã chế tạo thành công mô hình chiếc lò đốt rác thải y tế. Lò có tác dụng đốt sạch các loại ống nhựa, lọ thuốc thủy tinh, bông gạc thậm chí cả các mô cơ thể. Đặc biệt, để đốt lò chỉ cần dùng một que diêm, một tờ giấy bỏ và 30 giây nhóm lò.
Vật liệu để làm lò là kim loại, có thể là tôn đen, thép đen, thép không gỉ, inox, thép trắng. Lò được thiết kế gồm ống khói, phễu úp, thân lò, phễu ngửa, ống thu lửa hút khói, ghi lò và bầu đốt. Ống khói cao tối thiểu từ 7-10m tùy theo loại lò vuông hay tròn, trên đỉnh ống khói có mái che mưa. Thân lò hình vuông hoặc tròn để chứa rác thải, được thiết kế có 2 lớp vỏ, ở giữa có khoảng trống để chứa bột chịu lửa hoặc thủy tinh chịu nhiệt nhằm ngăn không cho vỏ ngoài của thân lò bị nóng, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Phễu ngửa để đỡ rác thải từ thân lò xuống…
Ông Quân cho biết, chiếc lò đốt rác thải y tế này quan trọng nhất là cái ruột của lò. Thiết kế ruột lò phải tính toán làm sao để đốt cháy toàn bộ rác một cách hiệu quả. Nguyên lý hoạt động của lò là tự cháy, tự phân hủy, tự điều khiển theo nguyên lý khí động học. Khi đốt, nhiệt độ trong lò đạt từ 700 đến 800 độ C. Đối với các loại rác cần nhiệt độ cao trên 1000 độ C để đốt thì có thể bơm thêm dầu hỏa thông qua thiết bị phun dầu được đặt bên thân lò để tăng nhiệt độ. Tất cả các độc tố đều được xử lý trước khi theo khói thoát ra môi trường nên không gây ô nhiễm môi trường. Sau khi đốt, tro rác vón lại thành cục, mỗi một khối rác thải chỉ thu được khoảng 1-1,5kg tro.
Sáng kiến nhỏ...lợi ích lớn
Tháng 7/2010, thiết kế chiếc lò đốt rác thải y tế đầu tiên được ông Nguyễn Nam Quân chuyển giao công nghệ và lắp đặt cho Trạm y tế xã Tân Dĩnh. Bác sỹ Ngô Duy Thế,Ttrạm trưởng trạm y tế xã Tân Dĩnh cho hay, hơn 20 năm công tác tại trạm y tế, chưa bao giờ rác thải y tế được xử lý một cách triệt để. Kể cả khi trạm y tế được đầu tư bể đốt rác theo chuẩn quốc gia thì số lượng rác thải chỉ đốt cháy hết 50% và thải ra môi trường một lượng khói lớn khiến những hộ dân sống xung quanh phản ứng. “Chỉ khi chiếc lò đốt rác thải y tế của ông Quân ra đời thì câu chuyện rác thải y tế ở trạm xá Tân Dĩnh mới được cải thiện. Đến nay, 100% rác thải y tế đã được đốt cháy hiệu quả, an toàn, giảm đáng kể nguồn gây ô nhiễm môi trường và lây lan các mầm bệnh nguy hiểm như tả, lỵ, thương hàn, uốn ván, lao, HIV...”, bác sỹ Thế nói.
Loại lò này đốt rác thải y tế của ông Quân được chế tạo theo hệ thống liên hoàn, gồm nhiều lò cùng hoạt động và có dung tích chứa khác nhau để ứng dụng rộng rãi trong xử lý rác thải y tế ở bệnh viện các tuyến huyện, tỉnh nhằm phát huy hiệu quả, giúp tiêu hủy triệt để lượng rác thải y tế độc hại, khống chế sự xâm nhập, lây lan của các loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm ra môi trường, cộng đồng với chi phí chỉ bằng 1/8 so với các loại lò đốt rác thải y tế nhập khẩu.
Vốn chỉ là một người nông dân quanh năm gắn bó với mảnh vườn, đồng ruộng nên ông không nghĩ đến chuyện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hay thương mại hóa sản phẩm lò đốt rác thải y tế. “Tôi có biết đăng ký sáng chế, giải pháp công nghệ là thế nào đâu. Với lại, tôi cũng chẳng có một tấc sắt, một xưởng cơ khí nào trong tay nên tôi cũng chỉ cấp bản vẽ, thiết kế và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho các cơ sở y tế muốn lắp đặt hệ thống lò đốt rác thải y tế của tôi thôi” ông Quân nói.
Đến nay ông Quân đã cung cấp và chuyển giao hơn 100 bản vẽ kỹ thuật, thiết kế chi tiết hệ thống lò và trực tiếp tư vấn thực hiện lắp đặt hơn 70 lò tại các bệnh viện trên cả nước như TPHCM, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bắc Giang,...
Không chỉ thành công với chiếc lò đốt rác thải y tế, ông Nguyễn Nam Quân còn được nhiều người biết đến với chiếc bảng chống lóa từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau đó, bảng chống loá của ông được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ở tỉnh Bắc Giang áp dụng. Ông Quân cũng là “cha đẻ” của chiếc máy mài sắn dây với công suất khoảng 1 tạ/giờ vẫn đang được nhiều người dân Tân Dĩnh áp dụng, góp phần làm giảm hẳn sức lao động cho người nông dân.