Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 04/08/2005 13:56 (GMT+7)

Liên kết trong nghiên cứu khoa học

PV báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với GS, TSKH Ðặng Vũ Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chung quanh vấn đề này, nội dung như sau:

- Là người trực tiếp nghiên cứu và quản lý khoa học, Giáo sư đánh giá như thế nào về hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay?

- Tôi đã có dịp nghe nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay. Có những đánh giá lạc quan nhưng cũng có đánh giá khá bi quan, song tất cả những ý kiến đó đều phản ánh những trăn trở đầy tâm huyết của các cán bộ khoa học, đặc biệt là những cán bộ khoa học thuộc thế hệ đàn anh đối với con đường tiến lên của khoa học và công nghệ Việt Nam.

Còn theo tôi, trong những năm vừa qua, nhất là từ sau khi có Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII) điểm nổi bật là tình hình phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta đã có những chuyển biến rõ rệt. Chủ trương tập trung đầu tư để xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm là một chủ trương rất đúng đắn đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao tiềm lực nghiên cứu theo một số hướng công nghệ tiên tiến. Thông qua hợp tác quốc tế và đào tạo trong nước, so với trước đây, trình độ cán bộ khoa học đã được nâng cao rõ rệt. Cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ đã bắt đầu đổi mới. Nhờ vậy, các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ đã có những đóng góp nhất định trong việc cung cấp các cơ sở khoa học trong việc hoạch định chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, trong việc giải quyết một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới xuất hiện trong quá trình phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong khoa học và công nghệ cũng không ít những vấn đề còn tồn tại: Tiềm lực khoa học của các viện nghiên cứu còn yếu; tình trạng hẫng hụt cán bộ, nhất là cán bộ khoa học có trình độ cao còn tiếp diễn; cơ chế quản lý vẫn còn những điểm chưa phù hợp với hoạt động khoa học và công nghệ. Ðấy chính là những điều mà chúng ta phải tập trung giải quyết trong những năm sắp tới.

- Với vốn đầu tư hằng năm khoảng 2% tổng chi ngân sách cho khoa học, theo Giáo sư, những kết quả do khoa học mang lại liệu có tương ứng không?

- Tuy tổng số vốn đầu tư cho khoa học ở Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, song đối với nước ta đấy là một nỗ lực lớn của Nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ. Là đại biểu Quốc hội của một tỉnh tiếp giáp biên giới Tây Nam, tôi thường có dịp dự lễ bàn giao những căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Nhớ lại cái giá của căn nhà tình nghĩa (18 triệu đồng), mỗi khi phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học với kinh phí hàng trăm triệu đồng tôi đều tự hỏi phải làm gì để mỗi đồng tiền chi cho nghiên cứu khoa học là mồ hôi, là công sức của những người lao động trong cả nước được sử dụng có hiệu quả nhất?

Trong số những kết quả mà khoa học và công nghệ đem lại trong thời gian qua có những kết quả có thể nhìn thấy được như các loại giống lúa mới, vật liệu mới, thiết bị công nghiệp mới... Có những kết quả có tác động xã hội rất lớn như việc sử dụng kỹ thuật gen để giám định hài cốt liệt sĩ. Có những kết quả có lẽ phải nhiều năm sau mới đánh giá được như việc cung cấp các số liệu điều tra cơ bản làm cơ sở khoa học để lựa chọn địa điểm an toàn xây dựng các công trình lớn. Thậm chí, có những công trình nghiên cứu thất bại song vẫn có giá trị nhất định vì nó chỉ cho người đi sau tránh khỏi những sai lầm của người đi trước.

Cũng không nên quên rằng, trong suốt những năm vừa qua với số vốn đầu tư như vậy, chúng ta vừa phải tiến hành các hoạt động nghiên cứu triển khai để giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển của đất nước, vừa phải dành một phần kinh phí đáng kể để xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học nhằm theo kịp trình độ các nước tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, cũng như nhiều cán bộ khoa học khác, tôi luôn nghiêm khắc nhận thấy rằng cần phải có những kết quả nghiên cứu lớn hơn nữa, có tác dụng sâu rộng hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng cho đất nước để xứng đáng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.

- Lâu nay người ta vẫn than phiền là cuộc sống một đằng, nhà khoa học một nẻo. Ý kiến của Giáo sư về việc này như thế nào?

- Tôi cho rằng với cơ chế tuyển chọn đề tài như những năm vừa qua thì ở một mức độ nào đó, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ đều phải gắn liền với cuộc sống. Ðấy chính là điều mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Có những công trình nghiên cứu có thể ứng dụng ngay trong thực tế, song có công trình chỉ nhiều năm sau mới đánh giá được hết ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của nó.

