Lò đốt rác độc đáo
Một hôm "nhà sáng chế nông dân” Nguyễn Nam Quân, sinh năm 1952, bị bệnh phải đến trạm y tế truyền nước, cả ông và bác sĩ Thế đều chứng kiến đôi vợ chồng công nhân nọ dọn rác thải, dù đi ủng nhưng vẫn bị kim tiêm đâm chảy máu chân. Cả hai rì rầm: "Thôi, cạch đến già, không làm cái nghề này nữa!”
Rút kim truyền nước, ông Quân nói với bác sĩ Thế: "Các anh phải làm gì đi chứ, nhiều năm qua bà con đã khổ sở vì ô nhiễm, mùi khói nồng nặc, nay tình trạng này vẫn để tiếp diễn sao?” Nghe ông Quân than phiền xong, bác sĩ Thế nói: "Trước đây bác đã từng có nhiều sáng chế. Bác về nghĩ giúp em tìm ra cách nào đó chứ chúng em hết cách rồi.” Ông Quân nhận lời.
Thế là từ hôm làm "hợp đồng miệng” với bác sĩ trạm trưởng, ông Quân đã về nhà trăn trở nghĩ, tìm tài liệu, nghiên cứu lò đốt rác hoàn thiện nhất, không chỉ để giúp bác sĩ Thế mà còn giúp nhiều người dân khác nữa. Suốt mấy tuần "vận dụng hết vốn hiểu biết”, ông kẻ, vẽ, phác thảo rồi vò, xé nhiều lần mới tạm ưng ý. "Thú thực là trước đây khi đi bộ đội tôi từng nhìn thấy chiếc lò hỏa thiêu của người Campuchia. Tôi cố hình dung ra chiếc lò hỏa thiêu mà tôi đã được thấy và thiết kế sao cho phù hợp với cái bầu chứa rác, cột hút nhiệt, để lửa lên mà không lè ra ngoài, lại không tốn nhiều nhiên liệu đốt, giá thành phải rẻ. Quan trọng nhất của chiếc lò này là tôi đã nghĩ ra "thuật nghịch lửa”, để lửa có thể cháy ở trên và dưới mà không bị tắc”, ông Quân kể.
Theo bản thiết kế của ông Quân, lò đốt rác cải tiến sẽ không tốn một giọt dầu nào mà nguyên liệu sẽ tự cháy hết chỉ bằng một que diêm. Sau hơn một tháng sau tác phẩm hoàn thành. Đem bản thảo ra bàn với Trạm trưởng y tế xã Tân Dĩnh Ngô Duy Thế, ông Thế đồng ý liền và ngay lập tức làm tờ trình lên UBND xã để… xin kinh phí.
Lò có hình phễu, dưới có đặt một lớp ghi kim loại, rác thải được đưa vào, tự động đốt cháy chỉ bằng một mồi lửa mà không cần sử dụng điện hay bất kỳ loại chất đốt nào khác, nhiệt độ trong lò đạt 300 đến 400oC, có thể đốt cả trên và dưới nên rác sẽ hoàn toàn bị cháy hết. Thân lò hình vuông hoặc tròn gồm buồng chính chứa rác thải, được thiết kế có 2 lớp vỏ, giữa có khoảng trống chứa bột chịu lửa hoặc sợi thủy tinh chịu nhiệt nhằm ngăn không cho vỏ ngoài của thân lò bị nóng. Toàn bộ vỏ lò làm bằng kim loại, cột khói cao và có bộ phận lọc trước nên lượng khói thải ra rất ít.
Có lò đốt rác, nhiều trạm y tế trong tỉnh xin bản thiết kế về chế tạo lò, ô nhiễm nhiều vùng quê được giảm thiểu. Sự sáng tạo của một người nông dân không được học hành bài bản, đúng chuyên môn khiến nhiều người nể phục. Bà con ở Tân Dĩnh (Bắc Giang) vẫn nói chuyện với nhau: "Giá mà bác Quân làm lò sớm hơn thì dân đã được sướng sớm hơn!”
Sau thành công của chiếc lò đốt rác thải, ông Quân đã nhận về giải thưởng Cuộc thi nhà nông sáng tạo toàn quốc, Cuộc thi của Hội nông dân Bắc Giang…Từ chiếc lò đầu tiên ấy, nhiều nơi đến tham quan học tập, đặc biệt là bệnh viện Hợp lực (Thanh Hóa). Hàng chục lò đốt rác y tế được xây dựng trên toàn quốc: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn La, Kiên Giang, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh… Hiện nay, ông Quân đã nghiên cứu thành công màng lọc khói để giúp lò đốt rác hoàn thiện hơn, đồng thời chế tạo rô-bốt chui vào kéo rác trong các cống ngầm, giúp người công nhân đỡ vất vả mỗi khi bị tắc cống. Ông đã nghiên cứu thành công nguyên lý, cấu tạo gồm trục mềm, có bộ nhông xích linh hoạt, nhưng vẫn còn mắc ở góc vuông của cống ngầm nên sẽ mất ít thời gian nữa để "nhà sáng chế nông dân” tiếp tục hoàn thiện.