Liên hiệp Hội Việt Nam là “Tổ chức chính trị-xã hội của trí thức Việt Nam”
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập từ năm 1983 và đến ngày 31/8/1993 tại Thông báo số 5, Ban Bí thư đã khẳng định Liên hiệp Hội Việt Nam là “Tổ chức chính trị-xã hội của trí thức Việt Nam”. Đặc biệt, ngày 16/4/2010 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW khẳng định “Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam có hệ thống từ TW đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một tổ chức chinh trị-xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” và “Phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức KH&CN”.
Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao
Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, trong 5 năm qua Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động tổ chức quán triệt một cách nghiêm túc, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vận động trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.
Đẩy mạnh triển khai hoạt động tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo KH&CN Việt Nam, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ khi các tỉnh/thành phố trên cả nước được chủ động tổ chức và chung tay xây dựng Sách vàng Sáng tạo hàng năm. Theo đó, đã có 7.677 công trình, giải pháp kỹ thuật với 1.490 công trình đạt giải; tham gia triển lãm sáng tạo KH&CN ở các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan,... để giới thiệu, thương mại hóa các sản phẩm KH&CN, theo đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam được giải khu vực và quốc tế. Đã 3 lần tổ chức tôn vinh và trao biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu cho 445 trí thức; nhiều Đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã tới dự và phát biểu chỉ đạo, động viên khích lệ đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà.
Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, giai đoạn 2015-2020, hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội, góp ý khách quan và kịp thời nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, dự án đầu tư trọng điểm tác động đến phát triển KT-XH.
Tuyên thông, phổ biến kiến thức KH&CN, Liên hiệp Hội Việt Nam đã hỗ trợ trên 100 lượt hội thành viên thực hiện hoạt động phổ biến kiến thức. 5 năm qua, đã tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cho hơn 13 triệu lượt người. Nhà xuất bản Tri thức xuất bản/tái bản mỗi năm khoảng 150 đầu sách tương đương với 450.000 bản.
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện thành công 38 nhiệm vụ cấp quốc gia, 300 cấp bộ/tỉnh và 2.000 cấp cơ sở trên cơ sở xã hội hóa một cách mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Tăng cường hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các bộ, ngành như: MTTQVN, Bộ KH&CN, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, Bộ TN&MT, Tập đoàn GFS. Duy trì, kế thừa và phát triển các mối quan hệ quốc tế như Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN, Hội đồng khoa học Quốc tế, Liên đoàn kỹ sư Châu Á-Thái Bình Dương…Các tổ chức KH&CN đã thực hiện 540 dự án với giá trị mỗi năm khoảng 10 triệu USD từ viện trợ nước ngoài.
Còn đối với việc tổ chức, nghiên cứu, học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam, các ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và lãnh đạo Liên hiệp Hội của nhiều địa phương đã tham gia học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng.
Đảng đoàn Liên hiệp Hội ở TW và ở các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với cấp ủy đảng quán triệt, triển khai phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các cán bộ khoa học, các hội viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ trí thức KH&CN; chỉ đạo các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đăng tải nhiều thông tin, bài viết để tuyên truyền về các Nghị quyết Đại hội của Đảng.
Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để triển khai trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam; Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong toàn Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam.
Đảng đoàn chỉ đạo Hội đồng TW Liên hiệp Hội Việt Nam ban hành Chương trình làm việc toàn khóa VIII nhiệm kỳ 2020-2025 gồm nhiều nội dung quan trọng gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về Liên hiệp Hội Việt Nam.
Xây dựng Đề án về tổ chức bộ máy và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trình Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hướng đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong phạm vi cả nước.
Về giải pháp chủ yếu thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ông Thao cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam từ TW đến địa phương cần tập hợp đông đảo và chất lượng đội ngũ trí thức KH&CN đáp ứng yêu cầu mới để tư vấn, phản biện cơ chế chính sách về KHCN&ĐMST, chính sách thu hút, trọng dụng và tôn vinh trí thức để Đảng và Nhà nước có các chính sách đặc thù, vượt trội, đáp ứng yêu cầu KHCN&ĐMST thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thúc đẩy việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về LHHVN nhằm thống nhất trong hệ thống chính trị, trong xã hội và trong các văn bản pháp luật về vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN có hệ thống từ TW đến tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn phát triển tổ chức, thực hiện thống nhất chế độ chính sách cán bộ từ TW đến địa phương và làm tốt công tác hội viên. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy tính sáng tạo trong hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Tham mưu cho Đảng về việc ban hành một Nghị quyết về trí thức thay thế Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì đất nước ta đang tiến vào một kỷ nguyên mới mà đỏi hỏi Liên hiệp Hội Việt Nam cùng đội ngũ trí thức phải đổi mới mạnh mẽ.
Quang cảnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”
Để xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Liên hiệp Hội Việt Nam có một số kiến nghị như, xem xét ban hành Chỉ thị của Thủ tướng chỉ đạo các các cơ quan liên quan tiếp tục thúc đẩy việc thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến LHHVN theo Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị.
Chỉ đạo, giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, chế độ chính sách đối với Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Tạo điều kiện để Liên hiệp Hội Việt Nam được tham gia triển khai các chương trình hành động của Chính phủ liên quan đến trí thức và KHCN&ĐMST, trong đó thực hiện thí điểm giao một số dịch vụ công cho Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì thực hiện và tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Giao cho LHHVN xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về chuyên gia, nhà khoa học phục vụ TVPB&GĐXH cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và kinh tế-xã hội khác.
Tiếp tục tin tưởng vào đội ngũ trí thức KH&CN cách mạng Việt Nam, mạnh dạn đặt hàng và giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam tham mưu, TVPB&GĐXH thêm các đề án lớn, khó, có tính chất liên ngành, đặc biệt là những đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Chính phủ; các chương trình, dự án lớn, các công trình quan trọng quốc gia. Có cơ chế đột phá để hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tập trung nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống Covid-19.
PV.