Tôi xin đưa ra hai thí dụ: Từ nhiều năm nay, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thường xuyên chi một khoản kinh phí không nhỏ để duy trì hoạt động nghiên cứu của mạng lưới các trạm quan trắc động đất đặt trên khắp lãnh thổ nước ta. Chính những số liệu địa chấn mà cán bộ những trạm quan trắc này âm thầm thu nhận trong hơn 30 năm qua đã được sử dụng khi lựa chọn địa điểm an toàn về động đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Một thí dụ khác: Gần mười năm trước, tôi đắn đo mãi mới phê duyệt một đề tài nghiên cứu tưởng như khó có thể sớm được ứng dụng ở nước ta. Không ngờ về sau, kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng để chế tạo một loại vật liệu rất cần thiết cho một ngành sản xuất. Cho nên, cần phải có thời gian và thông qua thực tiễn mới có thể đánh giá khách quan và đúng mức giá trị của các công trình nghiên cứu khoa học đối với cuộc sống.

- Có một thực tế là, ở các nước các công trình khoa học đều bắt đầu từ các trường đại học, còn ở ta, lại ở các viện. Vì sao vậy?

- Ðiều đó tùy vào từng nước. Ở Pháp, Australia, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nga các hoạt động khoa học và công nghệ phần lớn được tiến hành ở các viện nghiên cứu, còn ở Mỹ và một số nước khác, chủ yếu ở các trường đại học. Mỗi mô hình tổ chức đều có những điểm mạnh và cả những điểm yếu.

Ở nước ta, ngay từ năm 1975 Chính phủ đã thành lập Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu và triển khai trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên và một số hướng công nghệ trọng điểm. Theo nhận xét của tôi, tốt nhất là nên kết hợp nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo cán bộ cả ở các trường đại học và các viện nghiên cứu theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII). Làm như vậy sẽ phát huy được thế mạnh của cả hai mô hình tổ chức.

- Và có một thực tế khác: Các "viện sĩ" thích làm công việc của trường đại học, nhưng lại không muốn nằm trong hệ thống tổ chức nghiên cứu viên trong trường đại học. Thưa Giáo sư, vì sao vậy?

- Ðiều này hoàn toàn dễ hiểu. Cán bộ ở các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ thích hướng dẫn làm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ hoặc tham gia giảng dạy ở các trường đại học vì thông qua đó có thể tuyển chọn được những cán bộ trẻ, thật sự có tài năng để làm công tác nghiên cứu - điều mà các viện nghiên cứu đang rất cần. Thêm vào đó, cán bộ khoa học có tham gia giảng dạy ở các trường đại học, có hướng dẫn bảo vệ thành công các luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ mới đủ tiêu chuẩn để được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư là một sự động viên rất lớn về tinh thần đối với cán bộ khoa học.

Tuy vậy, cán bộ khoa học thích ở lại trong các viện nghiên cứu vì ở đó trang thiết bị nghiên cứu tốt hơn, thời gian dành cho nghiên cứu nhiều hơn, các thủ tục hợp tác quốc tế thuận tiện hơn. Hơn nữa, về mặt tâm lý, sau 40, 50 tuổi - lứa tuổi thành đạt trong khoa học - không mấy ai muốn rời viện nghiên cứu đã gắn bó hàng chục năm trời.

- Là người làm công tác nghiên cứu và quản lý khoa học lâu năm, Giáo sư có thể lý giải vì sao ở nước ta sự phối hợp giữa các viện với các viện, giữa các nhà khoa học với nhau lại khó khăn như vậy?

- Công bằng mà nói, trong thực tế đã có những tấm gương hợp tác rất đáng trân trọng. Tôi muốn nhắc tới công trình "Nghiên cứu sản xuất thuốc chữa sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng" đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000. Công trình này đã tập hợp hàng trăm cán bộ khoa học của 16 đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cán bộ khoa học từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm đến sản xuất là một trong số những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thành công.

Song, ngay trong nghiên cứu khoa học cũng có cạnh tranh - tôi muốn nói đến cạnh tranh lành mạnh. Việc này là hoàn toàn cần thiết để thúc đẩy cán bộ khoa học phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, cơ chế tuyển chọn cơ quan và cá nhân chủ trì các đề tài nghiên cứu đã được áp dụng ở nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác, nghiên cứu khoa học cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, giữa các cán bộ khoa học. Song đáng tiếc là đúng như phóng viên đã nhận xét, không phải nơi nào cũng thực hiện được việc này. Nguyên nhân chính vẫn là ở bản thân cán bộ khoa học, trước hết là ở các cán bộ khoa học đứng đầu các đơn vị nghiên cứu.

- Giải pháp cho vấn đề nêu trên? Và theo Giáo sư mọi việc phải bắt đầu từ đâu?

- Có hai giải pháp. Giải pháp đầu tiên là phải làm tốt công tác cán bộ. Kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy, các đơn vị nghiên cứu, các cán bộ khoa học có phối hợp được hay không phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các đơn vị nghiên cứu. Cần lựa chọn những cán bộ khoa học có khả năng tập hợp đồng nghiệp, có đức, có tài để bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo.

Giải pháp thứ hai là phải có cơ chế khuyến khích những đề tài mang tính chất liên ngành đòi hỏi huy động nhiều đơn vị nghiên cứu cùng tham gia để giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ phức tạp. Thực tế khe khắt của cuộc sống sẽ làm cho các cán bộ khoa học, các đơn vị nghiên cứu phải phối hợp chặt chẽ mới hoàn thành được những nhiệm vụ to lớn của khoa học và công nghệ.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Nguồn: nhandan.com.vn   28/7/2005

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.